(Baothanhhoa.vn) - Trong bữa cơm chiều tại một quán nhỏ ven thị trấn Mường Lát, tôi giật mình khi bác sĩ Nguyễn Huy Văn, giám đốc bệnh viện đa khoa huyện lại vỗ vai: “Lâu lắm mới gặp nhà báo, dịp này lên viết về đề tài gì vậy?”. Bất ngờ trước câu hỏi của vị giám đốc bệnh viện huyện, thay vì trả lời tôi hỏi ngược: “Bác sĩ có đề tài gì hay bảo em!”. Bác sĩ Văn cười bảo: “Sáng mai qua, anh cho nhân vật “Đốc - tờ” Phúc từng “vượt biên” cứu người!... Ok chứ!”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Đốc - tờ” Phúc và chuyện “vượt biên” cứu người

Trong bữa cơm chiều tại một quán nhỏ ven thị trấn Mường Lát, tôi giật mình khi bác sĩ Nguyễn Huy Văn, giám đốc bệnh viện đa khoa huyện lại vỗ vai: “Lâu lắm mới gặp nhà báo, dịp này lên viết về đề tài gì vậy?”. Bất ngờ trước câu hỏi của vị giám đốc bệnh viện huyện, thay vì trả lời tôi hỏi ngược: “Bác sĩ có đề tài gì hay bảo em!”. Bác sĩ Văn cười bảo: “Sáng mai qua, anh cho nhân vật “Đốc - tờ” Phúc từng “vượt biên” cứu người!... Ok chứ!”.

Bác sĩ Phúc khám bệnh cho bệnh nhân Lào.

“Đốc - tờ” Phúc là ai thưa bác sĩ? Mai qua sẽ rõ!

Chuyện về “Đốc - tờ” Phúc...

Câu chuyện lỡ cỡ của bác sĩ Văn khiến tôi gần như trọn đêm mong trời sáng. Những luẩn quẩn trong đầu về nhân vật “Đốc - tờ” Phúc? Chuyện hơn 1.000 lượt bệnh nhân Lào sang ta điều trị?... Khi tiếng gà gáy cất lên, tôi vội xô cửa ra ngoài. Quang cảnh bình minh nơi phố huyện biên giới hiện ra trước mắt thật bình dị với những cặp vợ chồng Mông xuống phố huyện từ mờ sáng; những quán ăn sáng nhỏ của người Kinh từ dưới xuôi lên đang lục đục bàn ghế. Chú ý hơn cả, vẫn là tiếng khèn vang vọng suốt từ đêm qua - hẳn của một gã si tình trắng đêm không ngủ như tôi!

Tất tưởi quần áo rồi tới bệnh viện. Từ đầu cổng, lời nhắn của giám đốc Văn qua một y tá: “Lên thẳng phòng làm việc của “Đốc - tờ” Phúc - phó giám đốc bệnh viện nhé! Anh nay bận họp”, khiến tôi có chút hụt hẫng như bị bỏ rơi. Sau cánh cửa phòng phó giám đốc tầng 3 mở ra, tôi bất ngờ khi “Đốc - tờ” Phúc là một bác sĩ nữ còn rất trẻ, chừng ngoài 35 tuổi. Tôi tự nhủ: “Phải đặc biệt lắm thì một bác sĩ có tiếng khó tính như giám đốc Văn mới khen chị đến vậy!”.

Chị Phúc niềm nở: “Anh nhà báo phỏng! Mời anh ngồi. Tôi có nghe giám đốc bệnh viện nhắc nay có khách quý ghé thăm, hỏi han chuyện khám chữa bệnh cho người Lào!”.

“Đốc - tờ” Phúc tên đầy đủ là Hà Thị Phúc (SN 1981), ở bản Chiềng Cồng, xã Tén Tằn, người dân tộc Thái. Trình độ chuyên môn là bác sĩ đa khoa định hướng sản, hiện đang học chuyên khoa I. Là phó giám đốc bệnh viện, phó bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn; đại biểu HĐND huyện Mường Lát. Chị từng đạt nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng của ngành, của huyện và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, được Chủ tịch huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân Lào.

Chuyện chị Phúc theo đuổi được ngành y không phải dễ với điều kiện cũng như nhận thức bà con vùng miền núi lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế. Lựa chọn chuyên sản bởi tình yêu thương chị dành cho quê hương. Chị Phúc kể về duyên nghề: “Hồi đó, chị em phụ nữ trên bản mỗi khi sinh đẻ đều rất ngại tới bệnh viện, ngại bác sĩ nam đỡ đẻ nên hầu hết mọi ca sinh nở đều diễn ra tại nhà, không ít trong số đó gặp rủi ro. Từ thực tế đó, tôi quyết tâm làm bác sĩ sản. Để đạt được ước mơ, nguyện vọng, mình đã phải nỗ lực học tập, thuyết phục gia đình, chồng con”... Công tác từ năm 2009 đến nay, số ca khám chữa bệnh cho người Mường Lát cũng như bệnh nhân nước bạn Lào của bác sĩ Phúc không biết bao nhiêu mà kể.

