(Baothanhhoa.vn) - Những cánh rừng ngập mặn đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều sinh vật khi thời tiết bất lợi, nước triều dâng cao. Nơi đây còn tạo nguồn thức ăn phong phú cho sự hồi phục và phát triển của các loài thủy, hải sản sau thiên tai. Vì thế, đằng sau những thảm rừng san sát lá là cuộc sống của hàng ngàn con người xem rừng là “cần câu cơm”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lá chắn xanh của biển

Những cánh rừng ngập mặn đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều sinh vật khi thời tiết bất lợi, nước triều dâng cao. Nơi đây còn tạo nguồn thức ăn phong phú cho sự hồi phục và phát triển của các loài thủy, hải sản sau thiên tai. Vì thế, đằng sau những thảm rừng san sát lá là cuộc sống của hàng ngàn con người xem rừng là “cần câu cơm”.

Lá chắn xanh của biển

Cánh rừng ngập mặn như lá chắn xanh bảo vệ ngư dân ven biển trước sóng to, gió lớn.

Nơi sinh kế cho người dân

Giữa trưa một ngày cuối tháng 4, trời nắng như đổ lửa, nhưng bên trong rừng ngập mặn huyện Hậu Lộc vẫn mát lạnh. Dầm chân trong lớp bùn lép nhép, xung quanh là cây bần chua, sú, vẹt, đước... ken dày đặc và cao quá đầu người, tôi cảm nhận rõ sự sống đang sinh sôi dưới chân mình. Phía trên đầu, chốc chốc lại vang lên tiếng kêu thất thanh và vỗ cánh phành phạch của chim rừng, tiếng hạt cây rơi lộp bộp xuống bùn. Trên triền đê, tiếng người gọi nhau í ới, rồi từng tốp tỏa xuống cánh rừng dưới chân đê, bắt đầu một ngày lao động. Gió ngoài biển vẫn không ngừng thổi, những bóng người mang xô, chậu, giỏ lầm lũi tiến sâu vào lòng rừng, rồi ẩn mình sau những bụi bần chua, vẹt um tùm. Đối với người dân các xã Đa Lộc, Hải Lộc, Hoà Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc), khoảng rừng ngập mặn đã trở thành một phần cuộc sống của họ. Dưới bóng xanh tốt của thảm cây ngập mặn, những loài hải sản phong phú, như: Còng, cáy, ngao, ngán, ốc... là nguồn thu nhập đáng kể cho cả ngàn gia đình.

Theo chân một nhóm người đi “bãi” (cách gọi của người dân địa phương về việc khai thác thủy sản ở rừng ngập mặn) bắt còng, cáy, chúng tôi như lạc vào mê cung với những lối đi luồn, cúi. Bởi, xung quanh cây mọc kín mít, rễ xám đen đâm ra tua tủa phủ mặt sình lầy như một ma trận mịt mù. Càng tiến sâu vào rừng thì sình lầy càng đặc quánh, có đoạn lún đến thắt lưng khiến chúng tôi chật vật. Giữa rừng bần chua mênh mông, bất chợt có tiếng hú từ xa vọng lại. Một người trong đoàn đưa tay lên miệng hú lên đáp lời và lý giải trong rừng âm u không nhìn thấy nhau nên mỗi lần di chuyển thì mọi người dùng tiếng hú để xác định vị trí của nhau mà tìm tới. Tiếng hú dứt, những bóng người cũng tản mát ra xa, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nói cười của họ.

