(Baothanhhoa.vn) - Chiều 18 - 7, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Chiều 18 - 7, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự buổi gặp mặt có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh; các hiệp hội doanh nghiệp; Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, 90 doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics trong và ngoài tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, những năm qua, tỉnh Thanh Hoá quan tâm đầu tư xây dựng cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì vậy, UBND tỉnh mong muốn tranh thủ ý kiến của các doanh nghiệp để đề ra các giải pháp phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn; đồng thời, tạo thuận lợi và phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đại diện Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp báo cáo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, sau 13 năm xây dựng và phát triển, KKTNS đã và đang khẳng định là khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đến nay, KKTNS đã thu hút được 211 dự án đầu tư trong nước, 18 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, có một số dự án lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Liên Hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy giầy Annora, Nhà máy chế biến dầu ăn Muximas (Singapore)... Phát triển của KKTNS đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ. KKTNS có cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã có 19 bến đi vào hoạt động; trong đó, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa), có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP đầu tư khoáng sản Đại Dương, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp trọng tải đến 60.000 DWT; 4 cầu cảng tổng hợp Quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu Container có sức chở đến 3.500 TEU (tương đương trọng tải 30.0000 - 40.000 DWT)… Với những lợi thế, tiềm năng phát triển tại khu vực này và được sự ủng hộ của tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn CMA CGM, một hãng tàu vận tải Container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải Container Quốc tế đến Nghi Sơn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đã làm thủ tục cho 4.162 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, 17.441 lượt hành khách xuất nhập cảnh, 29.774 tờ khai. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,65 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đại diện lãnh đạo Công ty CMA – CGM Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tính từ thời điểm ngày đón chuyến tàu Container Quốc tế đầu tiên tới Cảng Nghi Sơn (8 – 5 - 2019), đến nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng Container qua cảng mới chỉ đạt 2.500 TEU, chưa tương xứng với năng lực tiếp nhận tàu của cảng. Nguyên nhân chủ yếu, các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là làm hàng gia công và sản xuất xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giầy da nên việc chỉ định giao hàng xuất nhập khẩu đến và đi tại cửa khẩu do đối tác nước ngoài quyết định. Hiện nay, lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn mới chủ yếu là hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu rất ít, mất cân đối về vỏ Container, dẫn đến hãng tàu phải chuyển vỏ Container từ nơi khác về và phát sinh chi phí. Cước vận chuyển đường bộ từ các nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến Cảng Nghi Sơn đang cao, chưa cạnh tranh và các doanh nghiệp vận tải tại tỉnh Thanh Hóa chưa mặn mà dẫn tới chi phí phát sinh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đại diện lãnh đạo Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn phát biểu tại hội nghị.

Ban quản lý KKTNS&CKCN đề nghị các doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động Logistics quan tâm, vì sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan và sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, nghiên cứu giảm thiểu thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian làm thủ tục thông quan để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Các hãng tàu biển, các chủ đầu tư cảng, các đơn vị hoạt động Logicstics nghiên cứu xây dựng đơn giá bảo đảm tính cạnh tranh nhất để giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp sao cho khi tham gia xuất nhập khẩu tại Cảng Nghi Sơn không vượt quá tổng chi phí khi tham gia tại các cảng khác trên cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hồng Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp phát biểu mong muốn các hãng tàu biển đưa tàu vào nhận hàng tại Cảng Nghi Sơn nhiều hơn và thông báo cho các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu biết để phối hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu. Cước phí bốc xếp hàng rời tại Cảng Nghi Sơn cao hơn nhiều so với Cảng Hải Phòng. Cước vận chuyển hàng hoá từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đi Cảng Nghi Sơn cũng còn cao vì doanh nghiệp xuất khẩu chưa đầu tư xe chuyên dùng chở Container. Tại các cảng ở Nghi Sơn có luồng sâu, cầu tàu thuận lợi cho hàng hoá thông qua cảng. Nhiều doanh nghiệp đã nhiều năm xuất khẩu hàng hoá qua Cảng Hải Phòng và hiện đã gửi công văn cho các đối tác nước ngoài để được xuất khẩu hàng hoá qua Cảng Nghi Sơn nhưng chưa nhận được trả lời. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hoá đến Cảng Nghi Sơn. Khi có nhiều hãng tàu vận tải biển, hàng hóa của các tỉnh trong khu vực đến Cảng Nghi Sơn thì chắc chắn chi phí sẽ giảm. Đồng thời, Cảng Nghi Sơn cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị để bốc xếp hàng hóa của các tàu có trọng tải lớn hơn hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Đại diện Hiệp hội Đá Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận tải hàng hóa. Thông qua trao đổi tại hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Từ nơi sản xuất trên địa bàn tỉnh đến Cảng Nghi Sơn gần; năng lực về hạ tầng cảng đã và đang được đầu tư ngày càng tốt hơn. Dịch vụ hải quan phục vụ tốt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, an ninh bảo đảm. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tâm lý, thói quen vận chuyển hàng hóa qua Cảng Hải Phòng, số lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng Nghi Sơn hiện còn ít nên khó tránh khỏi giá cước cao; mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu… Những vấn đề này đều giải quyết được, khi các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp nỗ lực. Tỉnh Thanh Hóa cam kết làm hết sức mình để Cảng Nghi Sơn có dịch vụ tốt nhất. Các doanh nghiệp chủ động đề xuất các đối tác nước ngoài để xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Những doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng phải có trách nhiệm đối với sự phát triển của tỉnh, với người lao động, để xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Tỉnh sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Ban quản lý KKTNS&CKCN, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics, định kỳ hàng tháng tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Logistics

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Đình Xứng đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể và 2 cá nhân của Công ty CMA – CGM Việt Nam vì có thành tích trong phát triển dịch vụ Logistics tại KKTNS.

Xuân Hùng


Xuân Hùng

Từ khóa: Xuất khẩu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]