(Baothanhhoa.vn) - Từ hiệu quả, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhiều mô hình, dự án tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Qũy khí hậu xanh (GCF) đã thực sự trở thành “người bạn đồng hành đáng tin cậy” của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Qũy khí hậu xanh với đa dạng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Từ hiệu quả, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhiều mô hình, dự án tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Qũy khí hậu xanh (GCF) đã thực sự trở thành “người bạn đồng hành đáng tin cậy” của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Qũy khí hậu xanh với đa dạng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Các thành viên của Hiệp Hội nuôi ong xã Nga Thủy (Nga Sơn) thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật hỗ trợ nhau phát triển nghề.

Cùng với những kết quả đạt được trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF tài trợ không hoàn lại thông qua chương trình phát triển của Liên hợp quốc đã nhân rộng và phát triển nhiều mô hình tạo sinh kế dựa vào cộng đồng, bước đầu đạt được tín hiệu vui, đáng khích lệ, được người dân tin tưởng, hưởng ứng. Ông Nguyễn Viết Nghị - cán bộ của dự án cho biết: “Để đảm bảo hiệu quả kinh tế và các vấn đề liên quan đến yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường bền vững, dự án đã mời đội ngũ tư vấn, khảo sát thực tế; sau đó thảo luận với cấp ủy, chính quyền và đối thoại với người dân nhằm lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của địa phương”.

Ví như mô hình nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi được GCF triển khai thực hiện trên địa bàn xã Nga Tân (Nga Sơn). Đây là mô hình được đánh giá có khả năng “cứu cánh” cho nghề nuôi tôm trước nỗi lo dịch bệnh và sự biến động thất thường của thị trường. Bởi lẽ, theo đặc tính sinh học, cá rô phi có những đặc tính thích hợp để nuôi chung với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng mà không làm “cản trở” sự phát triển của đối phương. Được xem như “cỗ máy dọn vệ sinh”, với đặc tính ăn tạp, cá rô phi có khả năng xử lý nhanh, gọn các loài động vật thủy sinh, phù du, tảo, mùn bã hữu cơ vốn chủ yếu là chất thải của tôm trong quá trình sinh trưởng; từ đó giúp cho môi trường nước được đảm bảo, giảm nguy cơ mắc dịch bệnh cho tôm nuôi. Mặt khác, mô hình nuôi xen ghép này giúp người nuôi trồng thủy sản tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tăng thêm nguồn thu nhập.

Dựa trên những khảo sát, nghiên cứu đánh giá khoa học và kết quả thực tiễn tại nhiều địa phương trên cả nước và nước ngoài (Thái Lan, Philippines), mô hình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân; tiêu biểu như hộ gia đình anh Phạm Văn Hiếu (68 tuổi, thôn 4, xã Nga Tân). Trước đó, gia đình anh Hiếu đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm trong nhà kính và nuôi tôm trên bể với tổng diện tích khoảng 5.000m2; sản lượng bình quân đạt khoảng 10 tấn/vụ; tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, mức thu nhập bình quân dao động từ 8-15 triệu đồng và hàng trăm lao động thời vụ. Tuy nhiên, khi được cán bộ của GCF và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về mô hình này, gia đình anh Hiếu đã tin tưởng, mạnh dạn tham gia. Anh Hiếu cho biết: “Từ khi tổ chức họp dân, thông báo về chủ trương đến khi triển khai, xây dựng mô hình, cán bộ của GCF và chính quyền địa phương rất quan tâm, đồng hành, hỗ trợ cho bà con Nhân dân”. Theo đó, cán bộ của GCF cùng chính quyền xã Nga Tân đã phối hợp tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật; kiểm tra hướng dẫn chuẩn bị ao nuôi và cấp giống, thức ăn nuôi tôm sú cho các hộ gia đình tham gia. Dự kiến trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục cấp giống và thức ăn nuôi cá rô phi; tổ chức các lượt kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật nuôi thủy sản, nhằm đẩy nhanh tiến độ, tạo nguồn động lực thúc đẩy mô hình phát triển hơn nữa, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Nếu xã Nga Tân có những điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất phù hợp với phát triển mô hình nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi thì tại xã Nga Thủy, người dân lại háo hức triển khai, thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi tôm sú xen ghép cua xanh của GCF.

