(Baothanhhoa.vn) - Một đồng một giỏ, không bỏ nghề muối”, câu nói đã lưu truyền bao đời nay của diêm dân như một minh chứng về sự gắn bó máu thịt với nghề truyền thống. Thế nhưng, nghề muối vất vả, cực nhọc mà hiệu quả thu về chẳng đáng là bao khiến diêm dân dù day dứt với nghề vẫn đành từ bỏ, mong muốn được chuyển đổi sang nghề khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa vựa muối, diêm dân về đâu?

Một đồng một giỏ, không bỏ nghề muối”, câu nói đã lưu truyền bao đời nay của diêm dân như một minh chứng về sự gắn bó máu thịt với nghề truyền thống. Thế nhưng, nghề muối vất vả, cực nhọc mà hiệu quả thu về chẳng đáng là bao khiến diêm dân dù day dứt với nghề vẫn đành từ bỏ, mong muốn được chuyển đổi sang nghề khác.

Bà Trương Thị Đa, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, vẫn gắn bó với nghề muối để mưu sinh.

Nhọc nhằn nghề muối

Vào giữa trưa gắt nắng, cánh đồng muối Nam Tiến, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) thấp thoáng vài người đang miệt mài múc nước mặn tưới lên những thửa ruộng làm muối. Con đường đi vào cánh đồng muối Nam Tiến được đổ bê tông sạch đẹp. Hai bên đường là những vựa muối trắng tinh, dưới ánh nắng, những hạt muối lóng lánh như ánh bạc. Thế nhưng, đằng sau đó là những nỗi nhọc nhằn của diêm dân, họ đang đổi mồ hôi lấy vị mặn cho đời.

“Nghề làm muối vất vả, cực nhọc lắm! cứ ngày nào nắng to mới làm được muối nên diêm dân cũng quắt queo dưới cánh đồng muối!” - ông Đào Văn Kiên, vừa múc nước tưới lên những thửa ruộng muối vừa nói. Ông Kiên là đội trưởng đội sản xuất muối kiêm công nhân vận hành thủy lợi cho thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc. Gia đình ông có 1.700m2 đất làm muối. Từ nhỏ, giống như nhiều đứa trẻ khác ở làng, ông đã theo cha, mẹ ra đồng làm muối. Đến nay, ông đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề muối. Có lẽ vì công việc làm muối nhiều vất vả khiến tấm lưng gầy của ông còng xuống, nước da đen sạm, bàn tay chai sạn, gân guốc.

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, ông Kiên cho biết: Người dân Hòa Lộc bao đời chỉ biết trông cậy vào muối để mưu sinh. Biết bao thế hệ đã lớn lên và trưởng thành cũng nhờ muối. Trước đây, khi muối công nghiệp chưa phát triển, giá muối biển thô cao hơn, nhờ vậy, người dân có thu nhập hơn. Vài năm lại đây, giá muối thấp, năng suất sản xuất cũng thấp khiến cuộc sống của người dân khó khăn. Công sức bỏ ra nhiều, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế thấp khiến nhiều diêm dân đành bỏ nghề. Nhiều cánh đồng muối bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Cũng vì thế mà ngày nay, thế hệ trẻ không còn tha thiết với nghề, họ đi làm ăn xa, hoặc tìm kiếm một công việc khác có thu nhập ổn định hơn. Trên đồng muối chỉ còn những người già, nuối tiếc nghề cha ông để lại mà cố gắng duy trì.

Một mình cần mẫn bên ruộng muối của gia đình, bà Trương Thị Đa, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, vẫn không nghỉ tay khi trò chuyện với chúng tôi. Gia đình bà Đa có 3 người con trước đây cũng tham gia làm muối, nhưng do nghề muối không đảm bảo đời sống nên hiện các con bà đều bỏ nghề đi làm ăn xa. Hiện nay, có một mình bà đảm nhiệm làm 700 m2 đất sản xuất muối. Vào ngày mùa, tháng 4, tháng 5, bà Đa sản xuất được 100 kg muối/ngày với giá muối 1.500 đồng/kg. Còn dịp tháng 9, 10, là mùa mưa, nên phải “canh nắng”. Hôm nào có nắng to mới lại ra đồng, nhưng cũng chỉ 2, 3 ngày mới thu được 50 kg muối do mưa nhiều, nước biển giảm độ mặn nên năng suất kém hơn chính vụ. Gặp hôm trời mưa bất chợt vào giữa buổi, lại mất trắng không thu được hạt muối nào. Tuy sản xuất khó khăn hơn nhưng giá muối cũng cao hơn ngày mùa với 1.700 đồng/kg muối.

