(Baothanhhoa.vn) - Được xem là hệ thống dẫn nước quan trọng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP Thanh Hóa và các đô thị lân cận nhưng thời gian gần đây, tình trạng gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, đời sống của người dân đối với kênh Bắc gia tăng, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, vận hành, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Để bảo vệ kênh Bắc, các địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm cho kênh Bắc

Được xem là hệ thống dẫn nước quan trọng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP Thanh Hóa và các đô thị lân cận nhưng thời gian gần đây, tình trạng gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, đời sống của người dân đối với kênh Bắc gia tăng, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, vận hành, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Để bảo vệ kênh Bắc, các địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn bằng nhiều giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước kênh Bắc.

Muôn kiểu gây ô nhiễm

Kênh Bắc có chiều dài hơn 50 km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng trên sông Chu, chảy qua các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa, có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Kênh Bắc còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt thuộc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa phục vụ nước sạch cho hàng vạn người dân TP Thanh Hóa với lưu lượng hơn 50.000m3/ngày đêm. Với vị trí, chức năng quan trọng như vậy nhưng nhiều năm nay, hệ thống kênh này đang bị xâm hại và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Có mặt tại hai bờ kênh Bắc, đoạn qua địa bàn các xã Thiệu Trung, Thiệu Đô (Thiệu Hóa), chúng tôi bắt gặp tình trạng người dân đưa trâu, bò xuống sông tắm, vô tư xả các loại rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống kênh Bắc. Bác Lê Văn Hà (xã Thiệu Trung) cho biết: “Nhiều năm nay, người dân thường xuyên lén lút vứt xác chó, mèo, gà, vịt cùng nhiều rác thải sinh hoạt khác xuống kênh Bắc, gây nên tình trạng rác thải bị ứ đọng, kết thành từng mảng tại các cống, chân cầu, xộc lên mùi hôi thối, nhất là vào mùa hè”.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân nơi có kênh Bắc chảy qua. Thậm chí, nhiều người dân còn vô tư đưa các dụng cụ phun thuốc trừ sâu xuống kênh Bắc để thau rửa. Dọc hai bờ kênh Bắc qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, hàng ngày người dân giặt giũ, rửa xe thải các chất tẩy rửa trực tiếp xuống dòng kênh. Ngoài những tác động của con người từ các sinh hoạt hàng ngày, kênh Bắc còn chịu những tác động từ quá trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ dọc hai bên dòng kênh...

Cần có sự vào cuộc quyết liệt

Qua trao đổi, lãnh đạo các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn đều thừa nhận, tình trạng gây ô nhiễm cho kênh Bắc những năm gần đây chủ yếu bắt nguồn từ ý thức kém của một bộ phận người dân, vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã còn hạn chế do thiếu nhân lực, công tác tuyên truyền dù triển khai song chưa đủ mạnh, chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu.

Theo tìm hiểu, về quản lý hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng, hiện nay kênh Bắc do Công ty TNHH MTV Sông Chu đảm nhiệm. Hệ thống kênh này đã được xây dựng kè kiên cố dọc hai bên bờ với chiều dài 50 km. Về nguồn nước tiếp nhận do Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa phụ trách với mức mua nước thô là 900 đồng/khối. Phạm vi quản lý, tiếp nhận nguồn nước chủ yếu là khu vực TP Thanh Hóa.

Ông Lê Sỹ Len, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa cho biết: “Hệ thống xử lý và công nghệ hiện nay tại công ty hoàn toàn có thể giải quyết tốt các loại rác thải hữu cơ. Tuy vậy, nếu kênh Bắc bị ô nhiễm bởi các loại rác thải, chất thải có hóa chất sẽ khó khăn hơn, tốn kém chi phí lớn hơn. Trước tình trạng kênh Bắc bị ô nhiễm gần đây, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa một mặt phát huy hết công suất hoạt động của các hệ thống xử lý, lắng, lọc để cho ra nguồn nước sinh hoạt bảo đảm nhất, mặt khác phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước kênh Bắc. Hàng tháng, công ty đều tiến hành lấy mẫu nước ngẫu nhiên tại khu vực đầu nguồn, tại các địa bàn xung yếu để kiểm tra chất lượng nguồn nước, qua đó có những biện pháp xử lý kịp thời. Công ty cũng giao cho đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn rác, nạo vét tại các họng thu. Qua nhiều khâu xử lý, hiện nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho TP Thanh Hóa và các đô thị lân cận do công ty cung cấp đều đạt tất cả các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế”.

Việc bảo vệ kênh Bắc không chỉ là trách nhiệm thuộc về Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương dọc hai bên bờ kênh. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát phải là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tuy vậy, theo thống kê, trong vài năm trở lại đây, chưa có trường hợp gây ô nhiễm đối với kênh Bắc nào bị xử lý theo quy định trong khi ngày nào cũng có thể bắt gặp tình trạng xâm hại, gây ô nhiễm cho nguồn nước quan trọng này. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ kênh Bắc nói riêng vẫn chưa đủ mạnh, chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn sơ sài, chiếu lệ.

Được biết, để bảo đảm “an ninh” nguồn nước kênh Bắc, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng đường ống kín với đường kính 1,2 m dẫn nguồn nước thô từ đập thủy lợi Bái Thượng về khu vực hồ chứa của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Dự án này đã được tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tuy vậy, trong khi dự án trên chưa triển khai, việc thực hiện các giải pháp cấp bách, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm cho kênh Bắc là rất cấp thiết. Trong nhiều cuộc giám sát, kiểm tra, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân sinh sống dọc hai bên bờ kênh trong việc bảo vệ nguồn nước; đồng thời, phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị xả thải trái quy định, gây ô nhiễm nguồn nước kênh Bắc. Chính quyền các địa phương từ cấp huyện tới cấp xã, nơi có kênh Bắc chảy qua cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ kênh Bắc, khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương, cá nhân.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]