(Baothanhhoa.vn) - Ở “thủ phủ” trồng hoa lớn nhất tỉnh, anh Nguyễn Văn Mạnh được biết đến là người nông dân dám nghĩ, dám làm. Luôn ghi nhớ lời Bác dạy “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, anh đã dành cả tuổi trẻ để trăn trở, tìm tòi, kiên trì với con đường khởi nghiệp trồng hoa cúc giống... Anh bảo: “Làm giàu không khó nếu biết tận dụng các lợi thế sẵn có. Ở làng hoa Đông Cương thì càng không thể “an phận” mà phải luôn “vận động” vươn lên”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triệu phú làng hoa

Ở “thủ phủ” trồng hoa lớn nhất tỉnh, anh Nguyễn Văn Mạnh được biết đến là người nông dân dám nghĩ, dám làm. Luôn ghi nhớ lời Bác dạy “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, anh đã dành cả tuổi trẻ để trăn trở, tìm tòi, kiên trì với con đường khởi nghiệp trồng hoa cúc giống... Anh bảo: “Làm giàu không khó nếu biết tận dụng các lợi thế sẵn có. Ở làng hoa Đông Cương thì càng không thể “an phận” mà phải luôn “vận động” vươn lên”...

Triệu phú làng hoa

Anh Nguyễn Văn Mạnh bên vườn hoa cúc giống của gia đình.

Sống khỏe nhờ hoa

Làng hoa Đông Cương (TP Thanh Hóa) đón khách bằng những ngôi nhà khang trang, trông ra cánh đồng hoa rộng lớn, sặc sỡ sắc màu. Những ngày này, người dân trồng hoa đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa tết với những công đoạn chăm bón cuối cùng. Trên các cánh đồng hoa, hàng trăm nhân công, lao động đang tất bật tưới nước, bón phân, gia cố chậu... với không khí hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cương dẫn chúng tôi đến thăm vườn hoa nhà anh Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1980, tổ dân phố 3. Vừa đi ông vừa hồ hởi chia sẻ: “Năm nay nhìn chung không có sâu bệnh nên nông dân chúng tôi bớt lo hơn rất nhiều. Thời tiết ấm nên bông cũng ra dài và đẹp hơn mọi năm”.

Dưới luống hoa cúc sắp đến ngày thu hoạch, anh Mạnh nâng niu, vun xới từng gốc cây, tách từng chiếc lá, ngắt nhẹ từng cành hoa mới thấy anh yêu hoa đến nhường nào. “Ngày đó tôi nghĩ với hoàn cảnh của mình phải làm cật lực đến tuổi bốn mươi may ra mới có tiền làm nhà, nhưng giờ thì như cô thấy đấy, tôi đã có nhà đẹp, con ngoan và một cơ ngơi có thể gọi là tạm ổn” - anh Mạnh phấn khởi giới thiệu về thành quả lao động của mình những năm qua.

Theo lời anh Mạnh, năm 2001, sau khi kết thúc khóa huấn luyện nghĩa vụ quân sự, anh tiếp tục đi học bổ túc văn hóa và học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Trong quá trình theo học, lúc nhàn rỗi hay vào dịp hè, anh đều tranh thủ xuống ruộng hoa nhà người quen để tìm hiểu, nghiên cứu và trồng thử những giống mới. Bất ngờ thay, vườn hoa đó lúc nào cũng tốt tươi và trổ hoa đúng dịp. Người ta bảo rằng có được như vậy là do người trồng mát tay và dành tình yêu cho nó...

