(Baothanhhoa.vn) - Là con xã Tam Lư (Quan Sơn) có lẽ không ai không biết đến mô hình trồng dược liệu kết hợp trồng vầu trên đỉnh Pa Lanh đang hàng ngày “đẻ” ra tiền - không những khiến gia đình ông Vi Văn Piên nhanh chóng “đổi đời” thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn là “minh chứng sống” giúp đồng bào nơi đây vững niềm tin về định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai của các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn.

Ươm “vàng” trên đỉnh Pa Lanh

Là con xã Tam Lư (Quan Sơn) có lẽ không ai không biết đến mô hình trồng dược liệu kết hợp trồng vầu trên đỉnh Pa Lanh đang hàng ngày “đẻ” ra tiền - không những khiến gia đình ông Vi Văn Piên nhanh chóng “đổi đời” thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn là “minh chứng sống” giúp đồng bào nơi đây vững niềm tin về định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai của các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn.

Ông Vi Văn Piên bên vườn ươm cây dược liệu.

Cơ duyên đến từ những bài báo

Bằng niềm đam mê và ý chí thôi thúc làm giàu chính đáng trên rừng đồi quê hương, ông Vi Văn Piên đã tiên phong mở ra một hướng đi mới cho nghề trồng dược liệu ở Quan Sơn mà vốn dĩ cách đây gần 5 năm ít người có thể nghĩ sẽ thành công.

Kể về thời gian trước, có một số đầu nậu “nằm vùng” tại địa phương để thu mua các cây thuốc quý giọng ông lại bùi ngùi. Một số người dân vì hám lời trước mắt mà vô tình đã tiếp tay cho việc “thảm sát” các nguồn gen sinh học quý.

Trong khi họ đem bán cho các tư thương thì ông lại âm thầm “rước về”, đem ươm trồng thử nghiệm trong vườn rừng. Với suy nghĩ và tiên lượng kiểu khai thác tận thu, tận diệt một cách quá mức như lúc bấy giờ thì nguy cơ nguồn dược liệu quý bị tuyệt chủng sẽ là nỗi lo không còn xa vời đã khiến ông trồng được gần 0,5 ha sâm cau, thiên niên kiện, ba kích...

Kể về cơ duyên gắn với nghề trồng dược liệu không còn mới mẻ nơi biên viễn này, ông tâm sự rất thật. Vốn dĩ có lần, ông đọc được bài báo “Trồng dược liệu - nghề của các đại gia chân đất” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam khiến ông rất tâm đắc. Sẵn có kinh nghiệm trong việc ươm trồng hạt vầu bán cho người dân địa phương phủ xanh rừng nghèo kiệt từ trước, ông đã bắt tay ngay vào việc ươm trồng giống ba kích, sa nhân tím, sâm cau và một số loại dược liệu bản địa hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Và gần đây nhất là bài viết của đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Quan Sơn về những định hướng và chủ trương của Huyện ủy trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu đã thuyết phục hoàn toàn ông và những người nông dân có khát vọng làm giàu.

Nỗi lo thường trực “được mùa rớt giá” trong ông đã nhanh chóng tiêu tan khi sắp tới đề án trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện sẽ được triển khai thì những người nông dân đi đầu như ông có cơ may tiếp cận các hỗ trợ kịp thời nhằm đẩy mạnh sản xuất như vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm từ các công ty dược...

Gian nan thử sức

Nhớ lại những ngày đầu “tầm sư học đạo” tại Sơn La do một số người bạn thời quân ngũ giới thiệu, ông cho biết đã mua 1 kg hạt ba kích với giá gần 15 triệu đồng về ươm thử. Ông háo hức nghe ngóng thời tiết rồi tỉ mẩn xử lý gieo vào các bầu đất đúng như quy trình hướng dẫn.

Khổ nỗi thay gần 2 tháng trời, hạt giống vẫn im lìm không chịu nảy mầm như mong đợi. Ông hoang mang, mò mẫm vào Internet tìm cách hướng dẫn trồng nhưng không có tài liệu nào ưng ý. Quyết tâm không bỏ cuộc, ông khăn gói tìm đến các khóm cây ba kích còn sót lại trên đỉnh Pù Mằn để quan sát, tìm hiểu các đặc điểm sinh trưởng của cây và phát hiện ra rằng thứ hạt mà ông mua về ươm là cây gần giống ba kích chứ không phải là thật. Ý định lựa chọn giải pháp hom cây cho “ăn chắc” khiến ông đã bao nhiêu ngày phải lặn lội trèo đèo vượt suối tìm những thân cây bố mẹ tốt nhất để cắt thử các khoanh đem trồng bằng phương pháp hom giâm.

