(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh nông sản, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Xuân Hòa phát triển kinh tế vùng đồi

Những năm qua, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh nông sản, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Xuân Hòa phát triển kinh tế vùng đồi

Diện tích trồng thanh long của gia đình ông Cao Thanh Bình, thôn 8.

Những ngày cuối năm về xã Xuân Hòa, chúng tôi không còn thấy đất trống đồi trọc như trước đây, thay vào đó là những đồi thanh long trải rộng xanh mướt, những vườn cam trĩu quả... Tại thôn 8, gia đình ông Cao Thanh Bình là một trong nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế vùng đồi. Ông Bình chia sẻ: Gia đình tôi có 1 ha đất trồng cây ngô và sắn, vất vả sớm tối nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trước khó khăn đó, UBND xã đã đưa cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, vận động gia đình tôi chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đồi dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, tôi đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng cây thanh long. Đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tìm mua giống cây có chất lượng, đầu tư lắp đặt hệ thống phun sương, vì thế hiệu quả kinh tế từ trồng thanh long cao gấp 2 đến 4 lần so với cây trồng cũ.

Được biết, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND xã xác định tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồi, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Ông Nguyễn Đình Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Từ năm 2014, xã đã vận động, tuyên truyền để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng và địa hình vào sản xuất. Để khuyến khích các hộ, xã đã thực hiện hỗ trợ một phần tiền giống cho các hộ trồng cây ăn quả. Đồng thời, chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thâm canh cây trồng. Đến nay, diện tích cây ăn quả tiếp tục được mở rộng, khẳng định là cây có thu nhập cao cho người dân và đưa giá trị sản xuất hàng năm của địa phương tăng lên. Theo đó, năm 2019, diện tích trồng cây ăn quả các loại là 170 ha; trong đó, có 166,5 ha trồng tập trung với quy mô diện tích từ 1 ha trở lên. Hiện đã đưa vào thu hoạch trên 90 ha với giá trị sản xuất đạt 36,216 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng giá trị sản xuất năm 2019. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi 550 ha đất rừng sang trồng các loại như cây keo, xoan..., giá trị kinh tế đạt 55 triệu đồng/ha. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm ha đất trống đồi trọc trước kia đã được phủ xanh và mang lại thu nhập cao cho các hộ dân. Đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để tận dụng và phát triển kinh tế vùng đồi đã trở thành phong trào được người dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều hộ gia đình, như: Cao Thanh Bình, Nguyễn Văn Hùng, Chữ Thanh Hải, Lê Khắc Hoa,... đã trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế vùng đồi, vươn lên làm giàu bền vững tại địa phương.

Thời gian tới, để những vùng đất đồi khẳng định được hiệu quả kinh tế bền vững, UBND xã tiếp tục định hướng và lựa chọn những loại cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, cải thiện, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế vùng đồi theo mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài Và Ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]