(Baothanhhoa.vn) - Tận dụng lợi thế diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, với những vùng cây ăn trái ngút ngàn như: Nhãn, cam, bưởi..., người dân ở nhiều huyện miền núi Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành... những năm qua đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, để phát triển nghề này theo hướng bền vững, đòi hỏi phải có những cách làm cụ thể để vừa tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, vừa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm hướng đi bền vững cho nghề nuôi ong lấy mật

Tận dụng lợi thế diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, với những vùng cây ăn trái ngút ngàn như: Nhãn, cam, bưởi..., người dân ở nhiều huyện miền núi Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành... những năm qua đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, để phát triển nghề này theo hướng bền vững, đòi hỏi phải có những cách làm cụ thể để vừa tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, vừa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Tìm hướng đi bền vững cho nghề nuôi ong lấy mật

Nghề nuôi ong mật mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân ở các huyện miền núi.

Anh Nguyễn Văn Hưởng, ở thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng (Thạch Thành) gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật cách đây 10 năm. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi ong theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ. Tùy vào mùa nào thức nấy, đàn ong có thể hút mật hoa tự nhiên từ các loại cây xung quanh vườn nhà hoặc ở trong rừng để rồi cứ đến mùa lại cho thu hoạch vài ba lít mật ngọt thơm đặc trưng. Dần dần, nhận thấy vùng đất quê hương mình có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong, anh Hưởng đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi cách làm hay của các mô hình nuôi ong đã thành công ở nhiều địa phương rồi bắt đầu đầu tư máy móc phục vụ quá trình sản xuất mật ong một cách bài bản hơn.

Xác định để nghề nuôi ong phát triển vững chắc và có chỗ đứng trên thị trường, nếu chỉ theo cách làm truyền thống thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao, không tận dụng được hết thế mạnh của địa phương. Mong muốn hơn thế, để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, anh Hưởng đã đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, từ máy hạ thủy phần mật ong để xử lý từ mật ong thô trở thành sản phẩm nguyên chất đến hệ thống máy ủ diệt nấm khử vi sinh, máy lọc thô, lọc mịn và siêu mịn, hệ thống chiết rót chống tạo bọt, máy đóng nắp chai, khúc xạ kế dùng đo hàm lượng nước trong mật ong.

Nhờ kỹ thuật chăm nuôi đúng quy trình cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong khâu hoàn thiện sản phẩm, mật ong của gia đình anh Hưởng luôn đảm bảo chất lượng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và chứng nhận, cấp mã vạch sản xuất, kinh doanh mật ong tự nhiên. Hiện nay, mật ong của hộ anh Hưởng đã có mặt rộng khắp trên thị trường, không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhận được hiệu ứng tốt từ người tiêu dùng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Hưởng cho biết: “Bên cạnh niềm vui bước đầu về chất lượng mật ong sản xuất được, điều tôi trăn trở là thị trường mật ong nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Sự cạnh tranh cao từ sản phẩm đến từ nhiều nơi, nhiều sản phẩm kém chất lượng trà trộn làm khách hàng hoài nghi, e dè với những sản phẩm đạt chuẩn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẽ ngày ngày tiếp tục duy trì và tìm mọi cách phát triển nghề nuôi ong lấy mật, biến nó trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương mình”.

Hiện, hộ gia đình anh Hưởng mỗi năm sản xuất được hơn 1 tấn mật ong và là thành viên quan trọng của HTX ong mật Thành Hưng thường xuyên kết hợp với các thành viên trong câu lạc bộ nuôi ong của huyện Thạch Thành để cùng nhau hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cả HTX có 600 – 700 đàn ong, cho sản lượng hàng chục tấn mật mỗi năm, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và các sản phẩm nông sản sạch, đặc trưng riêng biệt của huyện Thạch Thành, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Cũng giống như xã Thành Hưng (Thạch Thành), xã Thanh Lâm (Như Xuân) là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với diện tích rừng tự nhiên lên tới 1.200 ha, rừng trồng 700 ha gồm các loại keo, sim, mua..., đây là một thuận lợi rất lớn cho nghề nuôi ong lấy mật. Tuy có tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng hiện tại, sản phẩm mật ong nơi đây còn mang tính tự phát. Để xây dựng thương hiệu mật ong Thanh Lâm và giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường, yếu tố quan trọng không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn cần đến thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho biết: Nuôi ong mật là nghề mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Để nghề này từng bước vững mạnh, chúng tôi đã tổ chức cho người dân địa phương tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như định hướng cho quá trình phát triển lâu dài. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ nuôi ong Thanh Lâm với 30 thành viên để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình phát triển đàn cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm. Từng bước thực hiện các chương trình quảng bá về sản phẩm qua các hội chợ thương mại, các gian hàng trưng bày của các đoàn thể, địa phương để người tiêu dùng gần xa biết đến mật ong Thanh Lâm, giúp mật ong Thanh Lâm trở thành sản vật đặc trưng của địa phương, là điểm nhấn tạo nên dấu ấn cho khách hàng mỗi lần đến với xã khó khăn của huyện miền núi Như Xuân.

Một thực tế hiện nay, thị trường tiêu thụ của sản phẩm mật ong vẫn đang là “bài toán khó” đối với nghề nuôi ong mật. Nhiều địa phương có lợi thế về đồi núi đều phát triển nghề nuôi ong lấy mật, do đó, thị trường cạnh tranh rất lớn. Người nuôi ong vẫn đang tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm và vẫn theo phương thức “mạnh ai nấy làm” do chưa có một đầu mối tiêu thụ chung. Nhiều hộ nuôi ong thu hoạch mật rồi bán lẻ từng chai qua các mối quen giới thiệu mà không có thị trường ổn định nên việc duy trì cũng trở nên bấp bênh và kém hiệu quả. Việc cần làm giờ đây là xây dựng được kênh tiêu thụ ổn định góp phần nâng cao giá trị dòng sản phẩm tự nhiên này.

Để nghề nuôi ong mật có hướng đi bền vững, ngoài việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm thì việc quan tâm phát triển các câu lạc bộ, HTX nuôi ong ở các địa phương là thực sự cần thiết. Nhờ đó vừa thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra sản phẩm, thương hiệu ổn định vừa tăng hiệu quả giá trị kinh tế của mật ong, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ dân và nhiều địa phương trong tỉnh.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]