(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta nhiều hộ dân đang tham gia sản xuất nấm, chủ yếu ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa... với các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế nên mô hình sản xuất này chưa được nhân rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao nghề trồng nấm hiệu quả nhưng chưa phát triển?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta nhiều hộ dân đang tham gia sản xuất nấm, chủ yếu ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa... với các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế nên mô hình sản xuất này chưa được nhân rộng.

Mô hình trồng nấm của hội viên HTX chế biến và tiêu thụ nấm ăn xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa).

Trăn trở với con đường mưu sinh cho chị em, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) đã khuyến khích hội viên tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế triển vọng. Nhận thấy mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao lại tận dụng được diện tích sẵn có của vườn nhà và nhân lực trong gia đình cũng như thời gian nhàn rỗi trong ngày, nên nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Năm 2014, HTX chế biến và tiêu thụ nấm ăn được thành lập với mục đích chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Mô hình trồng nấm được các thành viên xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu sản xuất luân phiên các loại nấm trong năm, trừ chi phí có thể đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến, thôn Phú Ân là một trong những thành viên của HTX thành công với mô hình trồng nấm. Anh đã vay vốn, đầu tư xây dựng khu trồng và chế biến nấm với diện tích hơn 1 ha. Với số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Nhà xưởng, nhà kính, lò hấp sấy, phòng cấy giống... Đến nay, mỗi năm trung bình anh thu hoạch hơn 30 tấn nấm các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Tuyến chỉ là một trong số ít người thành công với mô hình này. Được biết, hiện nay, một số thành viên của HTX đã dừng sản xuất do hạn chế về vốn đầu tư và gặp nhiều trở ngại khi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đi tìm lời giải vì sao nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa phát triển, chị Lê Thị Thúy, giám đốc HTX tiêu thụ và chế biến nấm, cho biết: “Đa phần người dân địa phương trồng nấm theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư”. HTX đã nhiều lần tìm thị trường tiêu thụ nhưng gặp khó khăn vì không bảo đảm được số lượng sản phẩm, lại không có phương pháp bảo quản sản phẩm, nên không đủ điều kiện ký hợp đồng. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nên chi phí đầu vào khá cao, khiến nhiều hộ trồng nấm không dám đầu tư. Đa phần bà con vẫn còn xem việc trồng nấm để giải quyết việc làm lúc nông nhàn, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về cả số lượng và chất lượng. Qua khảo sát hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi thấy mặt hàng nấm ăn sản xuất trong tỉnh ít được bày bán, chủ yếu là nấm tươi được nhập khẩu với nhiều chủng loại như nấm đùi gà, nấm đông cô, chân kim... với hình thức bắt mắt nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Có thế thấy, sản xuất nấm ở tỉnh ta không chỉ gặp khó ở vốn mà kỹ thuật sản xuất còn yếu, phần lớn sản xuất thủ công, nhỏ lẻ nên khó xây dựng thương hiệu để cạnh tranh và liên kết hỗ trợ nhau phát triển.

Ông Phạm Ngọc Trác, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề trồng nấm, tôi mong muốn có thể nhân rộng mô hình, giúp người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm thì hiện chỉ có 1 hội viên thành công với mô hình này, đó là anh Vũ Xuân Bình, thôn Tân Thành, xã Ngọc Khê”. Tuy đã được hội hỗ trợ về nguồn giống có chất lượng song người dân còn chưa nắm bắt được kỹ thuật. Trong khi đó, nấm rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, sâu bệnh, nguyên liệu, nguồn nước... Bên cạnh đó, nhận thức của ngườỉ dân cũng như việc tiếp nhận kỹ thuật nhân giống, nuôi dưỡng, bảo quản, chế biến và tiêu dùng nấm còn nhiều hạn chế.

Để nghề nấm phát triển bền vững, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu được công dụng của nấm, khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, liên kết với nhau phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Hiện nay Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh đã được UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện Dự án khoa học “Xây dựng mô hình HTX do phụ nữ làm chủ: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn tại Thanh Hóa”. Theo đó, trung tâm đã thành lập điểm 4 HTX tại xã Đông Hòa (Đông Sơn), Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), Vân Sơn (Triệu Sơn), Ba Đình (Nga Sơn) thu hút 80 thành viên tham gia. Chị Phạm Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề phụ nữ, cho biết: “Từ thực tế sản xuất cho thấy, trồng nấm là nghề phù hợp với nhiều hộ dân ở nông thôn và có khả năng mở rộng. Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hóa thực hiện chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống và thị trường tiêu thị sản phẩm cho hội viên”. Thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ các hộ đăng ký thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, thu hút thêm hội viên tham gia vào HTX nhằm hình thành vùng sản xuất liên kết để xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác hàng hóa tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện một số chính sách, như: Tạo điều kiện về mặt bằng đất đai, chính sách vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất, hỗ trợ kinh phí tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất nấm tập trung, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm thường xuyên, ổn định cho nông dân. Chủ động nguồn giống nấm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương mại, tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước hình thành liên kết trong sản xuất.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]