(Baothanhhoa.vn) - Tôi ngược miền đất quế những ngày cuối tháng 3, khi mùa hoa đã vãn. Những chùm hoa quế cuối cùng không còn dáng vẻ e ấp nép mình trong nách lá, đầu cành mà thu hết hương sắc nhường chỗ cho mùa quả đang ngả màu nâu tím. Từng vạt nắng cuối đông sóng sánh mật ong mới vào vụ, dịu dàng như thiếu nữ 16 đốt sáng dậy cả rừng quế đương tuổi xuân thì.

Những mùa quế “ngọt”...

Tôi ngược miền đất quế những ngày cuối tháng 3, khi mùa hoa đã vãn. Những chùm hoa quế cuối cùng không còn dáng vẻ e ấp nép mình trong nách lá, đầu cành mà thu hết hương sắc nhường chỗ cho mùa quả đang ngả màu nâu tím. Từng vạt nắng cuối đông sóng sánh mật ong mới vào vụ, dịu dàng như thiếu nữ 16 đốt sáng dậy cả rừng quế đương tuổi xuân thì.

Đồi quế Thường Xuân.

Lạc bước vào không gian xanh, cảm giác như vẫn nghe thoang thoảng mùi hương nồng nồng, cay cay nơi chùm hoa nhỏ xinh, trăng trắng lưu luyến, lẩn khuất trong gió. Cái mùi hương như say, như mơ, như dẫn lối đưa chân người bước vào câu chuyện về những thăng trầm đời quế và sự hồi sinh từng ngày của sản vật nức tiếng: “Quế ngọc châu Thường”.

Sau mấy hồi phiêu bạt khắp các cánh rừng miền núi cao Tây Bắc xuống dãy Trường Sơn, quế đã sinh sôi dọc từ Yên Bái về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chạy vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thế nhưng, chẳng ai, dù là người đã đi gần trọn đời mình cùng cây quế, có thể biết được gốc gác và duyên cớ khiến loài cây này có mặt trên đất châu Thường. Dẫu rằng, những chỉ số tính toán, đo đạc về khí hậu hay độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa, địa hình và chất đất đã chỉ ra sự phù hợp dành cho cây quế. Song, tính thuyết phục của khoa học dường như vẫn chưa thể trả lời hết nỗi băn khoăn, rằng, vì sao quế lại chọn Thường Xuân thay vì Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước... những địa danh có khá nhiều nét tương đồng về địa hình hay khí hậu? Và rằng, vì sao chỉ khi ở đất châu Thường, quế mới chắt hết cái tinh hoa của nó mà nổi danh “quế ngọc” để một thời át cả “quế Trà My”, “quế Yên Bái”? Phải chăng, bởi cỏ cây vốn có linh hồn để cảm thụ và gửi gắm đời cây như chim đậu đất lành? Hay bởi nơi đây, đất đã rút hết màu mỡ để níu lấy, bao bọc và nâng niu cái hạt mầm kén chọn, đợi đến một ngày nó cựa mình, thoát xác mà vươn dậy háo hức đón lấy sự sống? Cuộc hôn phối trăm năm đầy ngẫu nhiên đã làm nên khúc tự tình hài hòa tình đất duyên cây. Để rồi, như một lẽ tất yếu, trên mảnh đất chất chứa tình yêu ấy, có thể nào cây lại không mang một dáng dấp khác, một giá trị khác, một sự đặc biệt riêng có và không thể trộn lẫn, dẫu là màu sắc, mùi vị, hương thơm và tâm tính loài?

Cũng vì cái sự khắt khe khó chiều hay giá trị của cây mà người trồng quế cũng phải bỏ lắm công phu chăm bẵm. Phơi mình dưới cái nắng tháng 8, hạt quế chín chuyển sang màu tím rồi nâu láng khi khô. Người trồng sẽ dựa theo kinh nghiệm lâu năm để lựa chọn những hạt tốt nhất, từ những cây khỏe nhất làm giống. Có lẽ cũng bởi cái giống cây chẳng thể xa đất lâu ngày nên hạt khi lấy xuống khỏi cây, trải qua một vài công đoạn sẽ phải đem trồng, nếu không muốn nó chết yểu trong đất. Vốn là loài có khả năng tái sinh chồi từ gốc, nên quế còn được trồng bằng cách chọn mầm thứ sinh khỏe mạnh. Cũng có đôi khi quế được trồng bằng phương pháp chiết cành, nhưng cách thức này ít được lựa chọn do có thể làm suy giảm giá trị quế. Quế từ 15 đến 20 năm là độ tuổi “chín” để thu hoạch. Thật ít có loài thực vật nào kỳ lạ như quế, khi mà phần tinh túy nhất, thay vì ẩn vào trong thì lại được phô bày hết bên ngoài. Vỏ cây vốn là phần thô ráp, xù xì những địa y và mô chết, thường bị vứt bỏ trước tiên, nhưng với loài quế, đó lại là phần trân quý hơn cả. Cũng bởi cái đặc điểm riêng biệt ấy mà việc khai thác vỏ quế không thể thực hiện tùy tiện mà cần tính toán thời gian, mùa vụ. Thường vào đầu hè (tháng 4-5) hoặc cuối hè (tháng 9-10) là thời điểm người trồng bắt đầu khai thác vỏ quế. Để bảo đảm cả về hình thức và chất lượng vỏ, việc bóc tách cũng phải tỷ mẩn, công phu và khéo léo. Vỏ quế sau khi bóc xuống lại trải qua quy trình ủ cầu kỳ, phức tạp bằng phương pháp truyền thống. Người ta dùng mật ong để giữ ẩm tránh khô dầu và giữ chất quế. Việc mở ủ phải đúng lúc, khi chất dầu vừa chín. Sau mỗi lần cắt quế để dùng phải miết sáp ong vào vết cắt để tránh cho quế bị mất dầu, mùi thơm và vị cay đặc trưng.

