(Baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán - “ngày hội văn hóa” lớn nhất của dân tộc Việt Nam, đây cũng chính là dịp để xứ Thanh quảng bá sâu rộng những nét văn hóa đặc sắc đến du khách thông qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Đến nay, cùng với các địa phương, một số khu, điểm du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, qua đó giúp du khách cảm nhận rõ hơn về một xứ Thanh đậm đà bản sắc.

Mang văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán - “ngày hội văn hóa” lớn nhất của dân tộc Việt Nam, đây cũng chính là dịp để xứ Thanh quảng bá sâu rộng những nét văn hóa đặc sắc đến du khách thông qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Đến nay, cùng với các địa phương, một số khu, điểm du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, qua đó giúp du khách cảm nhận rõ hơn về một xứ Thanh đậm đà bản sắc.

Mang văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách dịp Tết Nguyên đánKhu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden (Bá Thước) tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống dành cho du khách dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Năm nay là năm thứ 2 TP Thanh Hóa tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” vào dịp Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch, chương trình “Tết xưa làng cổ” Xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến 15/2 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: tổ chức ẩm thực; trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm đặc sản, nông sản và các sản phẩm OCOP TP Thanh Hóa tại khu vực “Chợ quê” (bên cạnh chùa Phạm Thông); tổ chức trò chơi, trò diễn dân gian như: bịt mắt đập nồi, cà kheo, chọi gà, ném còn, cờ tướng, cờ người, bịt mắt bắt dê, đá cầu, kéo co...; bố trí các điểm check-in mang đậm dấu ấn làng cổ Đông Sơn; thi chọi gà... Đặc biệt, năm nay, tại khuôn viên nhà cổ gia đình ông Lương Trọng Duệ sẽ tổ chức hoạt động “Ông đồ cho chữ ngày Tết”, dự kiến diễn ra từ ngày 11/2 đến 15/2/2024 (tức ngày 2 đến 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cho biết: “Thông qua chương trình “Tết xưa làng cổ” nhằm tạo một không gian vui chơi, trải nghiệm không khí tết cổ truyền của dân tộc, giúp cho du khách trải nghiệm không gian tết xưa điển hình của làng quê Bắc bộ. Mặt khác đây cũng là dịp để du khách, bạn bè quốc tế hiểu hơn về những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của Việt Nam tại làng cổ Đông Sơn. Chính vì vậy, các không gian sẽ được trang trí đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học, có điểm nhấn. Đối với các gian hàng tại chợ quê, chúng tôi yêu cầu phải là sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích Nhân dân làng cổ bày bán các sản phẩm tự làm ra, tự trồng được để kinh doanh phục vụ du khách tham quan đầu Xuân. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm phù hợp với ngày tết cổ truyền. Công tác trang trí cổng làng, tổ chức các không gian, điểm check-in, phường Hàm Rồng sẽ cố gắng hoàn thành xong trước ngày 25/1”.

Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống vốn quen thuộc ở hầu hết các làng quê, các huyện miền núi xứ Thanh lại có những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, mang bản sắc riêng dịp Tết Nguyên đán. Bởi vậy, đến với các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng dịp này, du khách không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, mà còn được hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc trong ngày tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mường, Mông,...

Tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), dự kiến sẽ đón lượng khách lớn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đặc biệt là khách quốc tế. Chính vì vậy, cùng với các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân tại địa phương, một số khu nghỉ dưỡng đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống phục vụ du khách trong dịp này. Ông Đỗ Đức Mạnh, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden cho biết: “Trong dịp tết cổ truyền, người Thái thường làm rất nhiều loại bánh và món ăn đặc trưng để dâng lên tổ tiên cũng như đãi khách. Trong đó, cá nướng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm đãi khách vào ngày tết của người Thái. Theo đó, chúng tôi chú trọng khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng, phong tục, tập quán truyền thống ngày tết để giới thiệu đến du khách. Và rất thuận lợi cho các khu nghỉ dưỡng tại đây, khi hầu hết nhân viên là người đồng bào Thái, thuận tiện cho việc tổ chức, hướng dẫn du khách trải nghiệm gói các loại bánh, giới thiệu món ăn truyền thống hay tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: nhảy sạp, đánh cồng chiêng, khua luống,... Đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chúng tôi sẽ tổ chức thường xuyên vào các buổi tối trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chúng tôi xác định, dịp tết cổ truyền chính là cơ hội để quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Thái, góp phần xây dựng điểm đến đậm đà bản sắc”.

Trong những năm gần đây, đông đảo du khách lựa chọn các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, cùng với các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự định hướng để việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giới thiệu những phong tục, tập quán tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thật sự ý nghĩa, chất lượng và đa dạng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhằm tránh để xảy ra tình trạng biến tướng, tổ chức sai lệch các hoạt động văn hóa, mê tín dị đoan từ những phong tục, tập quán vốn mang bản chất tốt đẹp của xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]