(Baothanhhoa.vn) - Để nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã thực hiện nhiều giải pháp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn; đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Hoằng Phụ phát triển đa nghề

Xã Hoằng Phụ phát triển đa nghề

Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, xã Hoằng Phụ.

Để nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã thực hiện nhiều giải pháp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn; đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh.

Từ bao đời nay, người dân xã Hoằng Phụ đã biết sử dụng sản vật từ biển cả để làm nên những giọt nước mắm thơm ngon, phát triển nghề làm nước mắm, tạo nên thương hiệu nước mắm Khúc Phụ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Tìm đến thôn Hợp Tân, hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, không ai xa lạ gì, bởi gia đình bà đã có truyền thống lâu đời làm nghề chế biến nước mắm. Bà Quyên cho biết: Để làm nên những giọt nước mắm có vị đậm đà, hương thơm nồng, có mùi cá tươi ngon, nhất là khi gia giảm vào chế biến dậy mùi thơm đặc trưng thì cần tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Nguyên liệu chủ yếu là cá tươi, như các loại cá nục, cá cơm, cá lâm... cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm. Muối sử dụng cũng phải là loại muối sạch, được cất giữ một thời gian ở nơi khô ráo để hết vị chát. Cũng theo bà Quyên, bao đời nay, phương pháp muối mắm của người dân địa phương sử dụng vẫn theo cách mà cha ông truyền lại, tỷ lệ “3 cá, 1 muối”, phơi nắng và đảo chượp. Với cách làm truyền thống, quá trình phân rã cá tự nhiên kéo dài từ 12 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, nước mắm cốt Khúc Phụ để càng lâu càng quý. Hiện nay, sản phẩm nước mắm của gia đình bà đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, thu nhập mỗi năm đạt từ 150 triệu đồng trở lên.

Được biết, hiện nay, toàn xã có gần 200 hộ duy trì và phát triển nghề. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục hạn chế của sản xuất nhỏ lẻ, phát triển nghề truyền thống theo quy mô tập trung, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thuận lợi để xây dựng, phát triển thương hiệu của sản phẩm người dân ở địa phương đã tham gia tổ liên kết sản xuất chế biến thủy sản. Theo đó, các thành viên tham gia được hỗ trợ về vốn, tham gia sinh hoạt chia sẻ về kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, tổ liên kết cung cấp ra thị trường khoảng hơn 12 nghìn lít nước mắm, mắm tôm, mắm chua các loại và hàng chục tấn cá, moi khô.

Bên cạnh nghề truyền thống làm nước mắm, thời gian qua, trên địa bàn xã còn chú trọng phát triển một số nghề, như: nghề mộc, cơ khí, chế biến thủy sản,... tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Để mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, xã đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn và nhân cấy nghề mới mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đồng thời, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu thông sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với các giải pháp và định hướng phát triển ngành nghề phù hợp, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoằng Phụ hiện đạt hơn 46 triệu đồng/năm.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]