(Baothanhhoa.vn) - Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo hiệu ứng phát triển công nghiệp, dịch vụ cho Khu Kinh tế Nghi Sơn, cho phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ghi dấu những công trình thế kỷ

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo hiệu ứng phát triển công nghiệp, dịch vụ cho Khu Kinh tế Nghi Sơn, cho phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa...

Một góc Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hơn 2 năm qua, đã có hàng trăm công trình lớn nhỏ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội được hoàn thành, đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, Thanh Hóa còn là nơi được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước “chọn mặt gửi vàng” để đầu tư xây dựng một số công trình tầm cỡ quốc gia, quốc tế, góp phần làm thay đổi diện mạo từ vùng quê đến phố thị... Đó cũng chính là thành công, đồng thời là kết quả đáng ghi nhận sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) không lâu, Tập đoàn FLC đã khai trương những công trình đầu tiên của quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái FLC Sầm Sơn, như sân gôn, một số khách sạn. “Tiền đề” ấy được “chắp cánh” thêm bởi chủ trương thu hút đầu tư và tạo điều kiện từ phía tỉnh nên những hạng mục tiếp theo của dự án không ngừng được phát triển đến hôm nay. Thống kê mới nhất từ Công ty CP Tập đoàn FLC – chủ đầu tư trực tiếp của dự án này, đến đầu tháng 10 – 2018, tổng mức đầu tư cho toàn thể dự án đã đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và đang tiếp tục được đầu tư. Hàng trăm công trình khách sạn, resort, biệt thự, trung tâm hội nghị nhà văn hóa... đã hiện hữu, tạo diện mạo mới cho thành phố du lịch Sầm Sơn. Có thể nói, từ một vùng đất bán hoang hóa với nhiều cây bụi, phi lao và thậm chí cả đầm lầy thuộc phường Quảng Cư, đến nay đã được thay thế bằng những công trình tầm cỡ với kiến trúc hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Khi nhắc đến những công trình du lịch của Tập đoàn FLC tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều người đã nghĩ ngay đến Sầm Sơn. Và, một điều đã được chứng minh, từ khi có quần thể công trình FLC hiện hữu, lượng du khách đến với Sầm Sơn đã tăng lên nhiều lần. Quan niệm, đi du lịch Sầm Sơn chỉ thích hợp với mùa hè đã trở nên “lỗi thời” bởi từ khi có FLC đầu tư, Sầm Sơn đã trở thành địa điểm du lịch 4 mùa trong năm.

Tại vùng đồi huyện Thọ Xuân, nhà ga hành khách và sân đậu tàu bay mới của Cảng Hàng không Thọ Xuân cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước đó, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được khai trương với đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa và ngược lại. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của cảng hàng không nội địa thứ 39 của Việt Nam này còn khá lạc hậu, đường băng là những đường bê tông nhỏ hẹp chỉ rộng hơn vài ba lần chiều rộng thân và cánh máy bay. Khu vực cảng hành khách cũng chỉ là khu nhà không lớn, thậm chí được coi là “lụp sụp” so với một cảng hàng không, trong khi tốc độ phát triển về lượng hành khách và hàng hóa của cảng hàng không này rất nhanh khiến cơ sở vật chất không đáp ứng. Trước sự bức bách và yêu cầu của thực tiễn, từ giữa năm 2016, Bộ Giao thông – Vận tải, tỉnh Thanh Hóa cùng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã bàn bạc xây dựng khu nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay mới. Với sự nỗ lực của các bên, quần thể công trình trên được gấp rút thi công và khánh thành trước thời điểm Tết Bính Thân 2016 để phục vụ hành khách, mà đa phần là con em trong tỉnh làm ăn ở các tỉnh, thành phố phía Nam. 600 tỷ đồng cho công trình này không phải là quá lớn, song nó là bước phát triển về cả chất lẫn lượng cho lộ trình phát triển cảng hàng không được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua. Công trình kiến trúc 2 tầng với mái vòm, tổng diện tích sàn sử dụng tới 5.000m2 được đầu tư trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật hàng không hiện đại, công nghệ tiên tiến. Một nhà ga hành khách rộng rãi giữa một không gian khoáng đạt, đã trở thành điểm nhấn nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh vùng mía Thọ Xuân. Cảng Hàng không Thọ Xuân theo đó cũng có điều kiện phát triển nhanh và mạnh hơn, kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư nguồn lực từ các tỉnh phía Nam về Thanh Hóa, nâng tầm vị thế kinh tế của tỉnh nhờ phát triển đầy đủ các loại hình giao thông – vận tải.

Sau khi Cảng Hàng không Thọ Xuân có bước phát triển ổn định, Dự án Đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Công trình mang theo nhiều kỳ vọng, trở thành cầu nối cho sự phát triển bền vững của cả KKTNS lẫn Cảng Hàng không Thọ Xuân, góp phần tạo thế và lực phát triển toàn diện cho tỉnh. Nhiều vùng đất khó khăn về giao thông của các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh, Tĩnh Gia trước kia, nay đã được trao cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nhờ tuyến giao thông quan trọng này. Tuyến đường dài hơn 65,9 km này đã góp phần “rút ngắn” khoảng cách từ KKTNS - KKT động lực của khu vực Bắc Trung bộ với Cảng Hàng không Thọ Xuân để đến nhiều vùng miền của đất nước, thậm chí cả nước ngoài trong tương lai.

Bước ngoặt mới của ngành dầu khí cũng như toàn bộ quá trình phát triển của nền công nghiệp tỉnh nhà đã được xác lập bằng sự kiện Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động. Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giữa năm 2018 này, những hạng mục và các khâu kỹ thuật cuối cùng của dự án đã hoàn thành, tạo nên một công trình đồ sộ, sừng sững nơi biển trời huyện Tĩnh Gia. Hơn 9,3 tỷ USD cũng đánh dấu mốc thu hút đầu tư kỷ lục cho một dự án lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Những người có dịp đi trên các chuyến bay Bắc – Nam, từ trên bầu trời cao, không khó để nhận ra công trình đồ sộ bậc nhất trên dải đất hình chữ “S” này. Những mẻ sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng, đem lại nguồn thu lớn cho nhà máy, đồng thời nộp cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Dự án đi vào hoạt động cũng tạo hiệu ứng phát triển công nghiệp, dịch vụ cho KKTNS, cho phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa...

Ngoài ra, còn nhiều dự án xây dựng quan trọng, những con đường kết nối giao thương, nhiều nhà ở xã hội cho công nhân và cư dân đô thị... cũng được xây dựng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua. Đó là minh chứng cho những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, hiện thực hóa cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]