Theo anh Nguyễn Xuân Vọng, thôn Đa Phạm, xã Hải Lộc, con còng, cáy đều bò rất nhanh. Khi thấy động, nó sẽ chui ngay vào lỗ hoặc trèo lên thân cây, lẩn vào trong lớp lá cây, nếu không nhanh thì không thể bắt được nó. Màu sắc của chúng cũng giống với màu lá cây khô, bùn đất nên rất khó phát hiện, phải chú ý đến đôi còng màu đỏ rất đặc trưng của nó. Với những người trong nghề nếu không mang bao tay mà bị còng cắp thì đau điếng chẳng khác nào ong đốt... Chưa kể, việc bị muỗi, vắt, kiến chích, ong đốt và cả rắn độc cắn là chuyện khó thể tránh khỏi. Trước đây, người ta chỉ bắt còng, cáy men theo đê nhưng bây giờ con còng, cáy không còn nhiều như trước, đông người đi bắt nên phải đi xa mới có tấm, có món.

Theo sát những người bắt còng trong cánh rừng huyện Hậu Lộc, nhìn họ mải mê bắt còng trong bộ quần áo nhuộm bùn đất ướt nhèm, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi cực nhọc của họ. Chị Nguyễn Thị Nhượng, thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc chia sẻ: “Những ngày đầu đi làm, lăn, lê, bò, trườn ai cũng om xương, sáng hôm sau nằm không trở mình được nhưng làm miết rồi cũng quen. Đau lưng, mỏi gối thì ngồi dựa vào gốc bần độ dăm phút rồi đi bắt tiếp. Biết là mệt lắm nhưng mỗi người góp nhau câu chuyện cười thì cũng đỡ đi phần nào”.

Chưa kể, nhịp sinh học của họ phụ thuộc hoàn toàn vào con nước lên – xuống. Có những ngày, con nước xuống ban đêm, họ phải bắt đầu làm việc từ 3h sáng. Khi mọi người thức dậy, họ mới bắt đầu được nghỉ ngơi. Với những người phụ nữ, đi làm về, giấc ngủ còn chập chờn với bộn bề công việc đồng áng, gia đình. Chị Nhượng giãi bày: “Bán xong mẻ còng thì tất tả về tắm giặt, cơm nước. Ngày mùa thì ban ngày ở đồng gặt lúa, rảnh lại đi bắt còng. Cũng vì cuộc sống gia đình, muốn các con ăn học đến nơi đến chốn mà phải thức khuya, dậy sớm chứ trông vào mấy sào lúa thì chẳng đủ ăn. Công việc này chỉ cần không ốm đau, mỗi ngày đi biển cũng kiếm được 100.000 – 200.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

Con nước ở biển lên – xuống nhanh như bước chân người bắt còng. Họ tất tả, “say” mình trong guồng quay mưu sinh. Nước săm sắp bước chân, giọng nói từ khắp các ngả rừng ùa về. Hành trình mưu sinh nơi cánh rừng ngập mặn kết thúc với những giỏ còng đầy ắp.

Bảo bối ứng phó với biến đổi khí hậu

Khoa học đã khẳng định, nếu có rừng ngập mặn tiến ra phía biển 100m thì sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ. Có thể nói, rừng là tài nguyên và rừng cũng là bức bình phong vững chắc bảo vệ con người. Vì thế, nơi nào trồng, bảo vệ tốt rừng ngập mặn thì đê biển dù được đắp từ đất nện vẫn vững vàng trước triều cường, sóng dữ. Ngược lại, nhiều tuyến đê xây kiên cố bằng bê tông hay đá kè vẫn vỡ như thường khi rừng ngập mặn bị tàn phá. Thực tế đã chứng minh, khi cơn bão số 7, tháng 9-2005 - cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, tấn công trực tiếp vào bờ biển phía Bắc tỉnh Thanh Hoá, làm vỡ đê phòng hộ, phá hủy nhà cửa, gây thiệt hại về hoa màu và vật nuôi tại các xã nghèo ven biển. Nhưng nhờ vành đai rừng ngập mặn bao quanh trước đê biển, Hậu Lộc là huyện ít bị thiệt hại nhất, còn hệ thống đê biển cũng giảm tới mức thấp nhất việc xói lở thân đê. Đó là bài học lớn.

Chưa kể, rừng ngập mặn còn có khả năng hấp thụ các-bon cao hơn cả rừng nhiệt đới, tạo môi trường sống trong lành cho người dân ven biển.