Một trong những thuận lợi so với những bác sĩ khác đó là bản thân chị Phúc là người Thái nên mọi việc nói chuyện đều thông ngôn với bệnh nhân Lào. Hỏi khí không phải, biệt hiệu bệnh nhân Lào đặt cho chị là “Đốc - tờ” Phúc? - Bác sĩ Phúc cười: “Thật ra mà nói, phần lớn các bệnh nhân Lào sang ta khám chữa bệnh đều là những ca nặng, phía các bệnh viện huyện bạn không làm được mới sang ta. Và không phải ai ở bệnh viện ta cũng biết nói tiếng Lào, trực tiếp mổ được. Có lẽ vì thế, mỗi khi họ đến ta khám chữa bệnh đều gọi ngay cái tên “Đốc - tờ” Phúc... mổ bụng cứu tao! Nghe kỳ kỳ nhưng mình cũng vui cái bụng lắm!”.

Kể về những kỷ niệm sau những ca mổ cho bệnh nhân Lào, chị nhớ nhất trường hợp “mổ bụng” cho bệnh nhân người Dao 25 tuổi, bản Piềng Phường, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn. Tên bệnh nhân là Nàng Liễu. Trường hợp bệnh nhân Liễu chửa ngoài dạ con. Tình trạng bệnh nhân khi tiếp nhận rất nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Do điều kiện kỹ thuật của bệnh viện huyện bạn còn hạn chế nên đã làm giấy chuyển viện sang ta. Khi đó, trong người cặp vợ chồng này chỉ vỏn vẹn 100.000 kip (tương đương 150.000 đồng tiền Việt Nam). Các y, bác sĩ khác đắn đo không biết phải giải quyết thế nào với trường hợp này nên gọi bác sĩ Phúc xuống xử lý. “Khi đó, tôi chỉ nghĩ tới một điều là phải cứu người trước, phải cấp cứu nhanh nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng, còn việc tiền nong tính sau” – bác sĩ Phúc nhớ lại.

Thời điểm bệnh nhân Liễu nhập viện là khoảng tháng 11 âm lịch, thời tiết rất lạnh, nhưng quần áo của 2 vợ chồng thì mỏng manh, rách rưới. Trước hoàn cảnh đó, bác sĩ Phúc đã vận động công đoàn đóng góp mỗi người một ít cho bệnh nhân cái ăn, vận động bà con đến khám chữa bệnh về nhà ai có quần áo mà không mặc đến thì cho đôi vợ chồng này. Ngay chiều hôm đó, chứng kiến người đùm xôi, người cái áo, người cái chăn mang tới bệnh viện mà bác sĩ Phúc và toàn thể anh em bệnh viện ai cũng xúc động, rơi nước mắt. Bằng tất cả sự nỗ lực, ca mổ diễn ra liên tục suốt 4 tiếng đồng hồ, với tình trạng bệnh nhân bị viêm loét, bị trướng và thiếu máu nặng, phải tiếp thêm 2 đơn vị máu... nhưng ca mổ đã thành công.

Quá trình điều trị sau hậu phẫu lại càng vất vả. “Bản thân mình lúc đấy đang con nhỏ. Sáng sáng vừa nấu cháo cho con, vừa nấu cháo cho con bệnh nhân và cả bệnh nhân. Thậm chí con mình giao cho chồng, còn bệnh nhân và con bệnh nhân - có ông chồng chả biết làm gì lại phải tay mình chăm lo, đút cháo” - Bác sĩ Phúc cười. Thực tế, chị Phúc cho biết, 2 vợ chồng người Dao có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ 2 bên nội ngoại đều đã mất, hiện có 1 đứa con 5 tháng tuổi. Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện, tổng viện phí hết 12 triệu đồng. Lúc này, ban giám đốc thống nhất miễn phí cho bệnh nhân đồng thời hỗ trợ sữa bột và đồ ăn cho bệnh nhân về nhà bồi dưỡng.

Cảm động nhất, khi vài tháng sau đó, trong một lần sang huyện bạn Sốp Bâu để họp, ông bí thư huyện ủy Bông Phít đã nêu tên bác sĩ Phúc biểu dương trước hội nghị. Đến tận bây giờ, hễ có bệnh nhân ở Piềng Phường sang khám chữa bệnh họ đều nhắc đến bác sĩ Phúc và cuộc sống của cặp vợ chồng người Dao. Tin vui là 2 vợ chồng đã sinh thêm được đứa con thứ 2!...

“Vượt biên”... cứu người!

