(Baothanhhoa.vn) - Nắm bắt nhu cầu thực tiễn cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong việc đồng hành phát triển kinh tế, đóng vai trò là điểm tựa giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.

Làm tốt vai trò “cầu nối” đưa doanh nghiệp về với nông dân, nông thôn

Nắm bắt nhu cầu thực tiễn cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong việc đồng hành phát triển kinh tế, đóng vai trò là điểm tựa giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.

Làm tốt vai trò cầu nối đưa doanh nghiệp về với nông dân, nông thônĐồng chí Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh và lãnh đạo huyện Thường Xuân thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Đại hội đại biểu HND huyện nhiệm kỳ 2023-2028.

"Luồng gió mới"

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp HND trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Hiện nay, HND tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng hệ điều hành tác nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực cho cán bộ hội các cấp; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của hội được cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử của hội. Các cơ sở hội đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho cán bộ, hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng 1.817 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị tại các địa phương, như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc...

Tại các hội nghị tập huấn công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản do HND tỉnh tổ chức, các hội viên, nông dân đã được hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản.

Bên cạnh đó, HND tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025” với mục tiêu ban đầu sẽ vận động được từ 4.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy hải sản để bán và giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của bưu điện (Postmart.vn/Agri-postmart.vn); xây dựng điểm quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân Thanh Hóa tại trung tâm hỗ trợ nông dân gắn với các sản phẩm của bưu điện; đã đưa 138 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh, cho biết: "Bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX, tổ hợp tác... cũng đã từng bước được áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.

Làm tốt vai trò “cầu nối”

Cùng với việc tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ tập trung đất đai, vay vốn các tổ chức tín dụng, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình, các dự án của Trung ương, của tỉnh, các hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp, HND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng và nhân rộng 2.251 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, sản xuất theo hướng trang trại, gia trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Bằng phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, các cấp hội đã phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 15.448 lớp cho 1.237.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển giao khoa học, công nghệ, sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, theo hướng VietGAP, VietGAHP và chuỗi sản xuất, cung ứng an toàn.

Thông qua các chương trình HND tỉnh đã hỗ trợ nhãn, bao bì cho sản phẩm OCOP trà xanh túi lọc của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); trực tiếp tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng 2 sản phẩm OCOP là nước cốt hoa quả và sản phẩm rượu dâu của Công ty TNHH Vận tải Ngọc Hoàn ở phường Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP); hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 26 sản phẩm của 25 đơn vị; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP.

HND tỉnh cùng với Trung ương HND Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho hàng trăm cán bộ, hội viên, nông dân, từ đó có nhiều hội viên, nông dân mạnh dạn thành lập, tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, HTX. Kết quả đã hỗ trợ, tư vấn thành lập 752 tổ hợp tác, 133 HTX, 300 doanh nghiệp, qua đó tạo sự liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, HND tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức triển khai cung ứng phân bón vô cơ, vi sinh, phân bón qua lá, chế phẩm sinh học cho hội viên, nông dân các huyện, thị xã, thành phố theo hình thức chậm trả, không lãi, giúp cho nông dân giải quyết khó khăn, thuận lợi khi chưa có vốn đầu tư để chăm sóc cây trồng kịp thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

Để phát huy được vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân, trong thời gian tới HND tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về tư duy sản xuất, ứng xử với môi trường, văn hóa nông thôn và thích ứng với điều kiện trong tình hình mới. Thực hiện tri thức hóa nông dân, thông qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp cho bà con nâng cao tri thức, kỹ năng về sản xuất, tư duy, về thị trường và các kỹ năng khác để có thể hòa nhập với yêu cầu trong tình hình thế giới hiện nay...

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]