Vỏ quế Thường Xuân có độ dày dao động từ 3,01 đến 5,48mm, độ dày lớp tinh dầu vỏ thân từ 1,11 đến 1,97mm, khi nhấm thử có vị cay và ngọt mạnh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn ca ngợi: “Tuy đều sản xuất ở phương Nam nhưng quế Thanh Hóa tốt nhất (...) Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh”. Ngắn gọn vậy thôi, song, chỉ với 2 từ khóa “tốt nhất” và được “khắc hình tượng vào Nghị đỉnh” đã quá đủ để minh chứng cho danh tiếng và giá trị của quế Thanh, hay cũng chính là quế châu Thường. Sự xuất hiện của cây quế trong Nghị đỉnh (một trong cửu đỉnh đang được lưu giữ trong hoàng thành Huế) là vinh dự lớn lao, bởi loài cây được chọn không chỉ nhờ sự quý giá của nó, mà còn là một đại biểu về sự tươi đẹp của hình sông thế núi, cùng sự phồn thịnh của tài nguyên quốc gia. Thời huy hoàng của nó, quế được trồng thành rừng bạt ngàn, trải khắp các chân núi dưới đỉnh Tà Leo, Pù Gió, Pù Hòn Hàn. Cũng vì giá trị đặc biệt mà từ năm 1986 trở về trước, quế là loại cây giữ vị thế quan trọng trong cơ cấu cây trồng huyện Thường Xuân, với khoảng 1.000 ha. Nhưng rồi, lịch sử và danh tiếng lại chẳng thể cứu vãn được sự suy thoái của quế trước những đổi thay của cơ chế mới và nhu cầu thị trường. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, quế bị khai thác ồ ạt, bị đốn hạ để nhường chỗ cho keo, sắn, ngô. Khi đắt là quế, nhưng khi rẻ nó cũng chẳng khác nào củi. Cũng bởi không còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nên sự tồn tại của loài cây này dường như chỉ còn mang tính biểu tượng hay như một sự hoài niệm về thời quá khứ mà nhờ nó, cái tên châu Thường đã vang khắp xa gần.

...

Đời quế cũng ví như đời người khi đã nếm đủ vinh nhục. Náu mình sau cánh cửa quá khứ, quế vẫn sống giữa những mảng rừng, vườn cây hay trước hiên nhà sàn. Cái giống cây từng là một phần của vùng văn hóa Thái miền Tây xứ Thanh hay những phong tục tập quán, phương thức sản xuất, nếp sinh hoạt, ẩm thực... của con người nơi đây từng một thời gắn liền với những vạt rừng quế ngút tầm mắt. Có những điều tưởng chừng là thói quen, nhưng dần dà nó ngấm rất đậm, rất sâu mà thành nếp sống, nếp nghĩ, thậm chí thành một phần linh hồn vùng đất. Để rồi, cứ mỗi độ quế nở hoa, người ta lại mơ về thứ hương rượu ủ hoa quế, cay cay và vị ngọt còn đọng nơi đầu lưỡi. Thưởng rượu ngắm trăng hay nhâm nhi chén nước chè quế dân dã, cùng kể dăm ba câu chuyện xóm giềng, làm ăn, dựng vợ gả chồng... Dường như, cái hương quế, vị quế đậm đà ấy đã trở thành mối liên kết vô hình, kéo con người lại gần nhau hơn trong nếp sống rất đỗi bình dị và an nhiên. Cũng vì lẽ đó mà sự thu hẹp diện tích cây quế không đơn thuần là phá bỏ một loại cây kém hiệu quả kinh tế. Xa hơn lợi ích vật chất, đó còn là sự mai một của một vùng lịch sử - văn hóa rất đặc trưng và mang nhiều giá trị tinh thần độc đáo.

