(Baothanhhoa.vn) - Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) Thanh Hóa, là người có nhiều năm gắn bó với Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của tỉnh. Qua thực tế, ông đã trăn trở, rút ra nhiều kinh nghiệm riêng mà những hướng dẫn, văn bản cấp trên chưa hề có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nông thôn mới - kinh nghiệm rút ra từ người trong cuộc

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) Thanh Hóa, là người có nhiều năm gắn bó với Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của tỉnh. Qua thực tế, ông đã trăn trở, rút ra nhiều kinh nghiệm riêng mà những hướng dẫn, văn bản cấp trên chưa hề có.

Nhờ xây dựng hiệu quả các mô hình sản xuất trong nông nghiệp, xã Hoằng Hợp đã về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.

Những đúc kết mang tính cá nhân, song có tác dụng không nhỏ trong thúc đẩy phong trào chung cho quá trình XDNTM của các địa phương, cần được chia sẻ.

Theo ông Năng, các địa phương cần phải tinh tế để không nhầm lẫn việc “thực hiện chương trình XDNTM” (là nhiệm vụ) với “phát động phong trào XDNTM” (mang tính thi đua), để từ đó, tạo sự hòa quện giữa 2 yếu tố này. Khi thực hiện “phong trào”, cách tiếp cận cần “mềm” hơn, định tính hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, lại không để hai vấn đề này tách bạch nhau mà cần lồng ghép khéo léo để tránh một bên chỉ hô hào, một bên lại “cắm đầu cắm cổ” thực hiện một cách xơ cứng, cứng nhắc. Muốn hiệu quả, XDNTM phải vừa mang tính mệnh lệnh, nhưng vừa mang tính phong trào thì mới khơi dậy được sức mạnh toàn dân, mọi tầng lớp vào cuộc.

Chương trình XDNTM đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào, chứ không phải vừa làm, vừa “dò dẫm” đường hướng như những ngày đầu. Do đó, tư tưởng lưỡng lự, chờ đợi hỗ trợ của nhiều cán bộ lãnh đạo xã sẽ làm cho xã đó tụt hậu trong xây dựng các tiêu chí NTM - điều này đã được chứng minh với nhiều xã trong thời gian gần đây. Không còn cách nào khác, cán bộ phải làm cho nhân dân cùng vào cuộc. Đến nay, nhiều cán bộ xã ở khu vực miền núi cũng gần dân hơn, sát dân hơn nên quá trình XDNTM đi vào chiều sâu hơn.

Muốn các tầng lớp nhân dân đồng hành, những người cán bộ địa phương cần thể hiện vai trò là người trong cuộc chứ không đơn thuần là người chỉ đạo phong trào. Đơn cử như tại xã Đông Anh (Đông Sơn), ban đầu phát động nhưng nhân dân ít ra quét đường, làm vệ sinh công cộng để bảo đảm tiêu chí môi trường trong XDNTM. Thấy vậy, Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM đã đề nghị từng cán bộ xã xuống các thôn tham gia quét rác trong nhiều ngày, nhân dân địa phương thấy cán bộ xã hăng hái, sau đó đồng loạt ra dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nay đã thành phong trào sâu rộng, thường xuyên. Việc các cán bộ xã trực tiếp xuống cơ sở, xắn tay làm việc với nhân dân xuất phát từ việc tôi đi học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản, thấy cán bộ, lãnh đạo đi làm, cũng cầm theo ni lông để nhặt rác vương vãi bỏ vào thùng rác. Khi người đứng đầu đã vào cuộc, không có lý gì để mọi người không cùng đồng hành. Ngược lại, nếu cán bộ xã cứ đút tay túi quần, xuống cơ sở chỉ đạo suông thì nhân dân thiếu đi sự hào hứng để vào cuộc.

Trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, phải chú trọng đến xây dựng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Khi nhân dân còn túng thiếu, mọi lời kêu gọi đều dễ trở thành hô hào suông, bởi đời sống vật chất của họ chưa bảo đảm, chẳng mấy người toàn tâm để đóng góp tiền của cho công cuộc chung. Thực tế cho thấy, nhiều xã đã sớm xây dựng được các mô hình sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, thì đều đã về đích NTM sớm. Các xã: Nga An, Nga Thành (Nga Sơn); Định Tường, Định Tân (Yên Định); Hoằng Ngọc, Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) và hàng trăm xã khác trên địa bàn tỉnh có tiến độ XDNTM nhanh là do đã xây dựng được các mô hình sản xuất từ những ngày đầu, biết lấy tiêu chí thu nhập cho nhân dân để làm điểm tựa cho xây dựng các tiêu chí khác. Trái lại, một số địa phương ban đầu quá ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, cuối cùng đến các tiêu chí khó thì lại “dậm chân tại chỗ”, vẫn khó hoàn thành. Nhiều người cho rằng, NTM chỉ đơn thuần là làm đường giao thông, là xây dựng cơ sở vật chất là sai lầm, đó chỉ là một trong nhiều tiêu chí mà thôi. NTM phải hướng đến làm cho đời sống người dân đổi mới, phát triển được cả kinh tế lẫn văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn. “Vấn đề khác được chúng tôi phát hiện ra là, ở đa phần các xã, nguồn lực từ bên ngoài đưa về (hỗ trợ từ con em xa quê, doanh nghiệp, đóng góp từ những người địa phương đi làm nơi khác gửi về...) luôn lớn hơn nguồn lực huy động tại chỗ. Trung bình cho thấy, nguồn lực tại chỗ thường chỉ chiếm khoảng 30% nên cần phát triển mô hình sản xuất tại chỗ để tăng nguồn lực nội tại, nội sinh. Phấn đấu huy động nguồn lực tại chỗ tương đương với nguồn lực từ bên ngoài thì tốt hơn cho quá trình XDNTM” - ông Năng chia sẻ.

Trong quá trình xây dựng các tiêu chí NTM, tư tưởng lệ thuộc, đối phó ở một số địa phương chính là bước cản lớn. Trước đây, các đoàn thẩm định về mỗi xã thường hay báo trước nên họ chuẩn bị đối phó tốt, khi đoàn rút đi thì đâu lại vào đó, nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường. Để hạn chế điều này, gần đây chúng tôi hay tổ chức kiểm tra đột xuất. Vừa qua, các cán bộ của Văn phòng điều phối chương trình XDNTM 5 lần về kiểm tra tiêu chí môi trường tại xã Các Sơn (Tĩnh Gia), nhưng chỉ báo trước với xã 1 lần, 4 lần là kiểm tra đột xuất, từ đó xã đã vào cuộc quyết liệt hơn. Tương tự, việc thẩm định mà chỉ căn cứ trên hồ sơ giấy tờ các địa phương gửi lên thì chất lượng NTM sẽ kém, dễ tiếp tay cho sự hình thức.

Ông Năng cho rằng, quá trình XDNTM, cần tránh quan niệm: XDNTM là của ngành nông nghiệp, bởi lẽ, vẫn có một số ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM tỉnh, có lúc chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Vào nhiều dịp cuối năm, khi các hồ sơ yêu cầu thẩm định gửi về dồn dập, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM yêu cầu các ngành thành viên cùng tham gia đoàn thẩm định, song từng có một số ngành tỏ ra thờ ơ, cáo bận. Tôi đã nhiều lần giải thích, đi kiểm tra các tiêu chí và thẩm định NTM là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng văn phòng điều phối.

Khi đã được thẩm định và công nhận hoàn thành các tiêu chí, việc tổ chức lễ công bố đạt chuẩn NTM cho các thôn/bản và xã, với nhiều người cho đó là hình thức, khoa trương, nhưng ông Năng cho rằng, việc làm này cần thiết vì nó tạo không khí lan tỏa cho địa phương đó để tiếp tục nâng cao tiêu chí, nhất là cho những địa phương bên cạnh phấn đấu. Bởi lẽ ở làng quê, vẫn có tư tưởng “con gà hơn nhau tiếng gáy”, thấy thôn bên, xã bên đạt chuẩn, cán bộ và nhân dân ở thôn chưa đạt sẽ phải nỗ lực hơn để sớm đạt chuẩn NTM, họ không muốn bị thua thiệt. Theo đó, các buổi lễ công bố đạt chuẩn chính là động lực cho những địa phương gần đó phấn đấu.

Với các xã đã được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí XDNTM, trong giai đoạn hiện nay, cần phải xóa bỏ ngay “tư duy mức chuẩn”. Bởi qua mỗi giai đoạn, mức “chuẩn” ấy phải được nâng lên, yêu cầu cao hơn, chứ không phải là điểm đứng im như nhiều người vẫn nghĩ. Chẳng hạn, khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của xã đó chỉ đạt 29 triệu đồng/người, nhưng 4 - 5 năm sau, thu nhập bình quân phải đạt 35 triệu đồng/năm mới phù hợp với điều kiện thực tế. Nói cách khác, người lãnh đạo chính quyền địa phương phải trăn trở, tìm cách nâng cao các tiêu chí - cho dù xã đó đã đạt chuẩn NTM.

Không chỉ đóng vai trò “truyền lửa”, mà phải tìm cách làm mới cách tiếp cận trong chỉ đạo XDNTM của tỉnh. Những kinh nghiệm của những người trong cuộc như ông Năng cần được chia sẻ, để góp phần nhỏ vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của tỉnh nhà.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]