(Baothanhhoa.vn) - Hôm tôi đến Trường THCS&THPT Như Thanh, thuộc địa bàn xã Phượng Nghi (Như Thanh), thầy giáo Phạm Tiến Triều đang có tiết dạy ở lớp 12C4. Đi dọc hành lang, dừng lại cuối phòng học của lớp 12C4, trên bục giảng thầy Triều say sưa với bài giảng “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

2.019 trang viết, tranh ảnh sưu tầm vì một tình yêu xứ sở

Hôm tôi đến Trường THCS&THPT Như Thanh, thuộc địa bàn xã Phượng Nghi (Như Thanh), thầy giáo Phạm Tiến Triều đang có tiết dạy ở lớp 12C4. Đi dọc hành lang, dừng lại cuối phòng học của lớp 12C4, trên bục giảng thầy Triều say sưa với bài giảng “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

2.019 trang viết, tranh ảnh sưu tầm vì một tình yêu xứ sở

Thầy Phạm Tiến Triều, giáo viên Trường THCS&THPT Như Thanh (Như Thanh) giảng bài trên lớp.

Chất giọng hơi khàn nhưng rất truyền cảm, lớp im phăng phắc nghe thầy giảng. Hết buổi học, thầy Triều tiếp chuyện tôi ngay tại lớp. Cảm hứng trong câu chuyện giữa hai chúng tôi lại bắt đầu từ những trang thơ “Ta là người của núi”, “Mùa bông trăng”, rồi bút ký “Trôi giữa đại ngàn” – đạt giải C cuộc thi viết Đất và người xứ Thanh trên Báo Văn hóa và Đời sống năm 2015, của thầy Triều. Khiêm nhường và nhẹ nhàng đúng với chất “dân văn” nên thầy rất kiệm lời về mình. “Mình có gì mà nói đâu, đơn giản lắm! làm thơ, viết bút ký và thích thú với các cuộc thi mang tính xã hội do Trung ương, tỉnh, huyện phát động”. Hóa ra những thứ tưởng chừng như đơn giản ấy lại chẳng khác nào niềm đam mê của thầy giáo người dân tộc Mường này. Không ít người tham gia cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” để cho có và hoàn thành hai chữ “nghĩa vụ”. Nhưng với thầy Triều nó là tiếng gọi của trái tim với một tình yêu xứ sở - quê hương xứ Thanh.

Đầu tháng 10-2018, Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh phát động cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hưởng ứng cuộc thi, chi bộ Trường THCS&THPT Như Thanh triển khai đến cán bộ, giáo viên nhà trường. Sau buổi triển khai của chi bộ, thầy Triều bắt đầu nung nấu, ấp ủ ý tưởng viết bài dự thi. Thầy Triều không nhớ hết số đêm mình thao thức để tìm ý tưởng, sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, viết bài dự thi “990 năm Danh xưng Thanh Hóa”. Dẫu biết rằng chặng đường để hoàn thiện bài dự thi sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng thầy Triều không một chút nao lòng, lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý. Giữa tháng 11, thầy Triều bắt đầu hình thành ý tưởng về bài dự thi. Ý tưởng đầu tiên thầy định lựa chọn là đi theo các giai đoạn lịch sử, song một vấn đề đặt ra Danh xưng Thanh Hóa lại có từ thời Vua Lý Thái tông. Nếu đi theo các giai đoạn lịch sử sẽ không bao quát được tiến trình về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa. Vì vậy, thầy Triều đã lựa chọn đi theo chủ đề để thực hiện bài dự thi. Với ý tưởng bài dự thi có độ dày 2.019 trang, chia làm 5 tập, mỗi tập mang một chủ đề, tương ứng với 5 màu sắc ở trang bìa. Giải đáp thắc mắc của tôi về ý tưởng của bài dự thi, thầy Triều chia sẻ: “Đây là cuộc thi đòi hỏi kiến thức về lịch sử khá rõ nét bên cạnh các yếu tố về địa lý, văn hóa, kinh tế về tỉnh ta. Ý tưởng không rõ ràng, thì bài thi không có giá trị và rất khó đi đến đích”. Sau khi hình thành được ý tưởng, thầy Triều lặn lội về TP Thanh Hóa tìm gặp một số bạn bè, người quen đang công tác tại Trường Đại học Hồng Đức, Bảo tàng tỉnh để tranh thủ sự góp ý và xin tư liệu phục vụ quá trình làm bài. Được mọi người góp ý và khen ngợi ý tưởng của bài dự thi, thầy càng có thêm động lực. Không chỉ có bạn bè, thầy Triều còn nhận được sự hỗ trợ về vật chất, thời gian từ chi bộ Trường THCS&THPT Như Thanh và Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” huyện Như Thanh.

Từ ngày quyết định làm bài dự thi 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, thầy bận rộn hơn. Sau giờ lên lớp, thầy Triều dành phần lớn thời gian rảnh cho việc nghiên cứu tư liệu, đi đến các điểm di tích lịch sử gắn liền với sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa để chụp ảnh, thu thập thông tin làm phong phú thêm bài viết. Có lẽ không riêng mình tôi mà với rất nhiều người, cái riêng có và trở thành sản phẩm trí tuệ đặc biệt trong bài dự thi 990 năm Danh xưng Thanh Hóa của thầy Triều là những con số “biết nói”. Nếu như con số 2.019 trang viết, tranh ảnh sưu tầm nói đến Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thì 1.029 bức ảnh lại tượng trưng cho năm ra đời của hai tiếng Thanh Hóa trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Còn 990 hình ảnh biểu tượng con Hạc lại nói lên cái tên Thanh Hóa đã tồn tại suốt 990 năm qua.

Nếu tập 1 được thầy đặt tên là “Nguồn gốc”, nơi chứa đựng toàn bộ linh hồn của bài thi, thì tập 2 và tập 3 có tên là “Địa linh”, “Nhân kiệt”, nói về vùng đất linh thiêng, con người xứ Thanh. Như lời thầy Triều từng chia sẻ, xứ Thanh tựa “Việt Nam thu nhỏ”, vì thế vùng đất này cũng ôm trong mình một nền văn hiến lâu đời. Kết hợp “nguồn gốc” “địa linh”, “nhân kiệt”, “văn hiến” chính là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai để thỏa khát vọng của nhân dân tỉnh nhà. Đây cũng chính là tên gọi của tập 4 – “Văn hiến” và tập 5 “Khát vọng”.

Rời sân trường, chúng tôi cùng về phố thị, bởi thầy Triều tiện đường muốn xuống TP Thanh Hóa kiểm tra việc in ấn bài dự thi. Bền bỉ và tâm huyết, hy vọng bài dự thi 990 năm Danh xưng Thanh Hóa của thầy giáo Phạm Tiến Triều sẽ đạt giải cao và trở thành nguồn tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập. Và hơn thế, qua bài dự thi, ngọn lửa tình yêu quê hương xứ sở được lan tỏa đến mọi người dân xứ Thanh, nhất là thế hệ trẻ!

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài Và Ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]