(Baothanhhoa.vn) - Chiều quê, khi thấy chiếc cối đá đã cũ để trong góc vườn, lòng bỗng như bắt gặp cơn cớ để nhớ về những bữa cơm trưa hè của mẹ với canh cua giã cối ăn cùng cà pháo, gói ghém đong đầy cả tuổi thơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp người “thổi hồn” cho cối đá

Chiều quê, khi thấy chiếc cối đá đã cũ để trong góc vườn, lòng bỗng như bắt gặp cơn cớ để nhớ về những bữa cơm trưa hè của mẹ với canh cua giã cối ăn cùng cà pháo, gói ghém đong đầy cả tuổi thơ.

Người “thổi hồn” vào những chiếc cối đá đã có gần 50 năm gắn bó với nghề.

Thật kỳ lạ bởi thứ đồ vật xám lạnh tưởng chừng như vô tri trơ ra cùng năm tháng mà níu giữ những hồi ức, kỷ niệm khiến con người ta bồi hồi, thổn thức. Chiếc cối đá chắc nịch mà người dùng dù có cố gắng lắm cũng chỉ có thể lăn qua lăn lại, vì vậy bao nhiêu năm rồi vẫn được mặc định nằm nguyên một góc vườn. Tuổi thơ xưa, lúc nào mẹ giã cua, bố giã giò hay lũ trẻ chúng tôi cố ý bỏ vào mấy hạt lạc giã vui đùa đều thắc mắc, tại sao đá nặng vậy mà lại làm ra được chiếc cối, chứ không phải bằng gỗ hay bằng sắt? Mang câu hỏi của suốt một thời tuổi thơ, tôi lần tìm về nơi làm cối đá xưa kia để giải tỏa, trả lời hay mong ngóng hoài niệm lại những gì đã xưa mà chưa hề phai cũ.

Men theo Quốc lộ 47 về làng đá có tiếng của xứ Thanh, tôi ghé thăm từng cửa hàng, ngóc ngách, gia đình để tìm cho bằng được nơi còn làm cối đá bằng nghề thủ công và may mắn nhận ra những chiếc cối đá nhỏ xinh xắn được bày bán ngay trước cửa ra vào của một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà nằm ngay ven quốc lộ tấp nập người qua lại, người chủ cười xuề xòa khi thấy khách lạ đến và ngượng ngùng chẳng dám mời ngồi vì bụi đá giăng trắng xóa cả bàn ghế, lối đi. Trước mắt tôi, hình ảnh người thợ chẳng hiểu do bụi đá hay tóc đã bạc theo thời gian mà trắng lấm tấm cả mái đầu. Ông nhỏ nhẹ, tình cảm nhưng cũng đầy ngại ngùng khi chia sẻ về cuộc đời của mình gắn liền với những chiếc cối đá. Ông là Lê Văn Đông, một trong những người thợ ít ỏi của làng nghề đá Đông Tân, TP Thanh Hóa còn lưu giữ lại nghề làm cối, chày bằng đá.

Khi câu chuyện được gợi mở, giọng ông Đông đầy hào hứng nói về cối đá ở cái thời hưng thịnh nhất: Cối đá ở xóm Cộng, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa một thời nổi tiếng gần xa. Khi đó, rất nhiều hộ gia đình trong làng sống bằng nghề làm cối đá, cối xay. Ngày nay, những chiếc cối đá tuy không còn được tấp nập người mua, kẻ bán như trước đây, song gia đình ông Đông vẫn miệt mài, gắn bó với nghề này. Theo lời ông Đông, chiếc cối đá đã có từ rất lâu, có thể hàng nghìn năm. Không ai xác định được nó có từ khi nào nhưng không thể phủ nhận một điều chiếc cối đá là một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những khối đá vô tri, vô giác, những hòn đá mồ côi đã trở thành những chiếc cối để phục vụ trong đời sống sinh hoạt của người dân. Nghề cũng theo nhu cầu của con người mà ra, nên không ai xác định được nó ra đời từ bao giờ. Chỉ biết, lớp người trước truyền nghề cho lớp người sau, cứ thế giữ nghề từ đời này qua đời khác. Riêng ông Đông, khi mới được hơn 10 tuổi đã theo chân cha lên núi cõng đá về để làm chày, cối, chớp mắt đã thấy mình già và cái nghề này vẫn theo ông cho đến bây giờ.

Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng đôi bàn tay của người thợ già vẫn làm việc thoăn thoắt, nhanh nhẹn. Tiếng búa, tiếng đục đá chan chát, xung quanh là những chiếc cối đang thành hình đều tăm tắp, những thanh đá làm chày phẳng lì. Người thợ lành nghề chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày tôi làm được khoảng 2 - 3 chiếc cối đá, thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng. Để làm được một chiếc cối bằng đá, người thợ phải lựa những hòn đá đen mồ côi, vì loại này có độ dẻo, khi đục cối không bị vỡ, rồi trải qua biết bao nhiêu công đoạn, như: Xẻ đá, đục đá, quây, bạt, vo tròn, đục vân... Yếu tố chính để làm cối đẹp cần bàn tay khéo léo, sự tỷ mỷ và tập trung cao độ. Nghề làm cối đá đòi hỏi tính kiên trì, nếu nóng tính thì không làm được đâu, vì nó cần thời gian, làm lâu. Có khi mất cả một buổi sáng để đục, đẽo mà các phiến đá không biết nghe lời, vỡ luôn thế là thành dở dang”. Trong lúc nói chuyện, người thợ già liên tục nhắc tôi đứng cách xa để tránh những mảnh đá vụn khi đục cối văng ra. Thế mới biết, bên cạnh việc đam mê, giữ nghề thì nghề đá vô cùng nặng nhọc và vất vả. Ông Đông tâm sự: “Thời nào cũng thế, để làm cối đá vẫn là tay búa, tay đục, nghề này vất vả lắm”. Nói rồi, ông Đông “khoe” đôi bàn tay chai sần vì năm tháng cầm búa, khuân đá, còn đôi chân của ông chi chít những vết sẹo. “Cái nghề này nhìn vậy mà tai hại lắm. Nhiều năm làm nghề mang theo những hệ lụy không mong muốn như bị hoa mắt, ù tai, bụi đá ảnh hưởng đến sức khỏe. Sắt đập vào đá thì còn có âm thanh nào chát chúa hơn. Làm nghề thì phải chấp nhận, lâu rồi thành quen”, ông Đông bộc bạch.

Ngày nay, khoa học - kỹ thuật phát triển, nhu cầu sử dụng các vật dụng được chế tác từ đá thiên nhiên không nhiều như trước, nhưng ông Đông vẫn giữ lấy nghề, bởi với ông đó là đam mê. Có thời điểm, 15 năm tay không cầm búa, chân không bám bụi đá, những tưởng mình phải bỏ nghề do bị gián đoạn vì sức khỏe yếu. Thế nhưng rời khỏi giường bệnh viện, ông Đông lại quay lại tìm nghề, mưu sinh chỉ là một phần nhỏ, còn lại là niềm đam mê và nỗi nhớ với đá. Cho đến thời điểm này, ông Đông đã truyền lại được nghề truyền thống cho 2 người con của mình, ông cho đó là điều may mắn đối với gia đình, vì giữ được nghề “cha truyền con nối”, tôi thì lại cho đây là điều may mắn đối với biết bao thế hệ trước và sau này, khi sẽ còn được nhìn, được hiểu, được biết về chiếc cối đá đã được hình thành như thế nào qua bàn tay của con người.

Ngày nay, nhiều người tìm đến nhà ông Đông mua cối đá không chỉ để phục vụ cho đời sống hàng ngày như trước kia mà thay vào đó để làm kỷ niệm hoặc trưng bày. Thế mới biết, giữa cuộc sống tấp nập, hiện đại, ngay cả khi chiếc cối đá xám lạnh vô tri đó chỉ dành để ngắm trong những mảnh vườn nhà quê hay phố thị, nó vẫn luôn giữ vô vàn ký ức, vô vàn kỷ niệm, vẫn là một khoảng đời nào đó từng hiện thân bóng dáng của những đói no nghĩa tình ngày cũ. Nhờ vậy mà đúng như ai đó đã từng ví von “đá có linh hồn”. Chia tay người thợ già khi ánh hoàng hôn trải dài hoang hoải, không quên nói một lời “cảm ơn” với người thợ già rồi lòng bỗng thấy vui lạ thường. Mới nhận ra, nghề thủ công không chỉ tạo ra sản phẩm mà nó còn có mặt giá trị về văn hóa và lịch sử, chính vì vậy tại một số nơi, còn có những người như ông Đông vẫn âm thầm, lặng lẽ làm nghề nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Chưa từng được gọi là nghệ nhân, cũng không phải nghệ sĩ nhưng người thợ già với tuổi đời hơn 60 thì đã có gần 50 năm gắn bó cuộc đời mình với nghề, người đã dành cả tâm huyết của mình “thổi hồn” vào những chiếc cối, chiếc chày đá đáng được trân trọng.


Bài và ảnh: Lan Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Quế Thanh - 11:40 05/12/19

 Trả lời

Em muốn liên hệ mua thì như thế nao ạ: 0931844365 số điện thoại của Thanh ạ

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]