Khác với diêm dân xã Hòa Lộc, diêm dân xã Hải Bình (Tĩnh Gia) lại không thể sản xuất muối trên diện tích đất làm muối của gia đình. Nguyên nhân là do nhiều năm nay cánh đồng muối nơi đây bị ảnh hưởng từ các công ty chế biến hải sản khiến ô nhiễm môi trường, nguồn nước sản xuất muối không còn. Cánh đồng muối bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, thôn Tân Hải, xã Hải Bình, chia sẻ: Gia đình ông có 1.600 m2 đất làm muối. Từ năm 2010, gia đình đã không thể làm muối, đất bỏ hoang, mỗi năm gia đình được hỗ trợ tiền sản xuất hơn 7 triệu đồng. Số tiền này, không đủ để chi phí cho sinh hoạt gia đình. Không làm muối, hai ông bà tuổi cũng đã cao, không thể xin được việc khác để làm nên đành mở một quán bán hàng nhỏ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Không sản xuất được, cơ quan chức năng cũng chưa có kế hoạch thu hồi bồi thường đất cho dân khiến hàng chục ha đất bỏ hoang gây lãng phí. Nhìn cánh đồng muối bao đời bỏ hoang, chúng tôi xót lắm. Trong xu hướng phát triển kinh tế mới của xã hội, người dân chúng tôi ủng hộ việc chuyển đổi nghề. Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng lấy đất, bồi thường để người dân yên tâm chuyển đổi nghề nghiệp, thế nhưng đã nhiều năm nay, vẫn chưa có thay đổi gì”- ông Hùng nói.

Không chỉ cánh đồng muối Hải Bình, khu vực cánh đồng muối 59 ha tại 2 xã Hải Hà, Hải Thượng (Tĩnh Gia), hiện cũng không sản xuất được từ năm 2014 đến nay. Nhằm hỗ trợ các diêm dân giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ năm 2014-2015, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân sản xuất muối tại hai xã này.

Diêm dân loay hoay chuyển đổi nghề

Xen lẫn cánh đồng muối bát ngát của xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) là những đầm nuôi trồng thủy hải sản của các hộ dân đã chuyển đổi từ đất làm muối. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nghề muối trước đây. Thế nhưng, chi phí ban đầu không nhỏ, khiến nhiều hộ dân “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, tỉnh cũng chưa có cơ chế hỗ trợ đối với diêm dân tự nguyện chuyển đổi nghề nghiệp.

Tại Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, về quy hoạch phát triển diêm nghiệp, quyết định nêu rõ: Giai đoạn 2016 - 2020: Duy trì diện tích sản xuất muối 208,45 ha (Hậu Lộc 132,72 ha và Tĩnh Gia 75,73 ha); sản lượng 19 ngàn tấn/năm, trong đó muối sạch chiếm từ 30 - 70%. Sau năm 2020 đầu tư chuyển đổi toàn bộ diện tích đồng muối sang nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả và thu nhập cho diêm dân. Hỗ trợ đào tạo để người dân có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản và lao động trong các ngành nghề khác.

Anh Đào Văn Thi, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc cũng đã thực hiện chuyển đổi 2.600 m2 đất làm muối của gia đình và thu mua thêm 6.000 m2 đất của các hộ dân khác để chuyển sang nuôi tôm và cá từ đầu năm 2017. Thời gian đầu mới chuyển đổi, anh Thi chỉ làm bán công nghiệp (đào ao, bạt bờ để nuôi tôm, cá) với chi phí ban đầu 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, cuối năm 2017, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển sang mô hình nuôi tôm, cá công nghiệp với vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình anh thu nhập được khoảng 600 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ mọi chi phí. So với làm muối, việc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Anh Thi cho biết: Trước kia một ngày làm muối cật lực với 12 tiếng, hai lao động chỉ được 300 nghìn đồng, một năm chỉ sản xuất 5 tháng. Trong khi, nuôi trồng thủy sản, những người công nhân làm thuê cho các đầm tôm cũng có thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng (trừ chi phí ăn uống), lại có việc làm cả năm. Tuy nhiên, khó khăn khi chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản là yêu cầu nguồn vốn lớn, có kỹ thuật... Bên cạnh đó, hiện nay người dân cũng chỉ đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có nguồn thu mua ổn định.

Đất đai của các hộ diêm dân manh mún, nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư để đào ao, cải tạo đồng ruộng cần kinh phí đầu tư lớn, trong khi đó, điều kiện kinh tế nhiều hộ dân rất khó khăn. Bà Trương Thị Đa, chia sẻ: Để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cần có vốn hàng trăm triệu đồng. Điều kiện kinh tế khó khăn, lại có mình tôi ở nhà, tôi không thể thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất này. Bên cạnh đó, đất sản xuất muối đã lâu năm bị nhiễm mặn nặng cũng không thể chuyển đổi sang đất nông nghiệp được. Nếu sau này xóa bỏ nghề muối, tôi cũng chưa biết làm gì để sinh sống vì tuổi đã cao, sẽ rất khó khăn để kiếm một công việc.

Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, cho biết thêm: Nghề muối là nghề truyền thống lâu đời của người dân Hòa Lộc. Nơi đây, từng là lá cờ đầu của tỉnh về sản lượng sản xuất muối. Thế nhưng, từ năm 2000 đến nay, giá muối xuống thấp, sản xuất năng suất thấp khiến đời sống nhân dân vất vả. Thực hiện chủ trương của tỉnh, xã Hòa Lộc đã và đang từng bước chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối sang các ngành nghề khác, như: Nuôi trồng thủy sản, cụm công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và các dịch vụ khác theo nguyện vọng của người dân. Đối với diện tích chuyển đổi thành cụm công nghiệp, người dân được đền bù đất theo đơn giá, hỗ trợ của Nhà nước. Còn lại, những hộ dân tự nguyện chuyển đổi sang ngành nghề khác thì vẫn chưa có hỗ trợ gì.

Tạo việc làm, ổn định đời sống diêm dân

Do nghề muối không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diêm dân cũng mong muốn được chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của người dân hiện nay là công ăn việc làm cho thế hệ trẻ sau này.

Xã Hòa Lộc có 2 cánh đồng muối là cánh đồng Trương Xá (15,48 ha) và Nam Tiến (62 ha). Cánh đồng Trương Xá đã thực hiện chuyển đổi 70% diện tích đất làm muối sang cụm công nghiệp, chỉ còn khoảng 30% diện tích sản xuất muối; cánh đồng Nam Tiến đã có 8,2 ha đất muối của 13 hộ dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn xã còn hơn 300 hộ đang trực tiếp sản xuất muối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% số hộ là sản xuất thường xuyên. “Thực hiện chủ trương của tỉnh, UBND xã Hòa Lộc đang xây dựng quy hoạch để chuyển đổi các diện tích sản xuất muối trên. Đồng thời tuyên truyền cho các hộ diêm dân chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy hải sản; tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập một số mô hình sản xuất nuôi trồng hiệu quả để từ đó người dân lựa chọn mô hình làm kinh tế phù hợp với gia đình mình. Trong xây dựng quy hoạch, do nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp nên chúng tôi đề nghị tỉnh có hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, như: Hệ thống thủy lợi, điện, giao thông... để đảm bảo quy hoạch ổn định, lâu dài” – ông Huân cho biết.

Khác với xã Hòa Lộc, xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia) lại trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi hơn 40 ha diện tích sản xuất muối nằm trong quy hoạch với 1 phần là cụm công nghiệp, một phần là cụm dân cư nên không thể chuyển đổi vào mục đích khác. Sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, có 7 công ty được phê duyệt dự án đầu tư và đã bồi thường cho diêm dân gần 10 ha đất. Hiện vẫn còn hơn 30 ha đất làm muối bị bỏ hoang, vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư vào xây dựng.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình, cho biết: Toàn xã có hơn 700 hộ dân làm muối. Sau khi diện tích làm muối bị ảnh hưởng không thể sản xuất được, người dân cũng đã tự tìm cho mình công việc khác để lấy kế sinh nhai. Hiện, diêm dân đã tự chuyển sang các nghề: Chế biến hải sản, làm công nhân trong công ty giày da, thợ xây, thợ mộc, buôn bán nhỏ... theo thống kê có 97% diêm dân đã có việc làm. Tuy nhiên, để diêm dân yên tâm, ổn định tư tưởng, cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút đầu tư để thu hồi đất, tránh để lãng phí tài nguyên đất đai. Hải Bình không có diện tích đất nông nghiệp, người dân bao đời nay chỉ đi biển, làm nghề chế biến hải sản và làm muối. Nghề muối không còn, thế hệ tương lai sẽ thiệt thòi khi mất nghề truyền thống. Vì vậy, cần quan tâm đến chính sách việc làm lâu dài, đảm bảo ổn định đời sống cho diêm dân.

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2018 của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến 30-8-2018, diện tích sản xuất muối toàn tỉnh là 186 ha (giảm 5,6% so với cùng kỳ) tập trung tại 2 huyện Hậu Lộc và Tĩnh Gia với 1.882 hộ/4.200 lao động, sản lượng muối đạt 7.920 tấn (bằng 52,5% so cùng kỳ). Sản xuất muối vẫn theo phương thức truyền thống, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Thu nhập bình quân của diêm dân đạt 5-6 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Hoàng Thị Hà, Phó phòng chế biến nông, lâm, thủy sản và muối, Chi cục Phát triển nông thôn, cũng cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất phương án bàn giao diện tích muối không sản xuất của 2 xã Hải Hà, Hải Thượng (huyện Tĩnh Gia) cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, bồi thường đất sản xuất, tài sản trên đất, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho diêm dân theo quy định. Còn lại, UBND tỉnh cũng đã giao cho huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia xây dựng đề án quy hoạch diện tích sản xuất muối không hiệu quả sang mô hình cụm công nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống cho nhân dân sau khi dừng sản xuất muối.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]