(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta hiện có 629.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập trong phát triển cây công nghiệp ở khu vực miền núi

Tỉnh ta hiện có 629.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Người dân xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) chăm sóc sắn.

Thêm vào đó, việc hình thành các nhà máy chế biến, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Mía đường Việt Nam - Đài Loan, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh,... chính là “đòn bẩy” để phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sự không ổn định của thị trường tiêu thụ sản phẩm đã ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân trong quá trình sản xuất. Nếu vụ trước giá thu mua sản phẩm cao thì vụ tiếp theo người dân lại ồ ạt mở rộng diện tích loại cây trồng đó không theo định hướng của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Hệ lụy là, năm tiếp theo sản lượng tăng đột biến, vượt xa so với công suất thu mua của các nhà máy chế biến.

Thực tế cho thấy, cây mía nguyên liệu được xem là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân. Song, những năm gần đây, cây mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đang phải chịu sự cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác, nhất là về diện tích và hiệu quả kinh tế. Trong niên vụ mía 2017-2018, toàn tỉnh có 24.967 ha, giảm 2.880 ha so với niên vụ 2016 – 2017. Ở nhiều địa phương, người nông dân còn không mặn mà với việc trồng, phát triển cây mía nguyên liệu. Trong tổng số diện tích mía nguyên liệu giảm, các hộ dân đã chuyển sang trồng rau màu, cây lâm nghiệp, dứa, cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi, cây gai xanh... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích này tập trung nhiều ở các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước...

Tương tự, đối với cây sắn, hiệu quả kinh tế đã được khẳng định trong một thời gian dài. Song, những tác động của thị trường khiến giá thu mua của nhà máy chế biến thấp, hiệu quả kinh tế không được như kỳ vọng. Niên vụ 2017-2018, các nhà máy thu mua sắn nguyên liệu với giá 2,2 triệu đồng/tấn, thời điểm cao nhất 2,5 triệu đồng/tấn, cao hơn niên vụ trước 1,4 triệu đồng/tấn nên bước vào niên vụ 2018-2019, nông dân ở nhiều huyện, như: Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước, Thường Xuân, Cẩm Thủy... đã ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp rủi ro. Bà Phạm Thị Hữu ở thôn Cò Mót, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc), cho biết: “Vì vụ trước giá sắn tăng cao, trong khi gia đình chỉ trồng 25 ha. Năm nay, gia đình đã mở rộng diện tích lên gần 40 ha, không biết đến thời điểm thu hoạch giá thu mua sẽ như thế nào?”. Được biết, niên vụ 2017 – 2018, diện tích trồng sắn của xã Phúc Thịnh khoảng 190 ha. Tuy nhiên, ở niên vụ này, tính đến cuối tháng 5, diện tích trồng sắn khoảng 300 ha. Bà Phạm Thị Hà, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Hiện tại, diện tích trồng sắn của huyện đã vượt qua con số 2.000 ha. Tại các xã, như: Phùng Giáo, Nguyệt Ấn, Kiên Thọ, Vân Am... diện tích tăng trung bình khoảng 30% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các hộ gia đình tự mở rộng diện tích trồng sắn, không tuân thủ theo khuyến cáo của cán bộ chuyên môn, cũng như chính quyền địa phương, tiềm ẩn nguy cơ “được mùa mất giá”.

Để phát triển các loại cây công nghiệp ở khu vực miền núi một cách bền vững, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Sở đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, tuyên truyền cho người dân nắm rõ quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh. Từ đó có kế hoạch phát triển hay thu hẹp diện tích các loại cây trồng nhằm bảo đảm được mối liên kết giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ diện tích cây công nghiệp trên địa bàn, đánh giá để làm rõ những mặt đạt được cũng như bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển các loại cây công nghiệp, từ đó có những đề xuất, điều chỉnh cần thiết. Đồng thời, tập trung quản lý chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp; khuyến cáo nông dân không tự ý mở rộng hay thu hẹp diện tích mà tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích hiện có, để nâng cao năng suất, chất lượng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, có biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc phát triển cây trồng ồ ạt, khuyến cáo và hướng dẫn người dân chuyển đổi các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]