(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 170 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh các cơ sở chế biến gỗ chấp hành nội quy, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) thì vẫn còn không ít các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm xen lẫn khu dân cư chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc xử lý tác động đối với môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn... gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các cơ sở chế biến gỗ xen lẫn khu dân cư: Tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 170 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh các cơ sở chế biến gỗ chấp hành nội quy, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) thì vẫn còn không ít các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm xen lẫn khu dân cư chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc xử lý tác động đối với môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn... gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Các cơ sở chế biến gỗ xen lẫn khu dân cư: Tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trườngBên cạnh các cơ sở chế biến gỗ chấp hành nội quy, quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn không ít các cơ sở chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc xử lý tác động đối với môi trường. (Ảnh minh họa).

Mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ chạy ầm ầm... Đó là thực trạng diễn ra từ vài năm nay tại Nhà máy chế biến gỗ LHD, xã Xuân Bình (Như Xuân). Anh N.N.T., một người dân sống ở khu vực có xưởng sản xuất, tỏ ra bức xúc: Từ cuối năm 2018, khi Công ty LHD thuê lại đất để sản xuất gỗ thì cuộc sống của chúng tôi như bị tra tấn. Họ sản xuất ngày đêm gây ồn ào, mùi khói khét lẹt từ ống khói bay vào nhà. Đặc biệt là mùi hóa chất khó chịu, nồng nặc từ việc chế biến gỗ cứ sộc thẳng vào mũi, ngửi một lúc cảm thấy đau đầu, chóng mặt, chúng tôi đành phải đóng cửa, bật quạt cả ngày nhưng không sao hết mùi. Khổ nhất là những nhà có trẻ nhỏ, người già, ở cạnh nhà máy nên thường xuyên bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Tiếng động cơ từ máy gầm rú suốt ngày, bụi và dăm bào bay theo cơn gió phát tán ra không khí diện rộng, phủ lên mái tôn, len qua kẽ cửa bay vào bên trong nhà dân. Tình trạng này diễn ra tại xưởng sản xuất gỗ ML, tại xã Thọ Vực (Triệu Sơn) từ nhiều năm nay. Anh L.Đ.T. ở cạnh xưởng sản xuất cho biết: Vài năm trước, tôi cùng vợ đến đây mua nhà để ở thì xưởng này đang hoạt động. Thời gian đầu hai vợ chồng tỏ ra vui mừng vì nơi ở mới có xưởng sản xuất sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có việc làm, trong đó có hai vợ chồng tôi. Thế nhưng, khoảng 2 năm nay, trong quá trình sản xuất thì xưởng này liên tục phát tán bụi ra không khí; nghiêm trọng hơn là để xảy ra tình trạng dăm bào từ khu vực sản xuất bay theo gió sang nhà dân. Cảnh bụi, dăm bào bay như “mưa” diễn ra thường xuyên, không cố định vào thời điểm nào, có thể là sáng sớm, hoặc tối, gây khó khăn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân... Cũng theo anh T., dăm bào là loại gỗ vụn mỏng, dạng vật cứng, nếu dăm bào bay theo gió phát tán ra không khí chẳng may người nào hít phải sẽ để lại trong đường hô hấp, phổi gây khó thở, nghiêm trọng hơn sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều bệnh về hô hấp. “Xung quanh xưởng là nhiều hộ dân có trẻ nhỏ, việc hít phải bụi, dăm bào thường xuyên như vậy chúng tôi lo sợ trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của các cháu”, anh T., lo lắng.

