(Baothanhhoa.vn) - Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (BVMT) là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Do đó, trong những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong BVMT tại tỉnh ta ngày càng trở nên cấp thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (BVMT) là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Do đó, trong những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong BVMT tại tỉnh ta ngày càng trở nên cấp thiết.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trườngMô hình đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng tại huyện Thọ Xuân đã và đang góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hoạt động KH&CN đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực y tế, từ năm 2014, một số cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ mới xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và tăng cường chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện (BV) đa khoa tuyến huyện như, BV Đa khoa huyện Lang Chánh, BV Đa khoa huyện Như Thanh, BV Đa khoa Hàm Rồng... Các BV đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với mục đích xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường do nguồn nước thải tại các BV bằng công nghệ vi sinh kết hợp lọc nhỏ giọt. Hệ thống xử lý nước thải tại 2 BV trên có công suất 50m3/ngày, đêm với chi phí đầu tư máy móc, thiết bị gần 1,75 tỷ đồng/hệ thống. Tại BV Đa khoa Hàm Rồng, hệ thống xử lý nước thải công suất 70m3/ngày và hệ thống đốt chất thải y tế công suất 20-35kg/giờ. Theo đánh giá của ngành chức năng cũng như đại diện lãnh đạo các BV, sau khi đầu tư và đưa vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải hoạt động tốt, ổn định, nước thải sau xử lý bảo đảm đạt các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế - QCVN 28:2010/BTNMT. Đặc biệt, từ thực hiện dự án, Trung tâm Thông tin ứng dụng, chuyển giao KH&CN Thanh Hóa đã thành công trong việc điều chỉnh công nghệ nuôi cấy vi sinh từ dạng nuôi cấy màng sinh học sử dụng cấp khí đối lưu sang dạng nuôi cấy sinh khối hiếu khí sử dụng bơm sục có sẵn góp phần tăng cường hiệu quả xử lý nước thải của toàn bộ hệ thống, lượng nước thải đầu ra bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, giảm thiểu suy thoái môi trường...

Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng... Cùng với đó, việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN còn nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ như công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 2 tấn/giờ tại huyện Nông Cống; công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng... Từ đó, có thể khẳng định, tỉnh ta luôn khuyến khích đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị bằng chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vốn vay, cơ sở hạ tầng...

Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh có trên 20 nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung nghiên cứu, đánh giá, dự báo một số ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đánh giá nguồn phát thải; xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, mô hình tiết kiệm năng lượng, đưa ra các giải pháp xử lý, thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của các chất thải đến môi trường. Đơn cử như xây dựng mô hình khai thác năng lượng mặt trời và sức gió để tạo ra nguồn điện tại chỗ cung cấp cho bộ đội đảo Mê; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn ở TP Sầm Sơn; nghiên cứu xác định được nguyên nhân sụt lún đất, khoanh vùng nguy cơ sụt lún đất tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Thường Xuân và thị xã Nghi Sơn, đồng thời đưa ra các giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do sụt lún đất; điều tra đánh giá hiện trạng nguồn nước thải trong nông nghiệp, công nghiệp và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Mã, sông Chu. Một số đơn vị đã đầu tư công trình xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh đem lại hiệu quả cao ở Nhà máy Đường Lam Sơn, Nhà máy Bia Thanh Hóa, BV Đa khoa tỉnh, BV Tâm thần. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi bằng cyclon màng nước, cyclon khô để xử lý bụi, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động như Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn...

Được biết, cùng với việc nghiên cứu các giải pháp BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, hàng năm, toàn tỉnh có từ 30-40 dự án đầu tư được xem xét, thẩm tra về công nghệ BVMT, góp phần nâng cao hiệu quả BVMT trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]