Ngày 5/12, phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

VRDF - Động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

Ngày 5/12, phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người. Trước bối cảnh này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên. “Vì vậy, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam ngày nay đã nổi lên là một nước đang xuất khẩu mạnh, sự tăng trưởng của Việt Nam cũng mang tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo cũng đã giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980. Nhưng, hành trình của Việt Nam để trở thành một nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa chỉ mới bắt đầu. Hiện, trong nước Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cơ cấu đang gia tăng bao gồm: dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất thấp và đầu tư thấp cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn. "Do đó, Việt Nam cũng cần lựa chọn những hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi,” ông Ousmane Dione cho hay.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là thời điểm “vàng” bởi Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng. Cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018-2020. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để cải cách và phát triển, Việt Nam cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về mối quan hệ giữa cải cách và phát triển trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được những tác động bất lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó cần phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, cần cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đồng thời, phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.... Mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người. “Trên cơ sở xác định rõ nền kinh tế đang ở đâu trong quá trình phát triển, ý thức được những khó khăn, thách thức, nhận diện và tận dụng triệt để được mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất, cho cải cách và phát triển, Việt Nam cần tập trung xác định những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển. Theo đó, động lực tăng trưởng nền móng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác,” Bộ trưởng khẳng định. VRDF do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với mục tiêu xuyên suốt là tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ với cộng đồng các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, khu vực kinh tế tư nhân... Từ đó, thảo luận các vấn đề có liên quan nhằm đưa ra những khuyến nghị hiệu quả, đẩy mạnh tiến trình cải cách và phát triển đối với nền kinh tế Việt Nam.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Diễn đàn cũng là bước đi ban đầu, tạo nền tảng phát triển để trở thành diễn đàn cải cách và phát triển mang tầm quốc tế và khu vực, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững không chỉ của riêng Việt Nam mà cả khu vực, tạo điều kiện cho các quốc gia; trong đó, có Việt Nam phát huy tốt hơn vai trò của mình trên trường quốc tế. Diễn đàn cũng là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG Meeting) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây gắn với bối cảnh thực tiễn mới của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Đặc biệt hơn nữa, VRDF lần đầu tiên này có ý nghĩa rất quan trọng khi được tổ chức vào thời điểm Việt Nam đang bước vào những năm cuối của thời kỳ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) cũng như bước vào giai đoạn chuẩn bị cho việc xây dựng một Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm của giai đoạn mới. Diễn đàn cũng sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, khuyến nghị và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.../.


Theo TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]