(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (ban hành kèm theo Quyết định số 3507/QĐ-UBND, ngày 18-9-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa), toàn tỉnh đã sáp nhập 2.719 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.339 thôn, tổ dân phố mới tại 439 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Việc sáp, nhập thôn, tổ dân phố đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên, bên cạnh vẫn phát sinh một số vấn đề bất cập, rõ nhất hiện nay chính là việc sử dụng nhà văn hóa (NVH) thôn, phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập

Thực hiện Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (ban hành kèm theo Quyết định số 3507/QĐ-UBND, ngày 18-9-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa), toàn tỉnh đã sáp nhập 2.719 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.339 thôn, tổ dân phố mới tại 439 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Việc sáp, nhập thôn, tổ dân phố đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên, bên cạnh vẫn phát sinh một số vấn đề bất cập, rõ nhất hiện nay chính là việc sử dụng nhà văn hóa (NVH) thôn, phố.

Nhà văn hóa thôn 3, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) là nơi để nhân dân trong thôn sinh hoạt và hỗ trợ nhau làm nghề tiểu thủ công nghiệp.

Thực trạng thừa, thiếu NVH

Sau khi sáp nhập, các thôn sẽ cùng chung một tên thôn, tên phố, cùng một tập thể nên sẽ được sinh hoạt trong một không gian chung là NVH. Tuy nhiên, sau khi thực hiện sáp nhập 2 hoặc 3 thôn, tổ dân phố lại với nhau thành 1 thôn hoặc tổ dân phố thì nảy sinh tình trạng thừa 1 đến 2 NVH. Vấn đề đặt ra là việc thừa NVH tại các địa phương sau khi sáp nhập lại trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Bởi, sau khi sáp nhập chỉ lựa chọn 1 NVH để làm không gian sinh hoạt cộng đồng, song sau sáp nhập, số hộ, nhân khẩu của các thôn được sáp nhập sẽ tăng lên, trong khi đa phần các NVH cũ của các thôn đều được xây dựng từ trước khi thực hiện sáp nhập, quy mô hoạt động nhỏ, nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho các thôn sau khi được sáp nhập. Do vậy, tuy thừa số NVH, nhưng lại thiếu một NVH có quy mô lớn đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cho các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập.

Thôn Nghĩa Kỳ 2, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) trước khi chưa sáp nhập có 99,36 ha, với 150 hộ và 612 nhân khẩu. Để có không gian sinh hoạt chung cho các hộ dân trong thôn, năm 2015, xã đã huy động nhân dân đóng góp để xây dựng NVH thôn có sức chứa 100 người, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, năm 2017, thôn Nghĩa Kỳ 2 sáp nhập với thôn Nghĩa Kỳ 1 để thành lập thôn Nghĩa Kỳ. Theo đó, tổng diện tích sau khi 2 thôn được sáp nhập tăng lên 238,53 ha, số hộ 231 hộ, với 1.220 nhân khẩu. Sau khi sáp nhập, lựa chọn NVH của thôn Nghĩa Kỳ 1 làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho toàn thôn, nên NVH của thôn Nghĩa Kỳ 2 vừa được xây dựng hơn 2 năm đã không còn được phát huy công năng. Đối với NVH thôn Nghĩa Kỳ 1, tuy được lựa chọn làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho thôn mới sáp nhập, song do số hộ và nhân khẩu tăng lên gấp đôi, nên không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì thế, từ khi được sáp nhập đến nay, mỗi lần hội họp toàn thôn, phải căng rạp, thuê bàn ghế ngoài sân mới đủ sức chứa. Được biết, ngoài thôn Nghĩa kỳ 1, Nghĩa Kỳ 2 được sáp nhập thành thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa có thực hiện sáp nhập thôn Lợi Chấp 1 và thôn Lợi Chấp 2 để thành lập thôn Lợi Chấp, sáp nhập thôn Quang Biểu 1 và Quang Biểu 2 thành thôn Quang Biểu. Việc sử dụng NVH của các thôn đã được sáp nhập nói trên cũng đều nảy sinh những vấn đề bất cập như thôn Nghĩa Kỳ.