Gần đây nhất, khoảng tháng 6 vừa rồi, là 1 trường hợp thử thách không bao giờ quên với bác sĩ Phúc, mà nói như chị là sau ca mổ chị già đi mấy tuổi. Đó là trường hợp một bệnh nhân Lào tên là Thào Òong (25 tuổi) bị tai nạn giao thông vỡ lách. Khi chuyển sang bệnh viện ta thì tình trạng bệnh rất nặng. Lúc đó, chị chỉ nghĩ là “còn nước còn tát”. Trong khi chuyển đi không được, người nhà bệnh nhân thì khẩn thiết “sống chết phó mặc lại cho bác sĩ”. “Thực tế trình độ chuyên môn của mình là chuyên sản nhưng trước hoàn cảnh đó, không có bác sĩ ngoại nên buộc mình phải làm. Dù đã được học qua về chuyên môn, tuy nhiên đây là ca khó! Anh Văn - giám đốc bệnh viện đi công tác, bác sĩ chuyên ngoại đang đi học.” - Chị Phúc lắc đầu nhớ lại.

Sau 5 tiếng đồng hồ mổ liên tục, trong khi bản thân chị đang mang bầu tháng thứ 4. Bác sĩ Phúc cho biết, trường hợp cấp cứu là phải làm hết và được phép làm. Tuy nhiên, so với một bác sĩ chuyên sản như chị thì đây là cả một thử thách. Nhưng khi ca mổ thành công, mọi mệt mỏi của 5 giờ đồng hồ căng thẳng đều xua tan trong nụ cười của gia đình bệnh nhân, của cả kíp mổ. Khoảng 20 ngày sau bệnh nhân xuất viện.

Vậy còn trường hợp chị “vượt biên” cứu người? Bác sĩ Phúc cười cho biết: “Đây cũng là một trong những kỷ niệm khó quên đối với tôi. Khoảng tháng 8-2016 tôi có sang huyện bạn để chữa trị cho bệnh nhân là Nàng Khằm (20 tuổi). Sản phụ này sau khi đã sinh đẻ nhưng rau thai ở trong tử cung không ra được, máu chảy nhiều, không thể di chuyển bệnh nhân. Lúc đó, họ có gọi khẩn thiết cho chú Thông (là Bí thư Huyện ủy Mường Lát) mong các bác sĩ bên mình sang cứu người. Ngay lập tức, bác sĩ Phúc được phân công. Do tính chất thời gian cấp bách, mọi thủ tục giấy tờ khi qua cửa khẩu đều không kịp hoàn tất. Sau khi thông báo với cán bộ bộ đội biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tén Tằn thì được các đồng chí linh động cho qua, hoàn thành thủ tục sau. Khi về ai cũng bảo như thế là mình “vượt biên” - mà đúng mình “vượt biên” thật! Bác sĩ Phúc cười.

Sau khi qua cửa khẩu, trường hợp bệnh nhân này quá nặng phải mổ cấp cứu tại chỗ, ổn định mới đưa sang bên ta điều trị. Lúc tiếp cận bệnh nhân, bác sĩ Phúc nhớ rõ còn có 2 y tá của bệnh viện huyện Sốp Bâu, 3 đến 4 đồng chí bộ đội biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn theo đi cầm ô che mưa. Qua thăm khám, bác sĩ Phúc khẳng định đây không phải là trường hợp “rau cài răng lược”. Nếu rau cài răng lược ăn sâu vào tử cung thì không thể bóc được mà phải cắt bỏ. Trường hợp này theo bác sĩ Phúc khẳng định đây là do cổ tử cung co lại quá nhanh sau khi đẻ, rau thai nằm trong bụng không ra được. Tình huống cấp bách hơn khi huyết áp bệnh nhân chỉ còn 60/40. Sau khi giải thích cho gia đình bệnh nhân thống nhất, bác sĩ Phúc đã thực hiện thành công lấy rau thai ra ngoài mà không phải cắt bỏ tử cung. Sau khi bệnh nhân xuất viện, gia đình, người thân liên tục gọi điện cảm tạ. Nếu không có bác sĩ Phúc thì bệnh nhân vĩnh viễn không thể sinh đẻ nữa.

Nói về chuyện bác sĩ Phúc cùng kíp mổ “vượt biên” cứu người, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Chính trị viên, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tén Tằn cho biết: “Đây là 1 trong những trường hợp đặc biệt vừa là cứu người, cao hơn là tinh thần đoàn kết anh em 2 nước Việt - Lào. Đối với những trường hợp khẩn cấp như vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng linh động, tạo điều kiện để con người đi trước, giấy tờ thủ tục có thể hoàn tất sau”.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát: “Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 1.000 lượt bệnh nhân Lào sang khám chữa bệnh, chủ yếu là bệnh nhân từ 2 huyện Sốp Bâu và Viêng Xay - 2 huyện kết nghĩa với huyện Mường Lát đến điều trị”.


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]