(Baothanhhoa.vn) - Khoảng 5 năm trở lại đây, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được Bộ Giao thông – Vận tải đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam về đầu tư hạ tầng. Những cầu cảng hiện đại có thể đón tàu tải trọng lớn của thế giới, nhưng lượng hàng hóa qua đây còn khá khiêm tốn. Ngoài những thành công ban đầu, cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề liên quan khiến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cảng chưa được như kỳ vọng để có những giải pháp khắc phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn: Nhìn thẳng những tồn tại, yếu kém vì sự phát triển lâu dài

Khoảng 5 năm trở lại đây, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được Bộ Giao thông – Vận tải đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam về đầu tư hạ tầng. Những cầu cảng hiện đại có thể đón tàu tải trọng lớn của thế giới, nhưng lượng hàng hóa qua đây còn khá khiêm tốn. Ngoài những thành công ban đầu, cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề liên quan khiến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cảng chưa được như kỳ vọng để có những giải pháp khắc phục.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn: Nhìn thẳng những tồn tại, yếu kém vì sự phát triển lâu dài

Bốc xếp hàng hóa qua Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất tại Việt Nam. Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 64 bến, trong đó có 12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng. Đến thời điểm hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động. Trong số đó, hiện đại bậc nhất hiện nay có 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU, tương đương trọng tải 30.000 đến 40.000 DWT.

Ngoài ra, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa với khả năng tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT. 3 cầu cảng tổng hợp khác của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp đến 60.000 DWT.

Một số công ty lớn đang phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 cũng có các cảng chuyên dụng riêng. Các doanh nghiệp này vẫn đón những tàu lớn từ các đối tác quốc tế để xuất - nhập khẩu hàng hóa theo định kỳ.

Với các điều kiện hiện tại về cơ sở kỹ thuật, Cảng Nghi Sơn có thể đáp ứng được nhu cầu xếp dỡ, vận chuyển container qua cảng với sản lượng lên tới 5.000 TEU/tháng, tương đương 60.000 TEU mỗi năm. Bước ngoặt quan trọng cho phát triển hệ thống Cảng Nghi Sơn là từ tháng 5–2019, Tập đoàn CMA – CMG (Cộng hòa Pháp) – tập đoàn lớn thứ 3 thế giới hiện nay về vận chuyển container quốc tế, đã quyết định mở hoạt động logistics đến Nghi Sơn. Tập đoàn đã đưa các chuyến tàu container đến với Cảng Nghi Sơn trong hải trình, gồm: Hồng Kông – Nansha – Hải Phòng – Nghi Sơn – Trạm Giang – Hồng Kông. Hàng hóa từ Nghi Sơn sẽ trung chuyển đến các cảng lớn nói trên, sau đó được tiếp tục vận tải đi khắp châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á theo hải trình riêng của hãng.

Trên thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa mang lại nguồn thu ngân sách Nhà nước lớn. Thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nghi Sơn, trong năm 2019, có 121 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn với tổng kim ngạch giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 4,37 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước 9.350 tỷ đồng. 9 tháng năm 2020, có 117 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu 4,13 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hàng container qua Cảng Nghi Sơn, đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa tính hàng rời và hàng tổng hợp. Thống kê từ Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2019 có 32 chuyến tàu container quốc tế cập Cảng Nghi Sơn với lượng hàng hóa được vận chuyển đạt hơn 8.583 TEU. Trong 9 tháng năm 2020, đã có 24 chuyến tàu container cập cảng với lượng hàng hóa qua cảng hơn 6.400 TEU, nộp ngân sách Nhà nước hơn 305 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần nhìn vào một thực tế là, tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu của Thanh Hóa và các tỉnh lân cận đến với Cảng Nghi Sơn là còn khá khiêm tốn so với doanh nghiệp đến với Cảng Hải Phòng. Đơn cử như trong 9 tháng năm 2020, trong tổng số 117 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn thì chỉ có 48 doanh nghiệp trong tỉnh và 11 doanh nghiệp trong tỉnh xuất nhập khẩu thường xuyên.

Theo khảo sát thực tế và tổng hợp từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, nguyên nhân chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, chủ yếu là: chi phí vận chuyển đường biển qua Cảng Nghi Sơn còn cao hơn tại các cảng biển của Hải Phòng, Quảng Ninh; các dịch vụ logistics kèm theo tại Nghi Sơn còn thiếu và yếu, mới chỉ có 1 hãng tàu khai thác vận chuyển container nên số chuyến ít, làm tăng thời gian và chi phí lưu kho bãi, tăng chi phí qua các cảng phụ...

Phải vận chuyển hàng hóa xa hơn 200 km, sao họ không chọn Cảng Nghi Sơn thay vì phải ra tận Cảng Hải Phòng? Còn những trở ngại nào của các khâu liên quan dẫn đến doanh nghiệp chưa mặn mà xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn? Cần phải thẳng thắn nêu ra những nguyên nhân để các sở, ban, ngành liên quan và tỉnh có hướng khắc phục.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Chỉ 10% đá ốp lát xuất khẩu của Thanh Hóa qua Cảng Nghi Sơn

Thanh Hóa có nguồn đá ốp xuất khẩu khá lớn, khách hàng nhiều nước đã biết và đã xuất khẩu với số lượng lớn. Hiện nay, Hiệp hội đá Thanh Hóa vẫn xuất khẩu đều đi các nước châu Âu, nhất là xuất khẩu đi Bỉ bằng đường biển.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn: Nhìn thẳng những tồn tại, yếu kém vì sự phát triển lâu dài

