(Baothanhhoa.vn) - Để chủ động ứng phó, vận hành điện an toàn trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đã thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 15 thành viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vận hành an toàn lưới điện mùa mưa bão

Để chủ động ứng phó, vận hành điện an toàn trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đã thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 15 thành viên.

Cán bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa kiểm tra, sửa chữa khắc phục đường điện.

Các phương án phòng chống thiên tai, tổ chức diễn tập cũng được thực hiện sớm ngay từ đầu mùa. PC Thanh Hóa yêu cầu chi nhánh điện lực tại 27 huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra tình hình lưới điện, phát hiện các hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn và gây sự cố trong mùa mưa bão, nhất là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, gần bờ sông, suối... Từ đó, lập kế hoạch và tiến hành khắc phục sửa chữa xong trước ngày 30-4-2018. Với các đơn vị có đường dây và trạm biến áp phục vụ bơm chống úng, điện lực các địa phương phối hợp với cơ quan thủy nông địa phương kiểm tra, tiến hành chạy thử máy bơm, lập biên bản xác định tình trạng thiết bị và xử lý hư hỏng trước ngày 10-5. Các đơn vị cũng xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn nhân lực bảo đảm an toàn cho người, thiết bị khi xảy ra bão lũ, ngập úng; khắc phục một cách nhanh nhất các sự cố, sớm cấp điện trở lại và tích cực hỗ trợ các đơn vị khác khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.

Huyện Tĩnh Gia là địa phương lưới điện thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa mưa bão. Trong khi đó, hệ thống điện trên địa bàn lại đi qua nhiều địa hình phức tạp và phục vụ cho các công ty, đơn vị sử dụng nguồn điện năng lớn trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, Điện lực Tĩnh Gia đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho toàn bộ hệ thống truyền tải điện. Trước mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu và có biện pháp khắc phục những tồn tại; tiến hành phát quang hành lang lưới điện; tu bổ hệ thống đường dây và trạm biến áp; gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ... để khi xảy ra sự cố sẽ xử lý một cách nhanh nhất. Việc vận hành lưới điện trên địa bàn hướng đến mục tiêu không chỉ giúp cung cấp điện ổn định mà còn giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, chi phí do không phải ngừng sản xuất trong thời gian mưa bão. Điện lực Tĩnh Gia cũng bố trí thêm 4 máy phát điện di động có công suất lớn tại những vị trí trọng yếu, mua sắm, bổ sung thêm nhiều trang thiết bị để xử lý kịp thời các sự cố theo đúng thời gian và quy định của PC Thanh Hóa.

Thực tế cho thấy, các sự cố lưới điện trong mùa mưa bão năm nay đều đã được PC Thanh Hóa triển khai xử lý khá nhanh chóng. Điển hình như trong đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 28 đến 31-8, thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hệ thống lưới điện trên địa bàn 8 huyện/42 xã do PC Thanh Hóa quản lý bị ảnh hưởng với 38.597 khách hàng mất điện. Trước tình hình đó, PC Thanh Hóa đã họp khẩn chỉ đạo ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công ty cùng các phòng chức năng phối hợp với các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiến hành kiểm tra thiệt hại, nỗ lực khắc phục nhanh nhất các sự cố, cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân cũng như an toàn trong cung ứng, sử dụng điện, ngành điện khuyến cáo khách hàng cũng như nhân dân địa phương nơi có lưới điện đi qua thực hiện một số nội dung: Không được sử dụng dây, cọc để chằng néo nhà, công trình, thuyền bè vào cột điện và trạm điện hoặc có hành vi vi phạm khoảng cách với đường dây điện gây mất an toàn cho người và gia súc, gây sự cố lưới điện. Kiểm tra, củng cố dây dẫn điện, cột điện sau công tơ, không để dây dẫn điện đứt ngập trong nước khi có mưa, lũ. Các mối nối phải chắc chắn, có bọc băng keo cách điện. Vỏ dây dẫn điện không bị nứt vỡ, bong tróc. Không buộc dây dẫn điện lên các bộ phận bằng kim loại của nhà xưởng, công trình kiến trúc. Chính quyền, nhân dân và điện lực địa phương tiến hành chặt, tỉa cây nằm trong hành lang đường dây dẫn điện. Đối với các cây cao khi chặt có nguy cơ đổ đè lên đường dây thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn, tránh trường hợp cây đổ đè lên đường dây. Khi có mưa lớn, giông lốc hạn chế ra đường nhằm tránh các sự cố bất ngờ xảy ra, như: Dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, cây đổ, rò điện... Không được chạm vào cột điện, dây chằng cột điện, dây nối đất cột điện... để phòng điện giật do rò điện. Khi bị ngập úng cần cắt nguồn điện trong gia đình (cầu dao, át tô mát tổng) và không chạm vào bất cứ thiết bị dụng cụ điện nào khi tay ướt hoặc đi chân đất trên nền ướt... Cầu dao, cầu chì, át tô mát trong gia đình phải đặt nơi khô ráo, bảo đảm an toàn. Khi phát hiện cột điện bị đổ, gãy, dây điện bị đứt không được đến gần và phải báo cho mọi người xung quanh biết. Đồng thời, tìm cách cô lập, canh gác và nhanh chóng gọi điện thoại đến số ghi trong hóa đơn tiền điện để điện lực cắt điện, xử lý sự cố. Trong trường hợp bị ngập lụt, các hộ dân cần phải kiểm tra kỹ tình trạng các thiết bị điện trong nhà và dây ra sau công tơ sau khi nước rút để lau, sấy khô hoặc thay thế thiết bị, dây dẫn bảo đảm tuyệt đối an toàn, sẵn sàng cho việc cấp điện trở lại.


Bài và ảnh: Bách Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]