(Baothanhhoa.vn) - Cùng với trách nhiệm cao cả, sự tri ân, tận tâm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho người có công, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa còn tích cực xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe người có công.

Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao sức khỏe người có công

Cùng với trách nhiệm cao cả, sự tri ân, tận tâm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho người có công, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa còn tích cực xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe người có công.

Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao sức khỏe người có côngTrung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Tính đến tháng 10-2023, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa quản lý, nuôi dưỡng 234 đối tượng. Do đối tượng tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều đối tượng thương tật nặng phải chiến đấu với bệnh tật, di chứng chiến tranh, nhất là mỗi khi “trái gió trở trời”, thương tật, bệnh tật, bệnh lý tái phát. Với đối tượng là nạn nhân chất độc da cam có diễn biến bệnh tật phức tạp, đều có bệnh nội khoa mãn tính, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thần kinh, tâm sinh lý không ổn định, thường xuyên đập phá đồ dùng sinh hoạt, xé rách quần áo, chăn màn, tư trang... nên công tác chăm sóc, phục vụ thường trực 24/24 giờ. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tại trung tâm đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn ân cần chăm sóc, điều trị bệnh; gần gũi lắng nghe, động viên và chia sẻ. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa - văn nghệ, tạo không khí vui tươi nhằm xoa dịu bớt nỗi đau thương, bệnh tật.

Anh Đỗ Đình Khương, Trưởng Khoa Thương binh, bệnh binh nặng và thân nhân người có công, chia sẻ: "Trong quá trình chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng, chúng tôi thường xuyên khám bệnh, cập nhật, nắm bắt tình hình sức khỏe. Đồng thời, thực hiện vật lý trị liệu phục hồi chức năng và hướng dẫn các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với từng đối tượng. Bằng tình cảm, đạo lý tri ân và trách nhiệm, đội ngũ điều dưỡng, nhân viên trong khoa luôn tận tình chăm sóc những người đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập dân tộc".

Để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, trung tâm dành 1,2 ha đất (khoảng 40% diện tích) trồng cây ăn quả, cây xanh, rau, củ, quả cải thiện bữa ăn tại chỗ cho các đối tượng. Khu vực chăn nuôi được bố trí cách xa nơi ở, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và phát động, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, hoạt động, như: Tổng vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, rác thải; tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, viên chức, người lao động không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Thực hiện cắt tỉa cây xanh ở các khu, đặc biệt là các khoa điều trị.

Về nơi ở của các đối tượng đều là nhà cấp bốn, phòng khép kín, diện tích bình quân 8m2/người, có hệ thống thông gió, điều hòa nhiệt độ, quạt, ánh sáng được cung cấp đầy đủ, kể cả ánh sáng tự nhiên. Nhà ở, nhà vệ sinh được nhân viên lau chùi, quét dọn hằng ngày. Lượng nước thải bình quân 1.500m3/tháng được thải trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước của trung tâm. Lượng rác thải, bình quân 250kg/ngày, nguồn phát sinh rác chủ yếu từ hoạt động sinh hoạt tập trung của thương, bệnh binh, người có công và thân nhân người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.

Do đặc thù của trung tâm nên rác thải được phân loại thủ công (rác thải y tế, rác thải sinh hoạt) và đựng vào các thùng rác riêng biệt. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thư cho biết: "Để tránh gây ô nhiễm, hằng tháng, hằng quý chúng tôi huy động toàn lực lượng tổng vệ sinh. Nhờ vậy, đường đi lối lại, khuôn viên các khoa nói riêng, trung tâm nói chung luôn sạch sẽ. Các bồn hoa, chậu cây cảnh được cắt tỉa, chăm sóc, đặt ngang hàng, thẳng lối. Hệ thống cống rãnh được khơi thông. Chất thải y tế, chất thải nhựa, chất thải sinh hoạt được thu gom, phân loại theo đúng quy định. Trung bình 2 lần/tuần Công ty Môi trường TP Sầm Sơn vận chuyển rác về nơi tập kết rác thải theo quy định".

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Định kỳ, trung tâm thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, phun thuốc diệt muỗi những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Kịp thời xử lý, giải quyết các yếu tố, nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh khác do muỗi truyền bệnh. Việc trồng thêm cây xanh, cây ăn quả, tăng gia trồng rau ngắn ngày trong khuôn viên để phục vụ đối tượng tại chỗ được quan tâm. Tại các hội nghị, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Treo băng zôn, panô, áp phích, khẩu hiệu. Phát động các phong trào thi đua tập trung sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể tại đơn vị, đặc biệt là đoàn thanh niên ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, cắt tỉa cây xanh. Đặt thêm ghế ngồi dưới các tán cây, gần chậu hoa, cây cảnh để các đối tượng dạo bộ, tập thể dục hoặc ngồi chuyện trò vui vẻ. Việc xây dựng, bảo vệ môi trường trong lành đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, chữa bệnh, điều trị bệnh cho các đối tượng ở trung tâm.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]