(Baothanhhoa.vn) - Ngày 23-2-2019, tại hộ gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định) đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), buộc phải tiêu hủy. Đây chính là ổ bệnh DTLCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hơn 3 tháng trôi qua, bệnh dịch vẫn cứ âm ỉ, như đám mây u ám bao phủ lên các trang trại, người chăn nuôi lợn trong xã. Kéo theo đó là những hệ lụy và nỗi trăn trở chưa có lời giải cuối cùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăn trở từ xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngày 23-2-2019, tại hộ gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định) đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), buộc phải tiêu hủy. Đây chính là ổ bệnh DTLCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hơn 3 tháng trôi qua, bệnh dịch vẫn cứ âm ỉ, như đám mây u ám bao phủ lên các trang trại, người chăn nuôi lợn trong xã. Kéo theo đó là những hệ lụy và nỗi trăn trở chưa có lời giải cuối cùng.

Trăn trở từ xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi

Chốt kiểm dịch tại thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định) thời điểm không có người gác (sáng 1-6).

Trở lại xã Định Long vào một ngày đầu tháng 6, chốt kiểm dịch duy nhất của xã đặt tại thôn Tân Ngữ 2 vẫn được duy trì trong hơn 3 tháng qua. Phích nước, ấm chén và chiếc giường trong lều bạt ven đường vẫn còn nguyên, cho thấy xã vẫn duy trì lực lượng trực. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt gần 1 giờ đồng hồ tại đây vào sáng 1 – 6 thì không thấy một bóng người. Người dân quanh đây cho biết, việc trực vẫn được duy trì thường xuyên, nhưng đồng chí công an xã phụ trách ca trực vừa về nhà. Về mặt “cái tình” có thể thông cảm cho cán bộ ca trực bởi họ đã vất vả ròng rã mấy tháng trời, có thể vì một chút việc riêng nên xảy ra một khoảnh khắc sao nhãng. Về vấn đề này, ông Khương Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Định Long, cho biết: Suốt thời gian xuất hiện bệnh DTLCP, xã đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, việc duy trì trực chốt kiểm dịch để kiểm soát lợn ra, vào địa bàn giao cho lực lượng công an và dân quân trong xã, cứ chia 2 người trực một ca. Những xe ô tô tải chở thức ăn chăn nuôi từ nơi khác đến cũng phải đậu ở đầu làng, các chủ trang trại phải điều xe nhỏ ra vận chuyển dần về, tránh lây lan mầm bệnh từ chính các xe chở thức ăn có thể đi nhiều trang trại chứa mầm bệnh ở nơi khác đến. Riêng sự việc không có người trực tại chốt kiểm dịch theo phóng viên phản ánh, ông Huynh cho rằng chỉ là chút sao nhãng, cũng nên thông cảm vì anh em đã vất vả nhiều ngày liên tiếp (...).

Một vấn đề đáng lo ngại khác là, trước thời điểm chúng tôi có mặt tại xã Định Long 3 ngày, địa phương lại tiếp tục xuất hiện ổ bệnh DTLCP mới. Cụ thể, đàn lợn của gia đình ông Hoàng Xuân Tâm, thôn Tân Ngữ 1 lại phát dịch, buộc phải tiêu hủy 46 con với tổng trọng lượng 3.443 kg. Chính quyền và người chăn nuôi ở đây tỏ ra lo lắng và trăn trở, bởi lẽ, sau thời gian gần 2 tháng đầu, tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp, nhưng sau đó tạm lắng xuống. Tưởng rằng, xã đã khống chế thành công dịch bệnh trên đàn lợn, có thể công bố hết dịch, nhưng gần đây lại xuất hiện 2 ổ dịch mới. Điều này cho thấy, mầm bệnh vẫn âm ỉ trên địa bàn, có thể bùng phát bất cứ khi nào. Nhiều xã trong huyện, trong tỉnh từng bị dịch đã khống chế thành công và công bố hết dịch, vậy sự nỗ lực của xã Định Long đã thực sự hiệu quả? 2 ổ dịch mới gần đây càng dấy lên sự lo ngại cho người chăn nuôi. Bà Trịnh Thị Huyền, người nuôi lợn thôn Tân Ngữ 2, chia sẻ: Gia đình tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ, song thấy tình hình dịch bệnh phức tạp nên vô cùng lo lắng. Nhiều tháng nay, gia đình luôn vệ sinh chuồng trại, không dám mua thịt lợn về ăn sợ nhiễm mầm bệnh.

Thống kê từ UBND xã Định Long, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn đã phát hiện và tiêu hủy 1.684 con lợn với tổng trọng lượng gần 94,5 tấn. Tại 12 hộ gia đình, trang trại từng xuất hiện dịch bệnh, thiệt hại kinh tế là rất lớn, người chăn nuôi đều mong muốn tỉnh sớm triển khai phương án hỗ trợ. Một điều băn khoăn khác là, do địa phương không bố trí được địa điểm hợp lý nên việc tiêu hủy hàng trăm con lợn được đào hố ngay sát chuồng nuôi tại các trang trại. Về lâu dài, có thể gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến chính đàn vật nuôi sau này.

Hỏi về công tác tái đàn sau dịch, Chủ tịch UBND xã Định Long Khương Ngọc Huynh, tỏ ra bi quan, bởi hiện chưa biết tình hình dịch bệnh thế nào nên chưa triển khai công tác tái đàn. Theo ông, vừa qua, xã đang định hướng người dân, một thời gian nữa không nên nuôi lợn tại những nơi từng bị dịch, thay vào đó nên nuôi gà và các con nuôi khác. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân cho rằng, chuồng trại nuôi gà khác với chuồng trại nuôi lợn, cũng không dễ triển khai. Nếu sửa chữa, xây mới hệ thống chuồng trại thì sẽ phát sinh nhiều khoản kinh phí không nhỏ, trong khi chưa chủ động được kỹ thuật nuôi gà với số lượng lớn nên sợ rủi ro.

Việc cử lực lượng thay nhau trực, thuê máy xúc để đào hố tiêu hủy lợn, mua vôi bột, thuốc khử trùng của xã hiện đã tiêu tốn gần 300 triệu đồng. Hiện, huyện Yên Định mới hỗ trợ xã 14 triệu đồng, số tiền còn lại, xã chưa biết lấy từ nguồn nào, có được huyện hỗ trợ tiếp hay không? “Một khoản tiền lớn phát sinh ngoài ngân sách dự phòng của xã. Hiện chúng tôi rất băn khoăn, không biết lấy tiền đâu để bù vào khoản tiền trên” – ông Lưu Văn Đạt, công chức Văn phòng – Thống kê của UBND xã Định Long, đồng thời là thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã tâm sự.

Bệnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, trong khi trên thế giới chưa có vắc–xin cũng như thuốc chữa. Xã đầu tiên xuất hiện dịch bệnh trong tỉnh còn chưa thoát dịch, lại xuất hiện những băn khoăn, trăn trở chưa giải quyết được, nỗi lo chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn đeo đẳng. Chỉ có sự quyết liệt, không cho phép lơ là, cùng sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành, các cấp và người dân thì mới mong dập hoàn toàn “cơn bão bệnh dịch” lợn quét qua địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]