(Baothanhhoa.vn) - Liên tục phải cúi người, lách qua những chùm bưởi lúc lỉu, chúng tôi được chị Trịnh Thị Tuyết, ở thôn 6, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) dẫn đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình mình. Vườn cây có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vườn cây tiền tỷ

Liên tục phải cúi người, lách qua những chùm bưởi lúc lỉu, chúng tôi được chị Trịnh Thị Tuyết, ở thôn 6, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) dẫn đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình mình. Vườn cây có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Vườn cây tiền tỷ

Vườn cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Tuyết, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Những hàng cây sau nhiều năm chăm sóc đã cho quả căng tròn, nặng trĩu cành. Nào bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Luận Văn, rồi các loại chanh, cam đường canh, cam Cao Phong, quýt, hồng xiêm, ổi, mít Thái... nên vườn cây gần như cho thu hoạch quanh năm. Việc trồng nhiều loại cây khác nhau đã giúp chủ vườn bảo đảm tính an toàn cho nguồn vốn, bởi cây này thất thu hay kém năng suất sẽ có cây khác bù vào. Dẫn chúng tôi thăm khu trồng bưởi Luận Văn – một đặc sản của huyện Thọ Xuân, chị Tuyết hồ hởi: “Giống bưởi tiến vua này thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán, năm nào cung cũng không đủ cầu. Mỗi quả bán tại vườn trung bình tới 100 nghìn đồng, có năm giá cao còn lên tới 120 nghìn đồng. Một cây bưởi đặc sản này đã có thu nhập vài ba triệu đồng mỗi năm, khu này trồng gần 100 cây”. Thời điểm phóng viên có mặt, cũng là lúc các thương lái tìm về đây thu mua cam, chanh, bưởi của gia đình để đưa đi tiêu thụ. Do canh tác theo phương pháp an toàn sinh học, nên sản phẩm của gia đình chị luôn có đầu ra dễ dàng, có thương lái đến tận vườn thu mua.

Theo chị Tuyết, từ những năm 2010, cánh đồng Nảy Tài này vốn là khu xa xôi của xã, trồng lúa nhưng năng suất không cao. Nhiều hộ dân thấy canh tác kém hiệu quả kinh tế, còn bỏ ruộng cho cỏ mọc khiến toàn khu đồng càng trở nên hoang vắng, xác xơ. Lúc ấy, chính quyền xã đã dồn đổi, kêu gọi người dân đấu thầu để làm trang trại nhằm khơi dậy tiềm năng của đất. Tuy nhiên, không ai “dám” mạnh dạn đầu tư tiền của ra vùng đất vốn lắm nắng nhiều gió ấy. “Đến năm 2012, gia đình tôi bàn bạc quyết định đấu thầu, cải tạo trồng cây ăn quả, đầu tư vào “canh bạc” làm giàu. Lúc đó, hai bên gia đình, rồi hàng xóm, bạn bè phản đối ghê lắm, bởi họ cho rằng khả năng thất bại cao hơn thành công” – chị Tuyết kể thêm.

Những buổi đầu khởi nghiệp càng gian nan khi gia đình thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Phải bán đất, rồi vay mượn đủ nơi để thuê máy cải tạo đất, đào ao để có đất đắp cao thân ruộng mới trồng được cây. Những tưởng trồng cây to sẽ nhanh cho thu hoạch, chị Tuyết cùng chồng là anh Đỗ Xuân Sơn đã mua lại một vườn cam ở tỉnh ngoài đã cho quả bói, thuê người đào gốc mang về trồng. Tròn 1 hec-ta cam mới trồng dần vàng lá, héo úa rồi chết sạch. Thua lỗ ngay lần đầu triển khai, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa”. Thế nhưng, không chịu khuất phục trước thất bại, sau một lần xem chương trình về khuyến nông của Đài Truyền hình Việt Nam, anh chị ghi lại địa chỉ, tìm lên vườn cam trong phóng sự ở tận huyện Cao Phong của tỉnh Hòa Bình để học tập kinh nghiệm. Được chủ vườn tỉnh bạn chia sẻ các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn cách đo độ PH của đất, anh chị trở về bắt tay làm lại. Tự đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm, chị Tuyết đã dắt lưng bí quyết: Trồng cam, bưởi trên đồi thì phải đào hố sâu, nhưng trồng trên thân ruộng như nhà chị, phải trồng nổi. Cây giống cũng phải mua có nguồn gốc, trồng từ lúc còn nhỏ mới sống khỏe. Rồi từ đó, các giống cây đều được gia đình ra tận Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua về. Những cây trồng khác tiếp tục được bén rễ và phát triển xanh tốt trên vùng đất mà nhiều đời trước chỉ độc canh cây lúa. Đến nay, vườn cây ăn quả gia đình anh Sơn, chị Tuyết đã trải rộng trên 6 ha, trở thành mô hình cây ăn quả điển hình của huyện Thọ Xuân, liên tục được các xã trong và ngoài huyện dẫn đoàn về thăm, học tập kinh nghiệm. Từ thành công của mô hình, đã có 7 hộ khác trong xã cũng ra đấu thầu đất đầu tư, phủ kín khu đồng.

Để cho trái bưởi, trái cam ngọt thanh tự nhiên, tạo “thương hiệu” với khách hàng, gia đình chị Tuyết hạn chế bón phân hóa học, mua phân từ các trại bò, tự ủ các loại phân hoai mục để bón. Một bí quyết khác là gia đình còn dùng 5 sào ao để nuôi cá mè, cá rô phi, thu hoạch cá trộn với các chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón trong các bể yếm khí. Vào thời điểm trái cây tạo múi, sẽ bón loại phân này nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây nuôi quả. Phía dưới tán cây, từng đàn gà nuôi theo hình thức thả vườn bán hoang dã vẫn tung tăng chạy nhảy, thay nhau gối lứa, mang lại lợi nhuận thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Với tổng số tiền đã “đổ” vào vườn cây lên đến 5 tỷ đồng, cộng với việc “trả học phí” cho nhiều thất bại, đến nay, gia đình anh Sơn đã gặt hái được thành công, làm giàu ngay tại quê hương. 50% doanh thu là lợi nhuận, gia đình anh chị có “lãi” khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Mô hình trồng cây ăn quả này hiện cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 đến 7 lao động địa phương với thu nhập từ 140 đến 200 nghìn đồng mỗi ngày công. Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề, cũng là lúc các trái cây ở đây cho thu hoạch rộ. Một mùa hoa quả bội thu nữa lại đến, như mang đến thông điệp của sự đủ đầy với gia đình từng dám nghĩ, dám làm này.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]