(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, một số hộ dân ở xã Hóa Qùy (Như Xuân) đã đưa giống cây măng tây vào trồng thử nghiệm. Tuy mới “bén rễ” trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triển vọng phát triển cây măng tây trên đất Như Xuân

Thời gian qua, một số hộ dân ở xã Hóa Qùy (Như Xuân) đã đưa giống cây măng tây vào trồng thử nghiệm. Tuy mới “bén rễ” trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây măng tây của gia đình Nguyễn Văn Hóa, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân.

Mô hình trồng măng tây của anh Nguyễn Văn Hóa, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Qùy là mô hình đầu tiên của huyện Như Xuân phát triển cây này. Cách đây 1 năm, khi chưa biết đến cây măng tây, trên 2 ha đất, gia đình anh Nguyễn Văn Hóa chỉ trồng một số loại cây ăn quả, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Qua bạn bè và người thân, anh Hóa đến với cây măng tây như một cái duyên. Anh đã cất công tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây măng tây ở một số huyện, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Anh Hóa chia sẻ: “Cây măng tây có giá trị dinh dưỡng cao, đang được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp phòng chống lão hóa, béo phì... Giống cây này phù hợp trên đất màu tơi xốp, thoát nước, không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc mà chỉ dùng phân vi sinh, phân hữu cơ. Nhất là, chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm từ 7-10 năm”. Ngoài việc thuê nhân công để làm đất, ủ phân vi sinh anh Hóa đầu tư xây dựng hệ thống phun tưới nhỏ giọt để giữ độ ẩm cho đất, vốn đầu tư cho mô hình khoảng 450 triệu đồng. Sau 4 tháng chăm sóc, cây măng đã cho thu hoạch “bói” khoảng 2 đến 3 kg/sào/ngày, ước tính mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Anh Hóa cho biết: “Trong thời gian tới, tôi dự định đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm cây măng tây để tăng sự tin cậy của người tiêu dùng”.

Ông Lê Công Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Qùy, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 2 hộ dân trồng hơn 5 ha cây măng tây. Qua các mô hình trồng tại các huyện đã tham khảo và hiệu quả bước đầu của những mô hình tại địa phương, có thể nhận định rằng, đây là giống cây mang lại giá trị kinh tế cao”. Được biết, nhằm khuyến khích các hộ dân trồng cây măng tây, UBND xã Hóa Qùy đã tạo điều kiện cho người dân thuê đất để mở rộng diện tích, xây dựng xưởng sơ chế. Đồng thời, cân đối kinh phí từ nguồn vốn tái cơ cấu nông nghiệp, để hỗ trợ kinh phí cho người dân đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm cây măng tây. Bên cạnh đó, UBND xã tổ chức tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Để cây măng tây đứng vững và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, UBND huyện Như Xuân đã hỗ trợ phân vi sinh để cải tạo đất, tổ chức các lớp học hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây cho người dân tại xã Hóa Qùy. Đồng thời, tạo điều kiện để những hộ dân đang trồng cây măng tây nhanh chóng đăng ký tiêu chuẩn VietGAP. “UBND xã Hóa Qùy đang đồng hành cùng các hộ dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm và hình thành vùng sản xuất cây măng tây và trồng rau sạch. Qua đó, giúp nông dân mở rộng thêm diện tích trồng măng tây trong những năm tới”- ông Lê Công Huấn, cho biết.

Với những giải pháp thiết thực của chính quyền cùng với sự năng động, nhạy bén của nông dân, có thể tin rằng trong tương lai không xa cây măng tây sẽ phát triển trên vùng đất Như Xuân, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]