(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 69.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 24.000 hộ thuộc diện quản lý thuế. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng trong phát triển doanh nghiệp (DN) mới. Thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi lên DN đã có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đáp ứng các điều kiện về thủ tục pháp lý và nâng cao uy tín với đối tác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếp tục hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 69.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 24.000 hộ thuộc diện quản lý thuế. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng trong phát triển doanh nghiệp (DN) mới. Thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi lên DN đã có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đáp ứng các điều kiện về thủ tục pháp lý và nâng cao uy tín với đối tác.

Tiếp tục hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp

Tuy đã hoạt động nhiều năm, doanh thu ổn định nhưng nhiều hộ cá thể vẫn chưa muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất tăm xiên tại xã Quảng Văn (Quảng Xương).

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã có hơn 700 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập DN. Những tháng đầu năm 2019, các huyện, thị xã, thành phố cũng đang nỗ lực vận động, tuyên truyền các cơ sở có tình hình kinh doanh ổn định, doanh thu cao thực hiện thủ tục chuyển đổi, hoạt động dưới hình thức DN. Trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 928 DN đăng ký thành lập mới, trong đó đối tượng nguồn lực chính vẫn là các hộ kinh doanh cá thể. Thực tế cho thấy, với nền tảng là kinh nghiệm kinh doanh, thị trường, khách hàng sẵn có, nhiều hộ kinh doanh đã nhanh chóng bắt nhịp theo mô hình DN, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nhôm kính Viethome, huyện Như Thanh, cho biết: Trước kia, khi hoạt động ở mô hình hộ kinh doanh cá thể, đơn vị chủ yếu giao dịch với các đối tác khách lẻ. Từ khi được vận động chuyển đổi hoạt động theo mô hình DN, nhiều đối tác, khách hàng là DN, xí nghiệp đã tìm đến đặt hàng vì đơn vị đã có đủ hóa đơn, chứng từ thực hiện các hợp đồng cung ứng một cách bài bản. Việc tiếp cận thông tin thị trường cũng thuận lợi hơn khi công ty được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, tạo cơ hội để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, khảo sát từ thực tế cho thấy, do hạn chế về trình độ quản trị cùng những lo ngại trong chính sách kê khai thuế, kế toán, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với định hướng chuyển đổi, khiến mục tiêu thành lập DN mới đang gặp khó khăn. Mặc dù hiện nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số DN đăng ký thành lập mới, tuy nhiên, số lượng DN mới thành lập mới chỉ đạt 31% kế hoạch năm 2019. Nhiều địa phương, số lượng DN thành lập mới chỉ đạt từ 20-30% kế hoạch, như: Huyện Thiệu Hóa (18%), huyện Quảng Xương (19%), thị xã Bỉm Sơn (23%), huyện Lang Chánh (20%), huyện Như Xuân (20%)... Chị Phạm Thị Thu, chủ một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại đường Đinh Công Tráng, TP Thanh Hóa, chia sẻ: Mặc dù kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm có doanh thu lớn, tuy nhiên, khách hàng chủ yếu lại là khách lẻ nên ít khi có nhu cầu xuất hóa đơn. Hơn nữa, khi kinh doanh với tư cách hộ cá thể, mình chị vừa có thể điều hành sản xuất, vừa kiêm luôn khâu sổ sách, kế toán. Nếu phát triển lên DN, chị e ngại sẽ phải “cõng” thêm nhân sự do phải đáp ứng nhiều quy định khác.

Hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đều đang tập trung tuyên truyền, giúp các hộ kinh doanh hiểu rõ hiệu quả của việc chuyển đổi lên mô hình DN, đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh thành lập DN mới. Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 cũng đã quy định một số chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ đối tượng DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh có nhu cầu sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN; miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai...

Tuy nhiên, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các quy định trên, để tạo “lực hút” mạnh mẽ hơn, giúp các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi “lên” DN, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về thuế, kế toán ban đầu, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quản lý công tác thu thuế, tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh. Hơn nữa, mục tiêu của phát triển DN là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, các địa phương cần tích cực phối hợp với ngành thuế trong việc rà soát, xác định lại doanh thu của các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện thành lập DN. Bên cạnh chính sách khuyến khích, cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với hộ đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số lao động nhưng không chịu thành lập DN để trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Chính quyền các cấp cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để hộ sản xuất cá thể yên tâm khi đăng ký thành lập DN, góp phần vào mục tiêu của tỉnh thành lập mới 3.000 DN trong năm 2019.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]