Thật bất ngờ, thành công ngoài mong đợi, hơn 200 hom giâm thử nghiệm đã phát triển xanh tốt. Thế nhưng, tựa như “gian nan là nợ anh hùng phải vay”, trồng được hơn 10 ngày thì một đợt rét lạnh cuối mùa cộng với cái gió ai oán “ruồi vàng, bọ chó, gió Pa Lanh” sót lại làm hơn 2/3 số cây trồng chết lụi. Kể đến đây ông hỉ hả: “Ba kích hay các cây dược liệu khác không đòi hỏi cao về công chăm sóc nhưng bù lại người trồng phải thật sự am hiểu nó”.

Sau lần đó, ông thay đổi hẳn cách trồng. Ông chọn đất tầng thứ hai của đất đỏ trung du, sau đó phơi khô đập dập tơi đất từ 15 – 20 ngày để loại trừ nấm mốc, bệnh cho cây. Trước khi cho vào ươm thì hom được chấm thuốc kích thích ra rễ. Hom được chăm sóc, tưới nước đầy đủ từ 1 – 2 tháng trước khi đem trồng. Cây dược liệu ưa phân chuồng ủ mục, không ưa phân bón hóa học...

Từ những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn, đến nay ông đã làm chủ được việc ươm giống bán hơn chục loài dược liệu quý sẵn sàng cung ứng cho bà con trong vùng và các công ty dược có nhu cầu.

“Kho báu” đang được đánh thức

Theo lời kể của một số già làng và người chuyên làm nghề thầy lang thuốc giấu, chạy suốt chân đỉnh Pa Lanh, Pù Mằn – nơi có độ cao gần 1.500m trước kia luôn là “thủ phủ” của các loài thuốc quý như cây máu chó, củ cu li, củ thiên niên kiện, củ quành, quả sa nhân, cây tổ quạ... Nhiều loài cây thuốc quý không phải mất công tìm kiếm, người đi hái thuốc chỉ đi một dạo quanh rẫy gần nhà là có thể kiếm đủ vị thuốc mình cần mang về cứu giúp người trọng bệnh trong làng xã.

Cái thời “ra ngõ gặp thuốc quý” đã dần rời xa, nhất là từ sau năm 2011 theo quy định UBND xã chính là nơi cấp phép thì một lượng dược liệu quý có sẵn trong rừng tự nhiên được khai thác theo lối “triệt hạ” đã âm thầm theo chân tư thương xuất thô thẳng sang nước ngoài.

Nói chuyện với chúng tôi, ông cho biết cây dược liệu có giá trị gấp hàng chục lần các cây trồng như ngô, sắn, đậu tương hay một số loài cây lâm nghiệp khác. Hơn thế, cây dược liệu hầu như không ưa tráng nắng rất thích hợp cho việc trồng xen canh dưới tán rừng tự nhiên tạo nên nhiều tầng sinh thái để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, tại vườn đồi dưới chân núi Pa Lanh, ông Piên đã có vườn ươm rộng hơn 2 ha và trồng được gần 5 ha một số cây dược liệu có giá trị khác. Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng vầu xen canh ba kích, sâm cau và sa nhân tím trồng được hơn 3 năm đang chuẩn bị vào độ khai thác, ông nhẩm tính với giá sa nhân và sâm cau, ba kích hiện tại trừ công chi phí đầu tư ông thu về mỗi năm ổn định gần 500 triệu đồng/năm.

Sản phẩm chưa xuất bán đã có thương lái tìm đến đặt thu mua hết. Nhưng có điều ông Piên luôn trăn trở, nguồn cây dược liệu của Quan Sơn rất phong phú, đa dạng tuy nhiên hầu như chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, ông mong muốn cần có quy hoạch vùng bảo tồn phát triển cây dược liệu; các chính sách hỗ trợ thích đáng cho những chủ rừng, cây dược liệu cũng sẽ được mua bảo hiểm như một số cây trồng đặc biệt khác...

Và rồi đây không xa, khi cây dược liệu sớm trở thành cây chủ lực trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của huyện Quan Sơn, gia đình ông Piên và bà con nơi đây không chỉ giúp du khách đến với Quan Sơn được thưởng thức những vị thuốc quý hiếm từ trên đỉnh đại ngàn Pa Lanh mà hơn thế còn đang góp phần chung tay bảo tồn các nguồn gen sinh học rừng từ lợi ích kép của cây dược liệu mang lại.


Bài và ảnh: Ngọc Huynh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]