(Baothanhhoa.vn) - Xã Hà Long được biết đến như “thủ phủ” dứa của huyện Hà Trung. Mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nhưng giá dứa giảm nhanh khiến người trồng dứa đứng ngồi không yên, nhiều gia đình phải thuê xe ô tô chở dứa đi bán lẻ tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh... nhưng do chi phí vận chuyển cao nên số tiền thu về cũng không đáng là bao nên nhiều gia đình đành bất lực để dứa chín thối tại vườn, đồi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Hà Long: Bài học từ việc phát triển cây trồng tự phát

Xã Hà Long được biết đến như “thủ phủ” dứa của huyện Hà Trung. Mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nhưng giá dứa giảm nhanh khiến người trồng dứa đứng ngồi không yên, nhiều gia đình phải thuê xe ô tô chở dứa đi bán lẻ tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh... nhưng do chi phí vận chuyển cao nên số tiền thu về cũng không đáng là bao nên nhiều gia đình đành bất lực để dứa chín thối tại vườn, đồi.

Nông dân xã Hà Long (Hà Trung) chăm sóc dứa.

Cách đây hơn 1 tháng, giá dứa đang từ 6.500 – 7.000 đồng/kg, đã giảm nhanh, dứa loại to chỉ còn 2.500 – 3.000 đồng/kg, dứa nhỏ chưa đến 2.000 đồng/kg.

Đang vội thu hoạch dứa đã chín, bà Nguyễn Thị Bảy, thôn Yến Vĩ, xã Hà Long, than thở: Dứa năm nay được mùa, quả to nhưng lại mất giá. Dứa chăm sóc hơn 1 năm mới cho thu hoạch, việc chăm sóc mất rất nhiều thời gian, kinh phí đầu tư khá lớn. Với hơn 3 ha dứa, tưởng rằng năm nay thu hoạch sẽ có tiền để trang trải cuộc sống, nhưng giá thấp thì nguy cơ mất hết cả công chăm sóc lẫn vốn đầu tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1ha dứa (từ lúc trồng đến khi thu hoạch) khoảng 160 triệu đồng, với giá bán như hiện nay, bình quân người trồng lỗ 40 – 50 triệu đồng/ha.

Nguyên nhân khiến giá dứa xuống thấp là do năm nay dứa không xuất khẩu được. Các công ty chế biến trong tỉnh thì công suất thấp nên số lượng dứa thu mua cho người dân rất ít, bà con chỉ biết trông chờ vào thương lái thu mua rồi đưa đi bán lẻ ở các địa phương. Trước tình trạng giá dứa xuống thấp, nhưng lại khó tiêu thụ, xã Hà Long cũng đã tích cực đấu mối với các doanh nghiệp thu mua dứa hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, do không ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm từ ban đầu nên các doanh nghiệp cũng chỉ thu mua với số lượng ít.

Được biết, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Hà Long có chủ trương chuyển 200 ha đất nông nghiệp trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa. Tuy nhiên, do một vài vụ trồng trước, giá dứa khá cao nên nhiều hộ dân đã tự ý mở rộng diện tích trồng dứa, một số hộ còn chuyển đổi đất trồng mía sang trồng dứa. Đến nay, diện tích dứa của xã đã lên đến hơn 600 ha. Diện tích dứa trồng tự phát được mở rộng quá nhanh, dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với đó là sự hạn chế, bất cập trong việc phát triển cây dứa ở huyện Hà Trung là chưa có nhà máy chế biến. Việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư nên khi dứa chín, nông dân bắt buộc phải bán cho thương lái dù giá thị trường đang giảm, không thể để dứa trên ruộng chờ giá tăng.

Việc mở rộng diện tích dứa một cách tự phát, làm cho cung vượt quá cầu không chỉ trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) mà còn diễn ra tại các huyện: Thạch Thành, Như Xuân, Ngọc Lặc và thị xã Bỉm Sơn.

Hiện nay, tỉnh ta đã xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng tự phát, phát triển không theo định hướng trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Một bộ phận không nhỏ người nông dân đầu tư trồng trọt, phát triển sản xuất chỉ theo cảm tính, “phong trào”, hễ thấy loại cây trồng nào đang được giá và có thời gian thu hoạch là đầu tư. Trong khi đó, khâu dự báo thị trường lại rất hạn chế. Do đó, không chỉ có dứa mà việc sản xuất các loại cây trồng khác một cách ồ ạt, tự phát khiến cho điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi, lặp lại.

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Sở Công Thương làm tốt các khâu dự báo thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường cho nông sản... và định hướng sản xuất cho người nông dân. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân. Giảm thiểu tình trạng “mạnh ai nấy làm”, giảm nỗi lo về đầu ra, hạn chế tình trạng thương lái ép giá sản phẩm.


Bài và ảnh: Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]