(Baothanhhoa.vn) - Duy trì ổn định thị trường cũ bằng uy tín, chất lượng sản phẩm, nỗ lực tìm kiếm và chinh phục thị trường mới, vận dụng linh hoạt những hiệp định thương mại đã ký kết, năm 2018, xuất khẩu (XK) của tỉnh tiếp tục đạt được những bước phát triển ấn tượng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng

Duy trì ổn định thị trường cũ bằng uy tín, chất lượng sản phẩm, nỗ lực tìm kiếm và chinh phục thị trường mới, vận dụng linh hoạt những hiệp định thương mại đã ký kết, năm 2018, xuất khẩu (XK) của tỉnh tiếp tục đạt được những bước phát triển ấn tượng.

Công nhân Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn bốc xếp xi măng đưa đi xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 135 doanh nghiệp tham gia thị trường XK. Năm 2018 cũng là thời điểm đánh dấu sự tham gia của các mặt hàng XK mới là: Benzen; P-xylen; lưu huỳnh dạng hạt và xăng A5. Theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương, kim ngạch hàng hóa XK năm 2018 trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 2.764,6 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ và tăng 41,8% so với kế hoạch năm. Cùng với sự năng động của các DN trong việc hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh, các quyết sách ưu đãi cho lĩnh vực XK và thủ tục hành chính linh hoạt... là những điều kiện tiên quyết, tạo động lực cho các mặt hàng XK trong tỉnh thuận lợi trên lộ trình phát triển.

XK hàng hóa may mặc, giầy dép hiện vẫn là những lĩnh vực chiếm ưu thế trong kim ngạch XK tỉnh ta. Ngoài các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN trong nước cũng không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực quản trị, năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước đã và đang chủ động nghiên cứu, chuyển đổi, tìm kiếm khách hàng để thực hiện XK trực tiếp. Theo thống kê, 11 tháng năm 2018, toàn tỉnh XK được 209,184 triệu sản phẩm may mặc, tăng 30,9% so với cùng kỳ; XK giầy dép đạt 88,124 triệu đôi, tăng 41,8% so với cùng kỳ.

Là một trong những DN dẫn đầu kim ngạch XK toàn tỉnh trong nhiều năm qua, giá trị hàng hóa XK của Tổng Công ty Tiên Sơn đạt tới con số hàng trăm triệu USD/năm. Trước những biến động và cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, Tổng Công ty Tiên Sơn luôn đưa ra những chiến lược riêng của đơn vị mình. Ông Trịnh Văn Dương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tiên Sơn, chia sẻ: Với thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, uy tín trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và tiến độ hợp đồng là yếu tố hàng đầu. Do đó, đơn vị luôn chú trọng tới việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động, không ngừng đầu tư ứng dụng công nghệ mới trong may mặc để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thương trường. Tại Công ty DG Win Việt Nam (công ty con của đơn vị), đơn vị đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, như: Máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình, máy dò kim... Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của toàn công ty nhằm quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc. Hiện nay, hệ thống nhà máy của Tổng Công ty Tiên Sơn đã phát triển lên con số 11. Sản phẩm may XK của Tổng Công ty Tiên Sơn đã có mặt tại 15 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm hơn 90%, giải quyết việc làm cho hơn 11.000 lao động.

Nhờ xây dựng các giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu, năm 2018, các DN sản xuất hàng hóa thủy sản XK cũng đạt được những bước tăng trưởng khá. Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn), những ngày cuối năm, không khí lao động khẩn trương đang bao trùm các phân xưởng sản xuất. Đại diện đơn vị cho biết, từ năm 2017 đến nay, nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu ngao ổn định nên công ty đã chủ động được cả về số lượng và chất lượng hàng hóa phục vụ XK. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2018 là sản xuất 12.000 tấn sản phẩm XK, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng. Bước sang năm 2019, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, chinh phục những thị trường mới để mở rộng thị trường.

Có thể nói, năm 2018 cũng đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch XK đối với mặt hàng xi măng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 16,61 triệu tấn/năm. Sự quan tâm tìm kiếm thị trường và đơn hàng XK là một trong những giải pháp được các nhà máy đẩy mạnh nhằm giảm áp lực tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ước tính, XK xi măng đạt hơn 500.000 tấn, tăng 77,3% so với cùng kỳ.

Những năm trước đây, lĩnh vực sản xuất đá XK thường xuyên gặp khó khăn. Ngoài những biến động của thị trường tiêu thụ thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do các DN sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, một số công ty khai thác đá lớn đã đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất đá mới bằng công nghệ cắt kim cương. Tại Công ty CP Phú Thắng, Công ty TNHH Xuân Trường (huyện Yên Định), các đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng công nghệ này. Không chỉ bảo đảm an toàn lao động, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên do không khai thác đá gốc, ưu điểm nhất của công nghệ này là thành phẩm đá không bị rạn nứt; đồng thời, cho phép xẻ những khối đá có quy cách, kích thước và độ liền khối chuẩn, đạt yêu cầu XK, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, để đạt được kết quả trên, bên cạnh những thuận lợi về thị trường XK, phải đánh giá cao sự nỗ lực của các DN trên địa bàn tỉnh trong việc thay đổi tư duy, đầu tư xứng đáng cho việc đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường. Sản phẩm hàng hóa XK ngày càng được đa dạng hóa, chất lượng hàng hóa XK tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững. Cơ cấu thị trường XK cũng có những chuyển biến tích cực và đang có xu hướng dịch chuyển dần sang các thị trường khó tính nhưng có tính ổn định cao, như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, XK hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và còn tồn tại nhiều hạn chế, đó là: Quy mô của các doanh nghiệp XK vẫn còn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp còn yếu cả về vốn, năng lực quản trị, khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, lại có nhiều doanh nghiệp XK có năng lực, sản phẩm tốt, thị trường XK tiềm năng nhưng lại thiếu nguyên liệu để sản xuất, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, hạ giá thành còn chậm. Kim ngạch xuất khẩu thu được từ sản xuất gia công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của tỉnh. Nhiều mặt hàng XK truyền thống, như: Cói nguyên liệu, cao su, than tre luồng gặp khó do thị trường không ổn định, giá cả biến động...

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong những năm tới, tỉnh và các cấp, các ngành có liên quan cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tiếp cận với các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, xây dựng, đăng ký các sản phẩm XK mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết nhằm trang bị kiến thức cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại quốc tế. Hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế do các hiệp định thương mại đa phương và song phương để có lộ trình chuẩn bị, thực hiện XK trực tiếp hàng hóa nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]