(Baothanhhoa.vn) - Với sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng đáng kể. Mặc dù chính quyền huyện Hoằng Hóa đã và đang nỗ lực đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) cũng như tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng để giải bài toán này không hề đơn giản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hoằng Hóa: Nỗ lực giải bài toán rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường

Với sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng đáng kể. Mặc dù chính quyền huyện Hoằng Hóa đã và đang nỗ lực đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) cũng như tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng để giải bài toán này không hề đơn giản.

Huyện Hoằng Hóa: Nỗ lực giải bài toán rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trườngNhà máy xử lý rác thải tại xã Hoằng Trường. Ảnh: p.V

Tháng 9, 10-2018, Nhà máy xử lý rác thải tại xã Hoằng Trường dừng hoạt động do hệ thống lò đốt bị hỏng, lượng rác thải tồn đọng không được xử lý kịp thời gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, khiến người dân sinh sống xung quanh khu vực này bức xúc.

Được biết, Nhà máy xử lý rác thải tại xã Hoằng Trường có công suất thiết kế 14 tấn/ngày. Năm 2015, khi mới có chủ trương đầu tư, hình thức được lựa chọn tại đây là bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh. Qua quá trình thi công, do địa chất khu vực không phù hợp cho việc chôn lấp rác thải, do đó UBND huyện Hoằng Hóa đã đề nghị UBND tỉnh cho phép điều chỉnh nội dung dự án, thay đổi công nghệ xử lý từ chôn lấp rác thải hợp vệ sinh sang công nghệ đốt rác thải bằng lò đốt BD-ANPHA. Nhà máy có tổng mức đầu tư 32,452 tỷ đồng, có nhiệm vụ xử lý rác thải cho Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến và các xã vùng phụ cận (gồm các xã: Hoằng Thanh, Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến). Nhà máy được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và thuê đơn vị vận hành. Đơn vị vận hành sẽ thu kinh phí từ các đơn vị ký hợp đồng xử lý rác thải. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải không đủ chi phí vận hành nhà máy, gây khó khăn trong quá trình hoạt động. Sau khi nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động, UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo tạm thời không tiếp nhận thêm rác cho đến khi hệ thống lò đốt được sửa chữa, vận hành trở lại. Theo thông tin từ UBND huyện Hoằng Hóa, nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường từ tháng 11-2018, lượng rác tồn đọng đã giảm dần. Hiện, nhà máy ưu tiên xử lý rác cho các xã Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến. Đối với các xã khác, các đơn vị chủ động ký hợp đồng với các đơn vị khác để xử lý rác thải. UBND huyện xem xét, trình HĐND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để bảo đảm việc xử lý rác thải trên địa bàn. Công ty vận hành nhà máy dự kiến lắp đặt thêm 1 lò đốt ngay tại vị trí của nhà máy để tăng công suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải hiện nay.

Đó là hoạt động của một trong 2 công trình trọng điểm về xử lý rác thải đã được huyện Hoằng Hóa đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và vốn ngân sách huyện. Công trình còn lại là bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh thị trấn Bút Sơn và các xã phụ cận được đặt tại xã Hoằng Đức, với tổng mức đầu tư 24,446 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đang được sử dụng có hiệu quả.

Ngoài ra, UBND huyện còn kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa khi dành hơn 6.500m2 đất dự phòng tại bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh thị trấn Bút Sơn để thu hút Công ty CP Đầu tư công nghệ ECOTECH Việt Nam (nay là ECOTECH Thanh Hóa) đầu tư dự án tăng cường năng lực dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và một số hạng mục công trình kỹ thuật theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14-1-2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT. Công ty TNHH Vận tải và Đầu tư xây dựng Hoàng Hải đầu tư lò đốt rác tại xã Hoằng Thái, tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng để xử lý cho một số xã vùng Đông Nam của huyện.

Hàng năm, huyện đều bố trí nguồn kinh phí và giao dự toán ngay từ đầu năm; hỗ trợ các xã, thị trấn kinh phí để thực hiện công tác BVMT từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Năm 2016, ngân sách huyện chi 776 triệu đồng; năm 2017, chi 852 triệu đồng; năm 2018, dự kiến chi 452 triệu đồng. Huyện chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để đóng cửa 3 bãi rác tại xã Hoằng Giang, Hoằng Quỳ và Hoằng Trinh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các xã lân cận. Mặt khác, đối với các xã đã về đích nông thôn mới, nếu xã nào không thực hiện tốt công tác xử lý rác thải theo đúng đề án đã được phê duyệt, UBND huyện cương quyết không cho đấu giá quyền sử dụng đất. Huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát và phát hiện, xử phạt 3 vụ vi phạm về BVMT với số tiền gần 150 triệu đồng. 43/43 xã, thị trấn đã xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; có 30/43 xã, thị trấn (đạt 69,77%) ký kết với 10 đơn vị thu gom để tổ chức thu gom, vận chuyển rác đi xử lý theo quy định; còn lại 13/43 xã (30,33%) tự thu gom, vận chuyển đi xử lý tại các bãi chôn lấp rác thải của địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại các xã không còn phù hợp, xử lý không đúng quy trình, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc trong nhân dân, đặc biệt tình trạng bãi rác thải xã này ảnh hưởng đến nhân dân xã khác. Mặc dù trên địa bàn huyện đã có 3 lò đốt rác thải, thế nhưng chỉ có 2 lò xử lý rác thải cho các xã trong huyện nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Lò đốt tại dự án tăng cường năng lực dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tại bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh thị trấn Bút Sơn, theo cam kết ban đầu sẽ hỗ trợ xử lý 1 phần rác thải sinh hoạt của huyện Hoằng Hóa, thế nhưng hiện nay, lò đốt này chỉ xử lý rác thải công nghiệp. Một số xã trong khu vực chưa có lò đốt phải thu gom, vận chuyển đi nơi khác nên tăng cước chi phí vận chuyển, gây khó khăn và tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tiệm, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 98%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt 80%. Trong đó, giải pháp đặt ra là phải đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân, các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức và tự giác trong công tác BVMT, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, xã hội để cùng chung tay BVMT. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đánh giá tổng thể vấn đề môi trường từng địa phương để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý rác thải trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc xây dựng, giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Để nỗ lực giải bài toán về xử lý rác thải sinh hoạt, huyện tích cực kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực BVMT với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, như: Miễn tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện...) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]