(Baothanhhoa.vn) - Tư Bạch Mã là “thương hiệu” của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1990, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, khi anh gắn nghiệp mình với chiếc máy sấy mang tên Bạch Mã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bỏ lương ngàn đô, 9x về quê chế tạo máy sấy thu nhập tiền tỷ

Tư Bạch Mã là “thương hiệu” của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1990, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, khi anh gắn nghiệp mình với chiếc máy sấy mang tên Bạch Mã.

Bỏ lương ngàn đô, 9x về quê chế tạo máy sấy thu nhập tiền tỷMáy sấy do anh Tư thiết kế có bảng điều khiển tiện lợi, tiết kiệm điện năng và giá thành rẻ hơn rất nhiều so với máy sấy cùng công nghệ của nước ngoài.

Làm chủ bản thân

Mấy tháng gần đây, Tư chạy như con thoi qua lại giữa Hà Nội - Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa để sắp xếp lại công việc kinh doanh của các cửa hàng đại diện. Trở về sau chuyến công tác, Tư lại miệt mài cùng đội thợ hoàn thành những chi tiết cuối cùng của chiếc máy sấy. Gương mặt mệt mỏi vì căng thẳng, anh nói: “Hôm nay phải chạy thử máy cho khách nên đêm qua không ngủ được, trằn trọc suy nghĩ liệu máy chạy có ổn không? Phải biết rõ cái nết của nó để tư vấn cho khách hàng. Cái máy trị giá cả trăm triệu đồng, có khi là tất cả vốn liếng của gia đình nên họ yêu cầu cao lắm”.

Năm nay đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất chung của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh vẫn lạc quan rằng khó khăn chỉ là tạm thời và tin mình sẽ ổn định được tình hình sản xuất, kinh doanh. Tư cho biết, việc quảng bá thương hiệu vẫn được anh đẩy mạnh truyền thông qua các hoạt động trên mạng xã hội. Hiện hiệu suất kinh doanh có giảm nhưng anh nhìn nhận đây cũng là cơ hội để mình nghiên cứu, nâng cấp kỹ thuật và đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh.

Chứng kiến những gì chàng thanh niên trẻ đã và đang làm được, người dân địa phương vẫn chưa hết ngạc nhiên, chẳng khác gì chuyện họ từng không tin được “thằng Tư” đang làm cho công ty Nhật chuyên về nghiên cứu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo, lương nghìn đô bỗng dưng bỏ ngang, cách đây mấy năm. Bởi trước đó, ai cũng nghĩ với công việc và mức lương ấy anh sẽ yên vị công tác cho đến ngày cầm sổ hưu. Ấy vậy mà đùng một cái, Tư xách balo về quê thông báo ngắn gọn với gia đình “con về quê khởi nghiệp”. Nghĩ anh tuổi trẻ bốc đồng nên người thân thay nhau thuyết phục nhưng anh quyết không quay lại. Biết tính con kiên định, bố mẹ anh đành tặc lưỡi: “Con muốn làm gì thì làm”.

Quyết định bất ngờ của anh có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng và thấy tiếc nuối, nhưng Tư lại thấy bình thường. Việc quyết định bỏ việc về quê anh đã ấp ủ và có kế hoạch từ trước. Vì thế khi từ bỏ công việc, anh đã có một số vốn lận lưng để thực hiện những dự định trong tương lai. “Tôi quyết định trở về Thanh Hóa lập nghiệp theo đam mê sáng tạo và kinh doanh của mình. Bởi đi làm công ty tuy lương cao, đáp ứng được cuộc sống cho gia đình. Nhưng chán với cảnh ngột ngạt, bon chen ở Hà Nội, cùng với công việc bận tối mắt tối mũi, bất kể giờ giấc khiến tôi nhiều khi mệt mỏi”.

Trong thời gian còn làm việc ở Hà Nội, Tư biết giá trị thương mại của nấm đông trùng hạ thảo, lại thấy ở quê có đầy đủ điều kiện đất đai để canh tác. Vì thế năm 2014, tận dụng số tiền tích cóp, anh đầu tư trồng 1.000 gốc nấm. Lứa đầu, anh thu được 20 kg thành phẩm. Tuy nhiên vì không thể sát sao, chăm sóc, sản phẩm làm ra không bán được. Tư đành gác lại giấc mơ làm giàu từ đông trùng hạ thảo.

Thất bại với nấm nhưng cũng chính nhờ nấm, anh tìm được cho bản thân hướng đi mới. Trong thời gian canh tác nấm đông trùng hạ thảo, anh nhận thấy nếu chỉ bán nông sản tươi, chưa qua chế biến thì hiệu quả kinh tế không cao, mà đem phơi, sấy theo cách truyền thống thì nấm sẽ bị đen hoặc giảm chất lượng. Anh tìm hiểu thì được biết, hiện nay công nghệ sấy Thăng Hoa sở hữu những ưu việt vượt trội, phù hợp đối với các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến, sữa ong chúa... Tuy nhiên, công nghệ này không phổ biến ở Việt Nam, máy phải nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về nên giá thành rất cao.

Thành công đến từ đam mê sáng tạo

Trong đầu anh bắt đầu xuất hiện một thắc mắc: “Tại sao một thứ tốt như vậy mà mình không học tập để cải tiến phù hợp với nhu cầu thực tế”. Nghĩ là làm, Tư bắt tay vào mày mò nghiên cứu. Anh không ngại bỏ thời gian mấy tháng trời “ăn dầm nằm dề” ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để học về điện lạnh và tự động hóa. Tư chia sẻ: “Với phương châm tận dụng những thứ sẵn có, thay đổi và tích hợp phù hợp để tạo ra cái mình cần, tôi bắt đầu hành trình tạo ra chiếc máy cho riêng mình”.