Nếu “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng” thì quế Thường Xuân cũng ví như vàng của đất. Bởi vậy, khôi phục lại danh tiếng “quế ngọc” cũng là làm sống dậy một sản vật quý của xứ Thanh là vô cùng cần thiết. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ giống “quế ngọc”, mở rộng diện tích trồng quế và nhất là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Thường Xuân” cho cây quế; thiết nghĩ, việc tìm chỗ đứng cho các sản phẩm từ quế trên thị trường đã có được cơ sở bước đầu khá thuận lợi. Đó là chưa kể danh xưng “Quế ngọc châu Thường” vốn có từ xưa đã là một dạng “chỉ dẫn địa lý” đặc biệt, có giá trị lớn về vật chất lẫn tinh thần và góp phần tạo nên sự khác biệt cho quế Thanh trong sự so sánh với các vùng quế khắp cả nước. Vấn đề được đặt ra lúc này là làm thế nào để nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây quế. Đồng thời, chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân và người trồng quế sẽ tham gia và đóng vai trò như thế nào trong chuỗi liên kết từ nơi trồng đến thị trường? Lý giải băn khoăn này của tôi, ông Cầm Bá Học, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh quế Thường Xuân, cho hay: Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế và khẳng định vị thế của quế Thường Xuân, không thể dựa vào việc khai thác vỏ để bán thô cho thương lái như hiện nay, mà phải đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thị trường. Vài năm trở lại đây, một số thành viên thuộc Hội sản xuất và kinh doanh quế Thường Xuân đã đưa vào vận hành 2 lò chưng cất tinh dầu quế, mỗi lò có khả năng tiêu thụ khoảng 4 tạ nguyên liệu/ngày và chiết xuất được hơn 1 lít tinh dầu. Với giá thu mua từ 1.800 – 2.000 đồng/kg lá, cành nguyên liệu, chúng tôi đang vừa làm, vừa tìm hiểu, đồng thời hỗ trợ và động viên bà con tích cực mở rộng diện tích cây quế trên địa bàn”.

Hiếm loài cây nào như quế có thể tận hiến cho đời tất cả những gì thuộc về sự tồn tại của nó. Loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi từ vỏ, thân, lá, cành đều có thể trở thành dược liệu trong nhiều đơn thuốc đông – tây y, làm gia vị trong công nghiệp thực phẩm, làm hương liệu trong công nghiệp hóa mỹ phẩm và làm đồ gia dụng. Đặc biệt hơn cả, nói đến quế là nói đến tinh dầu - sự kết tinh hoàn hảo của thân quế, hồn quế và chất đất. Quế châu Thường được đánh giá là “tốt nhất” cũng nhờ bởi hàm lượng cao và chất lượng tinh dầu tốt. Nắm bắt được điểm mấu chốt này nên việc chiết xuất tinh dầu từ cành, lá được xem là bước đầu trong quá trình đưa quế Thường Xuân bắt nhịp với thị trường. Dẫn tôi đi “mục sở thị” lò chiết xuất tinh dầu còn khá thủ công, ông Học lý giải: Cả lò đốt và công nghệ được chúng tôi mua và chuyển giao từ Yên Bái. Mặc dù khá thô sơ, song nó lại phù hợp với tình hình thực tế, bởi việc đầu tư công nghệ đại hiện vô cùng tốn kém. Hơn nữa, vùng nguyên liệu gần 400 ha, phần đa chưa đến tuổi thu hoạch sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn. Song, quan trọng hơn vẫn là tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, bởi tinh dầu quế Thường Xuân đang chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm cùng loại của Yên Bái, Quảng Nam vốn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Có lẽ cũng vì những khó khăn thường trực ấy mà sự hồi sinh loài “quế ngọc” từng một thời vang bóng sẽ còn rất gian nan. Thế nhưng ông Học cùng nhiều thành viên trong Hội sản xuất và kinh doanh quế Thường Xuân luôn có niềm tin vào khả năng sống dậy của vùng quế châu Thường. Để giữ danh tiếng của quế, thay vì cạnh tranh về giá, các hộ sản xuất và kinh doanh đang chú trọng trước tiên đến chất lượng tinh dầu . Từ độ sánh, màu sắc đậm đà, mùi thơm nồng đặc trưng và khả năng đặc biệt của nó trong việc giúp con người thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng mệt mỏi, chữa trị một số bệnh tật... chắc chắn, tinh dầu quế Thường Xuân có thể bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất. Tuy nhiên, để sản phẩm có thể tạo được chỗ đứng và dần mở rộng thị trường, thậm chí là xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, trong tương lai, việc đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng tinh dầu; đa dạng các sản phẩm từ quế như sản xuất bột quế làm hương liệu, gia vị, sản xuất đồ gia dụng từ gỗ... là điều không thể không được tính đến.

Dẫu biết không hề dễ, nhưng dường như tôi được người có tâm với cây quế truyền cho niềm tin để nhìn thấy những mùa quế “ngọt” không xa. Và chắc rằng, mối tình thắm thiết giữa đất và cây sẽ càng ngọt ngào, nồng ấm, bền chặt bởi hương quế, vị quế, tình quế đã thấm rất sâu trong lòng đất và đời người.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]