Là xã ven biển có diện tích rừng ngập mặn với các loại cây sú, vẹt trổ hoa quanh năm, từ nhiều đời nay, người dân xã Nga Thủy đã có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, nghề ong phát triển. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận chủ trương về việc GCF triển khai, thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Theo đó, mỗi hộ gia đình khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 5 đàn ong, mỗi đàn ong có 3 cầu. Ngoài hỗ trợ về mặt con giống, chuyển giao kỹ thuật, dự án còn hỗ trợ thức ăn trong quá trình “dưỡng ong”. Ngay khi nhận bàn giao con giống, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, UBND xã đã chỉ đạo thành lập hiệp hội nuôi ong với 15 hộ tham gia. Hiệp hội hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, “giúp đỡ nhau cùng phát triển”; các thành viên trong hiệp hội thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, vật tư, con giống... Dự án bàn giao con giống từ tháng 12-2019, chính thức triển khai, thực hiện từ tháng 2–2020, qua 4 tháng, mô hình đã cho thấy hiệu quả, tín hiệu vui. Ong phát triển tốt, đã cho thu hoạch 2 lần mật; sản lượng trung bình khoảng 3kg mật/đàn với giá bán dao động từ 250 - 270 nghìn đồng/kg mật.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tái (67 tuổi, thôn Lê Lợi, xã Nga Thủy) đã có hơn 10 năm nuôi ong mật. Tuy nhiên, trước đây, gia đình nuôi theo kinh nghiệm học hỏi được từ những hộ nuôi ong trước đây tại địa phương chứ không có điều kiện tiếp cận với kiến thức khoa học, bài bản về nghề. Sau khi tham gia mô hình nuôi ong mật do GCF triển khai, thực hiện, gia đình không chỉ được hỗ trợ về con giống, nguồn thức ăn nuôi ong mà còn được tập huấn, mở rộng kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật. Hiện nay, gia đình ông nuôi 30 đàn ong, trong đó có 5 đàn ong thuộc mô hình GCF. Ông Tái chia sẻ: “Nuôi ong mật là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Đặc biệt, kể từ khi tham gia mô hình của GCF, gia đình tôi nâng cao được thu nhập; có tổ chức hội để hoạt động và trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về mọi mặt, vững tin phát triển nghề”.

Cũng như gia đình ông Tái, gia đình ông Đào Trọng Cử (61 tuổi, thôn Đô Lương, xã Nga Thủy) bắt đầu nuôi ong mật từ những năm 1992. Đến nay, gia đình ông đang nuôi khoảng 34 đàn ong; trong đó có 5 đàn ong tiếp nhận của GCF. Ông Cử hào hứng nói: “Mô hình của GCF triển khai trên địa bàn xã được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Một mặt vì người dân nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài, bền vững và hiệu quả thiết thực của mô hình. Mặt khác, chính quyền và các cán bộ của dự án rất quan tâm, nhiệt tình, tạo mọi điều kiện để người dân được tham gia. Từ việc tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật nuôi ong, cán bộ thuộc ban quản lý dự án trực tiếp xuống tận nhà hộ dân hướng dẫn triển khai, thực hiện, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc rất kịp thời”.

Ngoài mô hình “Nuôi ong lấy mật”, “Nuôi tôm sú xen ghép cua xanh” tại xã Nga Thủy, mô hình “Nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi”, “Nuôi cua xanh thương phẩm” tại xã Nga Tân; nhiều mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu do GCF triển khai, thực hiện đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa như: “Nuôi ong lấy mật gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Đa Lộc, “Chăn nuôi vịt thịt” tại xã Đa Lộc, “Nuôi gà thịt đảm bảo an toàn sinh học” tại xã Hưng Lộc... Những tín hiệu vui đã mở ra kỳ vọng trong tương lai. Những kết quả bước đầu đã phần nào cho thấy tính thiết thực, bền vững của các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu do GCF triển khai, thực hiện tại các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các mô hình này không chỉ tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hơn hết, các mô hình góp phần giảm sự tổn thương, tăng cường năng lực đối phó, quản lý và giảm rủi ro do tác động của khí hậu tới cuộc sống cũng như sinh kế của người dân. Tuy nhiên, để các mô hình đạt được hiệu quả thiết thực, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của người dân, dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa về mặt con giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở vật chất, kinh phí mở rộng, phát triển nghề...

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]