(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện, song, kết quả mang lại chưa được như mong muốn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Trong những năm qua, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện, song, kết quả mang lại chưa được như mong muốn.

Lu nén rác thải, phun hóa chất khử mùi tại bãi rác xã Đông Nam (Đông Sơn).

Theo thống kê của ngành chức năng, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 2.450 tấn/ngày, đêm, dự kiến đến năm 2020 khoảng 2.650 tấn/ngày, đêm. Lượng CTR sinh hoạt đang được các công ty, tổ, đội, HTX vệ sinh môi trường tại các địa phương thu gom về xử lý chôn lấp hoặc đốt với tỷ lệ thu gom trung bình cả tỉnh mới chỉ đạt khoảng 82,5%. Trong đó, tại 3 khu đô thị lớn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 97%; tại các huyện đồng bằng như, Đông Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Hà Trung... CTR sinh hoạt cơ bản được thu gom và vận chuyển về các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, song vẫn còn những địa phương chưa có các khu xử lý CTR như Thiệu Hóa, Triệu Sơn... nên tỷ lệ thu gom trung bình ở khu vực đồng bằng chỉ đạt khoảng 80%; khu vực miền núi do địa hình phức tạp, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều nên tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50%.

Để xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 23 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó có 17 khu xử lý đang hoạt động, 3 khu đang trong giai đoạn xây dựng hoặc tạm dừng xây dựng và 3 khu xử lý đã đóng cửa gồm bãi rác Cồn Quán (TP Thanh Hóa), bãi rác Minh Sơn (Triệu Sơn), bãi rác xã Nga Giáp (Nga Sơn). Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau khi triển khai đầu tư các khu xử lý, phần lớn rác thải sinh hoạt được thu gom, tập kết đúng nơi xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở một số bãi rác do việc lựa chọn vị trí chưa phù hợp, tiến độ thực hiện chậm, công nghệ xử lý không phù hợp nên một số dự án phải thay đổi, điều chỉnh hoặc tạm dừng thực hiện gây lãng phí ngân sách và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư như, dự án xử lý rác thải tại huyện Hậu Lộc, Triệu Sơn. Những dự án thuộc huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Nông Cống, Lang Chánh, Thạch Thành, Cẩm Thủy thiết kế cũng như vận hành không đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng công trình không bảo đảm, đầu tư thiếu đồng bộ nên việc xử lý chất thải không triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, hầu hết các bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh, trong quá trình vận hành đều không thực hiện đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh. Rác thu gom về bãi không được đổ đúng vị trí, không san gạt, đầm nén và phủ đất lên bề mặt; không sử dụng các chế phẩm khử mùi và hóa chất diệt côn trùng; không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ thải dẫn đến tình trạng khu vực bãi rác phát sinh nhiều ruồi muỗi và mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực lân cận...

Cùng với việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh, tỉnh cũng có chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động 21 lò đốt rác thải, trong đó có 10 lò đốt được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và xã với tổng công suất 168 tấn/ngày, đêm; 11 lò đốt được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác với tổng công suất 295 tấn/ngày, đêm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 7 dự án khu xử lý CTR tập trung, trong đó có 1 dự án đang hoạt động là khu xử lý CTR Trường Lâm (Tĩnh Gia) công suất 50 tấn/ngày, đêm; 2 dự án đang triển khai xây dựng gồm khu liên hợp xử lý CTR tại xã Đông Nam (Đông Sơn) và khu xử lý CTR tại xã Xuân Bình (Như Xuân); có 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là khu xử lý CTR tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và khu liên hợp xử lý CTR tại xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)... Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Các lò đốt chủ yếu có công suất nhỏ (500kg/giờ) được sản xuất và lắp ráp trong nước, chưa lắp đặt đầy đủ hệ thống cấp rác tự động, điều chỉnh nhiệt độ lò đốt và hệ thống xử lý khí thải, quá trình vận hành chủ yếu là thủ công. Đầu tư các lò đốt dàn trải, không tập trung dẫn tới việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Một số lò đốt có công suất lớn thiếu quy trình phân loại, nạp nguyên liệu thủ công ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vận hành...

Từ những tồn tại trên, để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng ngân sách đầu tư, quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các khu xử lý CTR cả theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh và sử dụng công nghệ đốt, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần chủ động đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và quản lý, xử lý CTR sinh hoạt nói riêng. Đặc biệt là ý thức của người dân ngay từ khâu bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, ngành chức năng cần xây dựng giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa vùng miền và bảo đảm được chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR tại các địa phương.


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]