Tại huyện Thọ Xuân, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của toàn thể nhân dân trong huyện. Trên địa bàn huyện có 37 xã, thị trấn thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Sau khi thực hiện xong công tác sáp nhập, toàn huyện giảm từ 246 thôn, tổ dân phố xuống còn 126 thôn, tổ dân phố. Số lượng thôn, tổ dân phố được giảm nói trên cũng tương ứng với số lượng NVH hiện đang bị thừa. Lẽ dĩ nhiên, khi các thôn, tổ dân phố được sáp nhập lại thì số hộ và nhân khẩu sẽ tăng lên, vì thế hầu hết các NVH còn lại được sử dụng cũng không đủ đáp ứng. Những dịp sinh hoạt toàn dân như tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) vừa qua, hầu hết các thôn đều phải khắc phục bằng cách thuê, mượn bàn, ghế kê ở sân NVH để tổ chức sinh hoạt, có những thôn thậm chí đã tận dụng hết cả khuôn viên, song vẫn không đủ sức chứa số nhân khẩu trong thôn.

Thực trạng thừa, thiếu NVH không phải là câu chuyện riêng của bất kỳ một thôn, tổ dân phố nào, mà hiện là câu chuyện chung của tất cả các địa phương có thôn, tổ dân phố được sáp nhập. Lý giải về tình trạng thừa, thiếu NVH, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết: Sở dĩ xảy ra tình trạng thừa, thiếu NVH là bởi, thời điểm trước khi thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, phần đa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có NVH là nơi sinh hoạt chung phù hợp với quy mô dân số của địa phương. Vì vậy, sau khi sáp nhập sẽ thừa ra số NVH của các thôn, tổ dân phố được sáp nhập. Hơn nữa, sau khi sáp nhập, số hộ, số khẩu tăng lên thì quy mô các NVH cũ của các thôn, tổ dân phố không còn phù hợp, trong khi đó để xây dựng một NVH mới có quy mô đáp ứng được yêu cầu cho các thôn mới được sáp nhập thì cần một nguồn kinh phí lớn, mà số kinh phí này chủ yếu được huy động trong dân, nên đa phần các thôn chưa đủ thời gian và nguồn lực để huy động xây dựng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu NVH.

Cần linh hoạt trong việc sử dụng NVH

Những vấn đề bất cập trong việc sử dụng NVH không chỉ của riêng địa phương nào, song có những địa phương đã linh hoạt thực hiện các giải pháp xử lý, tận dụng tối đa hiệu suất hoạt động để NVH không bị bỏ phí. Điển hình như huyện Yên Định đã thực hiện những giải pháp linh hoạt để giải quyết những vấn đề bất cập đối với việc sử dụng NVH. Ông Vũ Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: Trước mắt động viên bà con nhân dân cố gắng khắc phục khó khăn tạm thời sử dụng các NVH cũ. Một số thôn có đình làng, huyện chỉ đạo xã nâng cấp đình làng để làm nơi sinh hoạt chung. Đối với những thôn có nhu cầu làm NVH mới thì xã, huyện động viên nhân dân thanh lý các NVH cũ, diện tích đất sẽ được thôn bán đấu giá, số tiền bán đất sẽ để lại cho thôn làm kinh phí để xây dựng NVH mới. Đối với những thôn khó bán hoặc đã bán đất mà không đủ kinh phí để xây dựng NVH mới thì huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ phù hợp, hạn chế tối đa việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng NVH thêm một lần nữa.

Tại Nga Sơn, để tránh lãng phí, huyện không chỉ đạo các địa phương sau sáp nhập đóng góp thực hiện xây dựng NVH mới, mà giữ nguyên các NVH sau sáp nhập. Trên cơ sở các NVH thôn hiện có, NVH nào còn phù hợp thì vẫn tổ chức cho nhân dân sinh hoạt, còn đối với các NVH không đủ diện tích để hội họp thì sẽ khắc phục khó khăn bằng cách căng phông, rạp để nhân dân tham gia văn nghệ, thể thao, chứ tuyệt đối không để NVH bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Rõ ràng, vấn đề sử dụng NVH sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, một số địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế để vận dụng một cách sáng tạo, có những giải pháp linh hoạt để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương trong tỉnh chưa chủ động tháo gỡ khó khăn mà còn đang trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Do đó, thiết nghĩ, trên cơ sở định hướng giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố như trong đề án đề ra, các địa phương trong tỉnh cần chủ động tìm ra những giải pháp để giải quyết, khắc phục những bất cập trong việc sử dụng NVH sau sáp nhập.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]