(Baothanhhoa.vn) - Cùng chung “cảnh ngộ” với các doanh nghiệp (DN) trong nước, hiện nay, DN hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất nhập khẩu ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Xuất nhập khẩu ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn) đang thực hiện điều tiết nguyên liệu để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Cùng chung “cảnh ngộ” với các doanh nghiệp (DN) trong nước, hiện nay, DN hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Không chỉ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bị tồn đọng, dồn ứ, hàng loạt DN có nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài, kịch bản tăng trưởng của các DN có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.

Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa) có công suất thiết kế 100.000 tấn phân bón NPK cao cấp. Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 để sản xuất phân bón phục vụ chăm sóc cây trồng vụ chiêm xuân, đơn vị đã nhập khẩu số lượng nguyên liệu, phụ gia đủ để sản xuất 2 tháng. Mặc dù hiện nay, nguyên liệu đã về tới cửa khẩu, nhưng do phía đối tác cung ứng từ Trung Quốc chưa cung cấp đủ các thủ tục giấy tờ hành chính vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên số lượng nguyên liệu này vẫn chưa thể đưa về nhà máy để sản xuất. Ông Lê Hùng Mạnh, giám đốc công ty, cho biết: Không chỉ gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu và các vật tư sản xuất, đóng bao, đơn vị còn gặp khó do giá cước vận tải hàng hóa lên cao, nhất là giá cước vận tải vào khu vực các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân là do xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ngừng trệ nên các hãng xe ô tô vận tải khó thực hiện kết hợp vận chuyển hàng hóa 2 chiều.

Chịu tác động nặng nề hơn là các DN trong lĩnh vực may mặc, giày da. Do phụ thuộc đến 90% nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc nên khi các nhà máy tại nước này đóng cửa; đồng thời, Chính phủ 2 nước tạm thời đóng các cửa khẩu, tất cả các DN may mặc, giày da đều lâm vào cảnh khó khăn. Đại diện Công ty CP may Hoàng Tùng (Nông Cống), cho biết: Do 100% nguyên, phụ liệu nhập từ Trung Quốc nên hiện tại nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn hàng may mặc xuất khẩu đã được ký kết nhưng không thể nhập được nguyên liệu để sản xuất. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công nhân nhà máy sẽ phải nghỉ làm.

Không chỉ các DN nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước, tại các DN may mặc, giày da quy mô lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, tình hình cũng không khả quan hơn nhiều. Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn) hiện có 17 phân xưởng sản xuất với 12.000 công nhân. Để giải quyết khó khăn về nguồn nguyên liệu, đơn vị đang cố gắng để điều tiết sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng hành chính nhân sự của công ty, cho biết: Công ty đang thực hiện điều tiết nguyên liệu giữa các phân xưởng để cân đối việc làm cho công nhân. Ưu tiên sản xuất và giao hàng kịp thời cho các đơn hàng có tính mùa vụ. Thực hiện đàm phán kéo dài thời gian thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Đồng thời, nhập một số phụ kiện cần thiết, không quá cồng kềnh qua đường hàng không. Tuy nhiên, việc vận chuyển qua đường hàng không rất hạn chế vì chi phí đắt gấp 60 lần đường biển.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 200 DN trong lĩnh vực may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết ở thời điểm này, các DN đều đang gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ các đối tác Trung Quốc. Nhiều DN đã phải sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên. Hiệp hội cũng đã bàn bạc, định hướng cho các DN nghiên cứu, thay thế nguồn nguyên liệu từ các đối tác khác nhưng gặp khó khăn do giá thành cao hơn làm tăng các chi phí đầu vào, trong khi các đơn hàng đã được ký kết và thống nhất về giá. Bên cạnh đó, với các công ty may gia công, chủ hàng là đối tác Trung Quốc hiện chưa sang được Việt Nam hoặc đang bị cách ly do dịch bệnh COVID-19, cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các DN. Hơn nữa, phần lớn các DN may mặc trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nên thường ký kết các đơn hàng ngắn hạn, chủ yếu là 3 tháng. Nếu phía đối tác Trung Quốc ngừng ký hợp đồng may gia công, DN tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa.

Không chỉ ảnh hưởng đến các ngành may mặc và công nghiệp, các DN trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng đang chịu tác động mạnh do hoạt động xuất nhập khẩu bị ngưng trệ. Theo thông tin từ Sở Công Thương, hàng năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh sang Trung Quốc đạt khoảng 64 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 61.000 tấn tinh bột sắn, 2.200 tấn cói nguyên liệu, 13.000 tấn thủy sản... Tuy nhiên hiện nay, nhiều mặt hàng đang bị tồn kho, dồn ứ.

Được biết, để ứng phó với những hệ lụy do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các DN, hiệp hội trong tỉnh cũng đã có bước chủ động để ứng phó. Tuy nhiên, với các DN nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, việc nhập khẩu thay thế các nguyên, phụ liệu, linh kiện từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc gặp khó do giá thành cao hơn. Hơn nữa, đa phần các DN xuất khẩu trong tỉnh thực hiện sản xuất gia công, ít DN sản xuất theo hình thức tự thiết kế - sản xuất và bán thành phẩm nên việc thay đổi nguyên liệu còn phụ thuộc vào phía đơn vị đặt hàng. Các DN đều kiến nghị, Chính phủ và các ban, ngành của tỉnh vào cuộc sớm kiềm chế dịch, đồng thời nghiên cứu các giải pháp hợp lý trong hoạt động giao thương.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]