(Baothanhhoa.vn) - Phát triển chăn nuôi đại gia súc được xem là hướng đi phù hợp nhằm khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động và còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân khu vực miền núi xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở miền núi

Phát triển chăn nuôi đại gia súc được xem là hướng đi phù hợp nhằm khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động và còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân khu vực miền núi xứ Thanh.

Mô hình trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc ở xã Cát Vân (Như Xuân).

Xã Bình Lương (Như Xuân) có tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, bởi nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển mô hình này đã và đang là hướng đi giúp nhân dân địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững. Xã Bình Lương đã vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rông... Xã cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn người dân nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho trâu, bò thông qua các lớp tập huấn...

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay nhiều hộ dân ở xã Bình Lương đã mở rộng quy mô chuồng trại, đưa con giống có giá trị kinh tế cao để chăn nuôi, như trâu, bò, dê. Xã Bình Lương cũng quy hoạch 3 thôn Hợp Thành, Xuân Lương, Làng Mài là khu vực chăn nuôi trọng tâm của xã, bởi ở đây có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc. Bằng hướng đi đúng đắn, nhiều hộ đã có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Đinh Đình Vinh, thôn Xuân Lương có trang trại chăn nuôi bò lên tới cả trăm con, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng; gia đình anh Lê Trọng Thuần, thôn Hợp Thành nuôi trên 50 con bò, thu nhập mỗi năm khoảng 120 triệu đồng...

Những năm qua, để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Như Xuân đã ban hành chính sách hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu, bò có tổng đàn từ 20 con trở lên; hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê có tổng đàn từ 100 con trở lên; hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, trồng cỏ chăn nuôi... Từ các chính sách khuyến khích, đến nay, huyện Như Xuân đã có gần 20 trang trại gia súc đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; phát triển được gần 10.000 con trâu, 4.000 con bò, 20.000 con lợn, 10.000 con dê...

Tại huyện Lang Chánh, năm 2016, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, như: Hỗ trợ từ 5 đến 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung, có quy mô thường xuyên từ 10 đến dưới 50 con; hỗ trợ tiền mua con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn tập trung, với mức hỗ trợ từ 10 đến 25 triệu đồng/trang trại; hỗ trợ tiền làm chuồng trại chăn nuôi dê có quy mô từ 30 đến 150 con, với mức hỗ trợ từ 5 đến 25 triệu đồng/trang trại. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ tiền cho các hộ chăn nuôi lắp đặt công trình biogas; hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc...

Đến nay, 11 huyện miền núi trong tỉnh đều ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng bền vững. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con tiếp cận mô hình chăn nuôi bền vững, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Trong đó, Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” được triển khai tại 11 tỉnh trên cả nước trong đó có Thanh Hóa đã cho kết quả khả quan. Ngoài ra, dự án chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ cũng góp phần nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn trâu cái, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ; nâng cao trọng lượng nghé sơ sinh, khối lượng trâu ở các lứa tuổi, phục hồi chất lượng đàn trâu...

Những kết quả đạt được là khá khả quan, tuy nhiên việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn hạn chế, đó là phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán lạc hậu, chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến; kỹ thuật chăn nuôi của nông dân còn hạn chế nên năng suất, hiệu quả thấp; chưa chủ động được nguồn thức ăn; điều kiện địa hình, khí hậu bất lợi...

Để khắc phục hạn chế trên, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc ở khu vực miền núi, theo ông Mai Thế Sang, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, các địa phương cần mở rộng diện tích đồng cỏ; chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn cho gia súc; thu gom rơm rạ, cây ngô, đậu, lạc khi thu hoạch, dự trữ, chế biến để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn, phế, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, nhằm bảo đảm đầy đủ khẩu phần ăn, nâng cao sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh tật cho đàn gia súc; áp dụng khoa học - kỹ thuật trong công tác chọn giống vật nuôi... Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác phòng trừ dịch bệnh để bảo đảm tính ổn định và hiệu quả...


Bài và ảnh: Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]