Năm 2004, anh lập gia đình để không chỉ có mái ấm cho mình mà còn có người chung sức, chung lòng thực hiện mơ ước ấp ủ bấy lâu nay là có một vườn hoa của riêng mình. Anh bàn với vợ đầu tư toàn bộ vốn liếng thuê 3.000 m2 đất để trồng hoa cúc, chủ yếu là giống hoa cúc Đà Lạt, như: Cúc kim cương vàng, tím, cúc vàng thái, thạch bích, cúc trắng, cúc đỏ... Lý giải cho sự lựa chọn của mình, anh nói: “Hoa Cúc là loại hoa thông dụng, thiết yếu với mọi gia đình Việt Nam. Trong các ngày giỗ chạp, lễ chùa, thanh minh và tuần rằm mồng một, mọi người đều cần mua hoa cúc. Kể cả dịp Tết Nguyên đán, mặc dù đã có hoa mai, hoa đào, phong lan, địa lan... Nhiều gia đình vẫn cần có 5 - 7 cành hoa cúc cắm trên ban thờ để tỏ lòng tưởng nhớ tri ân. Chưa kể, cúc lại là giống cây ngắn ngày, một năm có thể trồng 2-3 vụ, dễ chăm sóc, đề kháng tốt nên ít khi phải phun thuốc trừ sâu; chi phí giống thấp, giá bán ổn định, không tốn nhiều diện tích đất trồng...”.

Để trồng thành công giống hoa cúc thì người trồng hoa nên xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng, sau đó lên luống cao, bón lót phân chuồng ủ mục; hạn chế bón phân hóa học cho cây vào ngày mưa để tránh tình trạng phân còn sót trên lá cây sẽ làm cây dễ bị bệnh nấm lá, thối rũ; những ngày nắng to, thời tiết hanh khô phải tưới nước cho cây ít nhất 1 lần/ngày. Bên cạnh đó, cúc là cây phát triển chậm nên tháng đầu tiên xuống giống, người trồng hoa phải thắp bóng đèn để kích thích cây phát triển. Thời gian thắp từ 19 - 24h hàng ngày. Trong vụ đông, để cây cúc nở hoa cho thu hoạch trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời vụ xuống giống nên bắt đầu từ 25-8 – 5-9 (âm lịch), nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết khí hậu, để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cúc kịp thời. Sau trồng cúc 5 - 7 ngày mà thời tiết có rét đậm, cần phun atonik kích rễ cho cây cúc phát triển nhanh, đồng đều. Giai đoạn trước phân hóa mầm hoa (cúc con gái): Nếu thời tiết ấm hoặc có mưa nhiều, cần rút ngắn thời gian hoặc không cần thắp điện cho vườn cây. Nếu thời tiết khô hạn kèm theo rét đậm kéo dài, cúc sinh trưởng chậm (cây ngắn), cần phun GA3 kết hợp bón lá, bón gốc, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho cây. Khi cây cúc chuyển sang phân hoa mầm hoa, phun bón lá siêu kali giúp cúc ra hoa nhanh, tập trung (sử dụng phân bón lá và chế phẩm kích thích sinh trưởng theo hướng dẫn trên bao gói). Từ khi vườn cúc chớm nụ, dừng phun mọi chế phẩm điều hòa sinh trưởng – anh Mạnh chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cúc với chúng tôi.

Bằng những cách làm cơ bản này, mỗi tháng đôi lần vào các ngày tuần tiết, lễ, tết, gia đình anh Mạnh đều có hoa chở xuống chợ đầu mối Đông Hương bán. Hiện tại, gia đình anh Mạnh đã mở rộng diện tích canh tác lên 5.000m2. Để đảm bảo vườn hoa được chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận, gia đình thuê thêm 2 - 7 nhân công làm việc cố định với mức thu nhập 200 ngàn đồng/ngày.

Làm chủ kỹ thuật

Biết nông dân quê mình chủ yếu trồng cây lấy hoa đem bán, anh Mạnh quyết tâm tìm tòi, học hỏi và bắt tay vào trồng hoa cúc giống. Ban đầu, để cây cúc giống không chịu tác động nhiều bởi thời tiết, anh Mạnh làm giàn có che phủ ni-lông cho từng luống cây. Thấy hiệu quả rõ rệt, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính để trồng cúc giống sau khi đi tham quan và học hỏi ở nhiều nơi. Đến nay diện tích nhà kính của anh đã phát triển lên trên 3.000m2, số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng. Với kinh nghiệm nhiều năm và luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, cúc giống của gia đình anh luôn được người trồng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, ưa chuộng. Được biết, mỗi ngày vườn giống của anh Mạnh có thể cắt hàng triệu mầm giống. Giá bán tại vườn dao động từ 300 - 350 đồng/mầm.