Có mặt tại xã Thọ Vực, tìm hiểu người dân xung quanh được biết, gia đình ông L. tổ chức sản xuất đồ gỗ dân dụng từ năm 2015. Thời gian đầu, việc sản xuất quy mô nhỏ nên ảnh hưởng về tiếng ồn, khói bụi ra môi trường không lớn. Gần đây, ông L. đầu tư thêm máy móc, mở rộng diện tích nhà xưởng khoảng 200m2 và thường xuyên có 15 công nhân làm việc. Hằng ngày, xưởng sản xuất từ sáng sớm đến tối muộn. Do nằm giữa khu dân cư nên tiếng ồn phát ra trong quá trình cưa, đục, chế biến gỗ đã làm ảnh hưởng đến việc học tập, nghỉ ngơi của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, bởi thiếu các biện pháp che chắn, thông gió, xử lý môi trường nên mỗi khi vận hành máy móc, bụi mùn cưa phát tán vào không khí và bay vào nhà các gia đình liền kề. Đặc biệt, mỗi khi công nhân sử dụng sơn phun hoàn thiện sản phẩm thì mùi hắc nồng lại tỏa ra rất khó chịu. Hiện các hộ dân sống liền kề xưởng của ông L. lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Tối đến nhiều người phải đeo khẩu trang và bôi các loại thuốc ngoài da, đau mắt. Một số nhà có trẻ nhỏ, mỗi khi gia đình ông L. sơn gỗ đều phải đem trẻ đi gửi nơi khác.

Sản xuất và chế biến gỗ là ngành đã, đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do một số cơ sở còn xem nhẹ công tác BVMT. Hoạt động chế biến gỗ có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường, như: tác động đến nguồn nước, tiếng ồn, không khí... do các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ và tự phát với vốn đầu tư không lớn, chủ yếu lao động thủ công, các thiết bị chậm đổi mới, diện tích sản xuất chật hẹp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất của các cơ sở có các công đoạn, như: tẩy trắng nguyên liệu đối với các sản phẩm nan, tăm, bào gỗ, hệ thống xử lý nước thải sản xuất chưa được đầu tư xây dựng. Trong đó, một số cơ sở sản xuất đũa trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước có hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa đạt chuẩn. Các bể chứa nước thải, chất thải vẫn còn tạm bợ, chưa quy củ, vì vậy lượng nước thải, chất thải vẫn chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường. Không chỉ vậy, đáng lo ngại hơn khi các cơ sở, doanh nghiệp vẫn tìm “kẽ hở” để xả trộm nước thải ra môi trường.

Theo quan sát của chúng tôi khi đến thăm các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh thì tác động lớn nhất đối với môi trường là khí thải, nước thải, chất thải rắn, bụi và tiếng ồn. Những yếu tố này tồn tại song hành với quá trình sản xuất của cơ sở gây nên những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Đối với khí thải, đây là nguồn thải sinh ra từ các phương tiện vận chuyển nguyên, nhiên liệu và sản phẩm ra vào khu vực vốn là những chiếc xe “đầu ngang”, “đầu dọc” chạy dầu đã cũ, chở gỗ nặng khi tăng ga xả khói bốc đen kịt. Nguồn khí thải nữa là lượng khí bốc ra từ việc sấy gỗ, từng cuộn khí mang theo mùi chua chua của gỗ ẩm, mùi hôi của nấm mốc đua nhau bốc thẳng lên trời ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí xung quanh khu vực. Đối với nước thải, gồm có nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Nguồn nước thải này hầu hết không được tập trung và xử lý, không có các bể lắng và phương tiện chuyên dùng để hút cặn lắng, nhiều chỗ nước thải tràn ra nền xưởng, hòa trộn với lượng chất thải rắn sản xuất như mạt cưa, vỏ cây rồi phân hủy, gây nên mùi khó chịu khi đến gần... Tình trạng này xảy ra tại hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhỏ lẻ, thậm chí nhiều cơ sở còn trực tiếp thải nước bẩn xuống các dòng sông, suối khiến cho bề mặt sông suối nổi váng gỗ, mạt cưa bốc mùi khó chịu. Nói đến bụi - đây là nguồn ô nhiễm chủ yếu đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Trong khi đó, các cơ sở này chỉ dùng các biện pháp che chắn xung quanh tạm thời khiến bụi có thể dễ dàng phát tán trong không khí, gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan...

Thời gian tới, để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến gỗ, thiết nghĩ các ban, sở, ngành liên quan, cùng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm của các cơ sở trong lĩnh vực này.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]