Hiện nay, khoảng 10% đá xuất khẩu của Thanh Hóa đã qua Cảng Nghi Sơn, còn khoảng 90% vẫn qua Cảng Hải Phòng. Nếu chúng tôi xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn với quãng đường vận chuyển khoảng 60 km, trong khi đó đến Cảng Hải Phòng tới hơn 200 km. Tuy nhiên, dịch vụ xe đầu kéo container ở Thanh Hóa chưa phát triển nên phí khá cao. Cụ thể, xe kéo 1 container đá từ huyện Đông Sơn đến Cảng Nghi Sơn chỉ khoảng 60 km, chi phí 4,5 đến 5 triệu đồng. Nhưng nếu gọi xe kéo từ Hải Phòng vào Thanh Hóa để chở 1 container đá ra Cảng Hải Phòng cũng chỉ hết 7 triệu đồng. Tuy giá vận chuyển có cao hơn một chút, nhưng đổi lại, cước tàu vận chuyển từ Hải Phòng đi Bỉ lại rẻ hơn 300 USD so với cước tàu từ Nghi Sơn đi Bỉ. Xét tổng các chi phí, nếu xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn vẫn cao hơn qua Cảng Hải Phòng 200 USD/container 10m3.

Chúng tôi luôn ủng hộ tỉnh nhà, nhưng các doanh nghiệp thành viên họ tính toán, yêu cầu phải xuất qua Cảng Hải Phòng

Ông Nguyễn Văn Thọ

Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa

Đang tìm nhiều cách để giảm giá dịch vụ bốc xếp hàng hóa qua cảng

Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn của Công ty Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn chính là nơi đón các chuyến tàu container quốc tế của Tập đoàn CMA – CMG (Cộng hòa Pháp) đến để xuất – nhập khẩu hàng hóa qua cảng từ tháng 5–2019. Qua hãng tàu, hàng hóa từ cảng của chúng tôi đã được vận chuyển đến 86 cảng của 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, hiện nhiều doanh nghiệp của các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên cũng xuất khẩu hàng hóa qua cảng của chúng tôi.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn: Nhìn thẳng những tồn tại, yếu kém vì sự phát triển lâu dài

Trước khi có hãng tàu container quốc tế, công ty đã rất nỗ lực kêu gọi các hãng tàu về, chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Cụ thể, công ty không thu phí hạ tầng với các hãng tàu, giảm 65% phí dịch vụ nâng hàng so với mức phí tại Cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, tổng phí dịch vụ qua cảng hiện tại vẫn còn cao hơn so với Cảng Hải Phòng một chút. Nguyên nhân chính là dịch vụ tàu lai dắt cao. Bởi lẽ, hiện công ty chỉ có 2 tàu lai dắt nhưng loại công suất lớn, trong khi nhiều chuyến tàu hàng đến lại là tàu vừa và nhỏ, công ty chưa có tàu lai dắt nhỏ phù hợp nên dùng tàu lớn, ắt giá cao. Còn tại Hải Phòng, loại tàu hàng nào, họ có loại tàu lai dắt phù hợp nên giảm được giá dịch vụ này. Hiện, công ty đang tìm nhiều cách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua cảng.

Ông Phan Đào Vũ

Chủ tịch HĐQT Công ty Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn

Mật độ tàu đến còn thưa nên không bảo đảm thời gian trả hàng cho khách

Tập đoàn Hung Fu (Đài Loan) có 11 nhà máy sản xuất tại tỉnh Thanh Hóa, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển rất lớn. Mỗi năm, doanh nghiệp xuất và nhập khẩu cả chục nghìn container hàng hóa bằng đường biển, nhưng chủ yếu qua Cảng Hải Phòng. Từ giữa năm 2019 đến nay mới xuất 3 chuyến qua Cảng Nghi Sơn.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn: Nhìn thẳng những tồn tại, yếu kém vì sự phát triển lâu dài

Là đơn vị gia công hàng may mặc, giầy da cho các hãng lớn trên thế giới nên 100% sản phẩm được xuất khẩu. Hàng xuất đến các đối tác phải đúng thời gian. Nhưng tại Cảng Nghi Sơn, do mật độ tàu đến còn thưa nên không thể bảo đảm thời gian trả hàng được. Trong khi đó, tại Cảng Hải Phòng, hầu như ngày nào cũng có tàu đi bởi họ có rất nhiều hãng tàu khai thác. Hơn nữa, khi đến với Cảng Hải Phòng, doanh nghiệp tận dụng được 2 chiều của hãng tàu nên giá rẻ hơn. Có nghĩa, doanh nghiệp mang hàng ra xuất, đổi vỏ container và nhận luôn nguyên liệu nhập khẩu về. Trái lại, tại Cảng Nghi Sơn do chưa có các đường hàng hải trực tiếp đến những nơi doanh nghiệp yêu cầu nên xuất hàng hoặc nhập nguyên liệu về cũng chỉ 1 chiều dẫn đến chi phí cao hơn.

Đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp rất muốn đóng góp cho tỉnh Thanh Hóa nguồn thuế xuất – nhập khẩu, muốn đưa hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, vì yêu cầu của phía đối tác nên tạm chờ Cảng Nghi Sơn phát triển hơn nữa, nhiều hơn nữa các dịch vụ liên quan.

Bà Lê Thị Thúy

Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Hung Fu


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]