Để có được loại mầm chất lượng, cây giống được sử dụng phải là loại cấy mô. Bởi, cấy mô giữ được bản chất của giống, khả năng sinh sản tốt, không bị thoái hóa và ít nhiễm bệnh. Sau 2 tháng, cúc bố mẹ có thể cho cắt ngọn 2 - 3 ngày/lần. Sau 6 – 7 tháng, nhà vườn sẽ thay cây gốc một lần để đảm bảo mầm giống luôn khỏe mạnh. Việc cắt ngọn giống sẽ được thực hiện vào buổi sáng và đưa đến thương lái ngay trong ngày. Ngọn được chọn để nhân giống là loại bánh tẻ, không quá già, không quá non. Chiều dài ngọn đạt từ 5 - 7cm, có 1- 2 cặp lá/ngọn. Trong quá trình chăm sóc, vườn ươm phải đảm bảo nhiệt độ, ánh nắng và nguồn nước sạch.

Gần 10 năm theo đuổi và gắn bó với nghề trồng hoa cúc giống, anh Nguyễn Văn Mạnh đã nhiều lần gặp thất bại. Theo đó, với khí hậu miền Bắc việc giâm cây hoa cúc chỉ thuận lợi nhất vào mùa xuân vì có mưa phùn làm mầm cây sau khi tách không bị mất nước và cây đâm rễ nhanh hơn. Song, nhu cầu cây giống của người trồng hoa chủ yếu lại là thời điểm tháng 8 âm lịch. Chính vì thế mà việc giâm cành, giâm chồi cúc những ngày đầu liên tục bị thất bại. Anh còn nhớ rất rõ những lô mầm cây giống ươm xuống vườn giữa tiết trời thu gió heo may khô hanh bị cong queo, khô héo hàng loạt dù đã nhiều lần trong ngày tưới phun mưa. Giâm cúc trong mùa hè thì do nóng quá cây bị khô quắt, lúc gặp mưa nhiều lại bị thối rễ mà chết ủng...

Vì thế, anh đã phải mày mò, dành công sức học hỏi kỹ thuật làm giá thể giâm cây bằng xơ dừa trộn đất, dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thông tin trên Internet để nghiên cứu những kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng các chế phẩm bổ trợ kích rễ... Đến nay, anh đã làm chủ kỹ thuật cắt mầm trên cây mẹ, cắt để mầm không bị thối sau giâm, che gió, che nắng cho mầm, làm mầm quen dần với môi trường bên ngoài... Tất cả những thứ đó đối với “kỹ sư chân đất” như anh là cả một nghệ thuật.

Khi được hỏi về thu nhập của gia đình mình, anh Mạnh khiêm tốn cười bảo: “Nghề trồng hoa cúc giống cho thu hoạch quanh năm. Càng làm lớn thì phải đầu tư lớn, làm được đến đâu lại kiến thiết mở rộng đến đó. Bản thân tôi không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được mà luôn luôn phấn đấu không ngừng”.

Ngoài việc xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Mạnh còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và làm theo lời Bác dạy các thế hệ thanh niên Việt Nam. Với tinh thần xung kích đi đầu cộng với sự cần cù chịu khó trong lao động và sáng tạo, anh Mạnh đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Mặt trời dần xuống núi, anh Mạnh cũng như những người nông dân nơi đây vẫn miệt mài với những mầm xanh và luống hoa. Còn tôi trở về nhà trên con đường bê tông trải dài, một bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang, một bên là cánh đồng hoa cúc ngút mắt tôi cảm nhận rất rõ mùa xuân đang tràn ngập nơi này. Cuộc sống đang đổi thay mạnh mẽ ở vùng đất thắm sắc hoa tươi.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]