Lợi ích từ rừng ngập mặn hẳn ai cũng thấy rõ, vậy mà vào những năm 90 của thế kỷ trước, từ sự buông lỏng quản lý của cấp chính quyền cơ sở mà nhiều ha rừng ngập mặn bị tàn phá vì những mục đích khác nhau, như: Đắp đầm nuôi trồng thủy sản, khai thác cây làm củi đun... Nhiều người trở nên giàu có, nhiều doanh nghiệp nuôi trồng hải sản ra đời và làm ăn phát đạt chỉ sau một thời gian ngắn. Hiệu quả kinh tế bước đầu đánh thức nhiều bãi bồi ven biển và khích lệ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên vài năm sau đó, những đầm tôm ít dần, nhiều khu vực ven biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, các loài thủy sinh dần cạn kiệt, cuộc sống của cộng đồng bị ảnh hưởng, nhất là khi có bão lớn xảy ra. Những con đê làm bằng bê tông cốt thép lại mong manh dễ bị đánh bại bởi những cơn sóng dữ khi không có rừng che chở phía trước. Sóng đánh thẳng vào chân đê kéo đất theo ra biển. Khi những con đê biển bị đánh bại cũng là lúc nước biển tràn vào khu vực trồng trọt, chăn nuôi của người dân. Lúa chết cho dù có cải tạo đất đến đâu đi chăng nữa, cây ăn quả, hoa màu cũng không thể sống nổi với đất nhiễm mặn. Tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt đơn, thiệt kép.

Nhận định rừng ngập mặn có vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu thiên tai cho hệ thống đê biển, ổn định cuộc sống của người dân địa phương, Tổ chức CARE - Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai đã hỗ trợ Dự án “Tái trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại xã Đa Lộc”, xã Hải Lộc, Minh Lộc và Hoa Lộc cũng tham gia tích cực. Được biết, trước khi tổ chức thực hiện dự án, các xã đã tổ chức họp để dân bầu ra ban quản lý dự án, thông qua quy chế làm việc, thông báo quyền lợi và nghĩa vụ đối với người dân trong việc trồng và giữ rừng, đưa ra quy chế rõ ràng về việc xử phạt các hành vi xâm phạm đến rừng. Động thái này được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hàng triệu cây bần chua, cây đước lớn lên và phát triển thành những cánh rừng xanh trải dài như ngày hôm nay đã cho thấy quyết tâm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn của người dân Hậu Lộc. Biển như lùi xa dần nhường chỗ cho màu xanh mơn mởn của khoảng 400 ha rừng. Theo lời một chuyên gia môi trường, để có được những thảm rừng xanh ấy, bà con phải “ăn sóng, nằm gió”, sống chung với muỗi mòng, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Thực tế cho thấy, vấn đề cốt yếu trong bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn vẫn là cân nhắc đầy đủ ba yếu tố: Kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Với phương châm khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn là do dân và vì dân, điều này không chỉ tạo ra những lợi ích môi trường, giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân mà còn cho họ thấy vai trò của chính mình trong bảo vệ, phát triển rừng.

Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, ông Vũ Văn Đỉnh khẳng định: “Nhân dân các xã ven biển Hậu Lộc đã ý thức được tác dụng của rừng phòng hộ ven biển nên có trách nhiệm trong việc khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trong khu vực rừng phòng hộ. Việc trồng rừng ngập mặn cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm chi phí tu bổ đê điều hàng năm và tạo ra nguồn lợi thủy sản dồi dào phục vụ cuộc sống thường nhật của người dân”.

Trồng rừng trước đê biển để chắn sóng là kinh nghiệm của cha ông nhiều đời nay, cần được tuyên truyền, nhân rộng. Để mỗi mùa mưa bão đến, chúng ta không còn bàng hoàng khi nghe những con số thương vong do vỡ đê, nước tràn...

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]