Ròng rã hàng năm trời như thế Tư cũng thành công. Lúc ấy Tư mới dám ngả lưng ngủ một giấc thỏa thuê... Anh vui sướng, chụp hình đem khoe thành tích lên facebook. Sau đó, cộng đồng trồng nấm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam xôn xao. Mọi người tấp nập vào liên hệ, hỏi han Tư bởi ở Việt Nam từ lâu đã có nhiều người nghiên cứu về công nghệ sấy Thăng Hoa nhưng vẫn rất ít người thành công.

Từ những ưu việt mà chiếc máy mang lại, nhiều đơn vị, cá nhân đã tìm đến Tư đặt hàng sản xuất. Nào ngờ chiếc máy đầu tiên xuất kho, giao đến tay khách hàng lại bị lỗi. Anh phải thu hồi để sửa chữa, bị lỗ hàng chục triệu đồng. Không nản chí, anh tháo máy ra rồi lại lắp vào để tìm những chi tiết chưa hợp lý và điều chỉnh lại. Loay hoay hàng tháng trời, chiếc máy mới được hoàn thiện. Không chỉ sấy đông trùng hạ thảo, máy sấy do Tư chế tạo còn có thể sấy nhiều loại nông sản khác mà vẫn đảm bảo nguyên mùi vị, chất lượng của sản phẩm, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Nhận được phản hồi tích cực đầu tiên của khách hàng, anh bắt đầu có ý định thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất máy sấy để thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó là vốn ban đầu làm nhà xưởng, mua trang thiết bị không có. Thương anh, người nhà huy động họ hàng nội, ngoại chung tay giúp đỡ. Mỗi người một ít, gom góp lại được 300 triệu đồng đưa Tư khởi nghiệp. Đầu năm 2019, Công ty TNHH Thiết bị Bạch Mã được thành lập.

Thời điểm mới thành lập công ty, hàng ngày Tư làm việc từ 7h sáng cho đến 21h đêm, vừa chỉ đạo công nhân vừa nghiên cứu. Đến nay, máy sấy mang thương hiệu Bạch Mã đã được nhiều doanh nghiệp và HTX sử dụng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm trải dài trên cả nước và đã vươn sang thị trường Lào và các nước Đông Nam Á. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, công ty đã xuất xưởng hơn 60 máy. Mỗi năm, doanh số đạt hơn 2 tỷ đồng. Công ty đang tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.

Sau một thời gian hoạt động, Tư tiếp tục nâng cấp, cải tiến một số chi tiết, chức năng của máy và được khách hàng phản hồi rất tích cực. Chia sẻ về những ưu điểm vượt trội của máy sấy Bạch Mã, Tư cho biết: “Quá trình sấy được tiến hành trong môi trường có nhiệt độ và áp suất thấp, nhiệt độ vật liệu sấy dưới điểm kết tinh. Vì thế, protein của vật sấy không bị biến tính, lipid không bị oxi hóa, gluxit không bị hồ hóa, các hoạt chất sinh học, vitamin, khoáng chất không bị phá hủy, màu sắc và mùi vị gần như không thay đổi, tính chất tự nhiên của sản phẩm giữ ở mức 98%. Ngoài ra, sản phẩm sau khi sấy có độ ẩm chỉ từ 2 - 6%, nên không cần chế độ bảo quản nghiêm ngặt mà chỉ cần đóng gói vào bao bì cách ẩm, sau đó ghép mí kín rồi bảo quản ở nhiệt độ thường, thời gian bảo quản cho phép đến 6 năm mà vẫn giữ được chất lượng tự nhiên ban đầu. Đặc biệt, khi ngâm vào nước sẽ hoàn nguyên trạng thái ban đầu của nguyên liệu. Máy tiết kiệm năng lượng, giá thành chỉ bằng 1/4 - 1/3 so với thiết bị ngoại nhập cùng năng suất, tuổi thọ cũng như độ bền và chế độ bảo dưỡng”.

Thiết bị Bạch Mã đang từng bước khẳng định giá trị qua sự tin tưởng của khách hàng. “Để có được ngày hôm nay, với mình đam mê vẫn chưa đủ, bản thân phải luôn trau dồi kiến thức. Đặc biệt, mình chưa bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Bởi mình biết, thành công không đến từ may mắn”, Tư nói.

Đánh giá về Nguyễn Văn Tư, anh Vũ Văn Dương, Bí thư Đoàn xã Minh Lộc, chia sẻ: “Xã có nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có Tư. Tôi đánh giá cao tinh thần tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cậu ấy. Công ty của Tư mới thành lập còn nhiều khó khăn về kinh tế nên chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Nhưng công ty của Tư đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên trong và ngoài xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...”.

Dù mới chỉ thành công ở giai đoạn đầu khởi nghiệp thế nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực tìm tòi, học hỏi và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chắc chắn Nguyễn Văn Tư sẽ gặt hái được nhiều trái ngọt trên con đường khởi nghiệp. Qua đó, tạo niềm tin, truyền lửa cho các đoàn viên, thanh niên địa phương cùng học hỏi, làm theo, góp sức làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]