(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng từ nhiều năm nay, hoạt động đánh bắt cá bằng kích điện vẫn diễn ra và công khai ở nhiều địa phương. Ngoài việc tận diệt nguồn thủy sinh, hành vi này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xử phạt nghiêm hành vi đánh bắt cá bằng kích điện

Mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng từ nhiều năm nay, hoạt động đánh bắt cá bằng kích điện vẫn diễn ra và công khai ở nhiều địa phương. Ngoài việc tận diệt nguồn thủy sinh, hành vi này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.

Người dân đánh cá bằng kích điện, có tính hủy diệt, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Theo chân anh L.M.T., một ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên dòng sông Mã, tôi cùng một người bạn lên chiếc thuyền gỗ gắn máy bắt đầu buổi trải nghiệm thực tế. Trong suốt 3 tiếng đồng hồ men theo dòng sông với độ dài khoảng 6 km, chúng tôi được tận mắt chứng kiến công việc “kiếm cơm” của người đàn ông đã có 20 năm làm nghề. Theo quan sát, công việc hàng ngày của anh T. tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì cộng với những kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm làm nghề để có thể nhận định đoạn sông nào có nhiều cá, thời tiết nào phù hợp với từng loại sinh vật để có thể đánh bắt hiệu quả cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế. Vừa đi vừa quan sát, thỉnh thoảng, anh T. lại cho thuyền dừng lại, tay bật công tắc cho bình ắc quy hoạt động, nhanh chóng cầm chiếc cần đặt xuống mặt nước. Điện từ bộ kích truyền xuống nước làm cho những con cá nhỏ, con tôm bị điện giật chết ngay lập tức, còn những loài to hơn thì nổi lờ đờ trên mặt nước. Lúc này, người chủ thuyền lấy chiếc vợt thu gom “chiến lợi phẩm” một cách dễ dàng. Mỗi lần anh T. dừng thuyền là chiếc chậu lại được bổ sung thêm một lượng tôm, cá. Đưa mắt nhìn ra xa, anh T. cho biết: Anh theo nghề sông nước từ khi mới 10 tuổi nên rất hiểu về con sông này. Trước đây, dòng sông này nhiều cá, tôm, việc đánh bắt cũng dễ dàng chỉ với vài thứ đồ nghề đơn sơ. Nhưng bây giờ, do người đánh bắt ngày càng nhiều, cách khai thác bằng các “biện pháp mạnh”, cộng với môi trường sống của các sinh vật ngày càng bị ô nhiễm từ nước thải trong các khu dân cư và các nhà máy nên số lượng các loài sinh vật đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên vì đã dày dạn kinh nghiệm nên mỗi ngày anh cũng bắt được từ 3 đến 4 cân cá, tôm các loại, bán được khoảng 200 – 300.000 đồng. Tôi hỏi: “Anh đánh bắt bằng dụng cụ kích điện bao nhiêu năm nay mà không bị ai kiểm tra sao?”, anh T. cười hồn nhiên: “Biết công việc của mình là vi phạm thật đấy nhưng đây là nghề kiếm cơm nuôi vợ con từ bao năm nay rồi, nếu bỏ thì lấy gì cho con ăn học nên đành làm liều vậy thôi. Mỗi khi thấy công an đi tuần thì anh em làm nghề lại “nháy” nhau cất giấu đồ nghề, đợi khi đoàn đi qua mới tiếp tục công việc”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có thống kê cụ thể về số lượng người khai thác thủy sản bằng kích điện, nhưng con số này chắc chắn không nhỏ. Ven các con sông, dọc theo bờ mương, kênh hay trên khắp các cánh đồng, không khó để bắt gặp những người đàn ông đeo trên lưng bộ phận kích điện chứa trong một chiếc can nhựa, tay cầm cần tre, lúi húi săn cá. Đặc biệt, những đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua đã gây lụt tại một số địa phương trong tỉnh, khiến cho nhiều ao hồ của các hộ dân bị ngập, cá tràn ra ngoài sông, hồ, kênh, tạo cơ hội cho nhiều người dân sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Thành (Hoằng Hóa), cho biết: Trước đây, trên những con kênh, cánh đồng quê ông có rất nhiều cá trắm, chép, tôm, tép nhưng đến nay thì ít hẳn. Người đi đánh kích dễ dàng trang bị đồ nghề vì chỉ cần đầu tư năm, bảy trăm nghìn đồng mua thiết bị là có thể tự chế ra được bộ sản phẩm để hàng ngày kiếm sống. Với một bình ắc quy khoảng 12V gắn với bộ kích điện lên 220V; hai cần tre, một cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm là đã có bộ kích điện hoàn chỉnh để hành nghề. Khi đưa hai cần xuống nước sẽ xảy ra hiện tượng xung điện khiến các sinh vật trong bán kính 1,5 - 2 m sẽ bị điện giật chết, với những con còn sống thì bị tổn thương không thể tiếp tục sinh trưởng, sinh sản được nữa. Không những thế, những thiết bị này còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người nhưng bản thân họ lại không hề trang bị cho mình đồ bảo hộ lao động dù là đơn giản nhất.

Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản. Điều 15 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12-9-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện.

Đánh bắt thủy sản bằng kích điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng này là hệ quả của việc coi thường pháp luật, thái độ chủ quan, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của chính mình và môi trường tự nhiên xung quanh. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động để những người hành nghề từ bỏ kiểu đánh bắt tận diệt. Đồng thời, cần quyết liệt trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để sớm ngăn chặn triệt để những hành vi phạm pháp này.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]