(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển khá toàn diện. Một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh. Một số vùng sản xuất an toàn tập trung, chuyên canh và các chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn đã hình thành, phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm

Những năm qua, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển khá toàn diện. Một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh. Một số vùng sản xuất an toàn tập trung, chuyên canh và các chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn đã hình thành, phát triển.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm

Nhân dân xã Đông Tiến (Đông Sơn) chăm sóc dưa trồng trong nhà lưới.

Các hoạt động giao thương kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được tỉnh, các sở, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, HTX... quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 130 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Trong đó, có 47 cơ sở đã được hỗ trợ chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng đang hoạt động (18 cơ sở được chứng nhận VietGAP trong sản xuất; 16 cơ sở được cấp chứng nhận GMP/SSOP trong sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản; 11 cơ sở được chứng nhận HACCP trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản; 2 cơ sở được chứng nhận ISO 22000 trong kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản). Đồng thời, đã xác nhận và duy trì hiệu quả 30 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn, với hơn 100 cơ sở tham gia chuỗi xây dựng. Hằng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 23.000 tấn gạo, 12.000 tấn rau quả, 5.200 tấn thịt, 7 triệu quả trứng, 6.500 tấn thủy sản; trong đó, sản phẩm được dán tem xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn 500 tấn gạo; 940 tấn rau, củ, quả; 1.500 tấn thịt; 3,6 triệu trứng gia cầm; 2.400 tấn sản phẩm thủy sản. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, có 32 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 240 cửa hàng kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; sản phẩm tại các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, một số sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Đây là những địa chỉ tin cậy được người tiêu dùng lựa chọn để mua những sản phẩm nông sản, thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Hằng năm, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động để giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh và giới thiệu quảng bá các sản phẩm có lợi thế của tỉnh với các địa phương khác. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình tốt về xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy, đẩy mạnh; đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia. Nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được nâng lên. Tính tự giác và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm nông sản, thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đi đôi với đó, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, kết nối các cơ sở sản xuất với nhau, cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất cho thấy, tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương còn chậm; việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều. Thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với thế mạnh của tỉnh. Đóng góp của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn nhiều hạn chế; chất lượng nông sản còn thấp, giá thành cao, vẫn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số hợp đồng nguyên tắc được ký kết thông qua các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn nhưng không được triển khai thực hiện. Tình trạng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đủ mạnh về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị để tham gia đấu mối vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh, việc nhận diện sản phẩm an toàn trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn vẫn còn xảy ra gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về sử dụng, tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác quản lý an toàn thực phẩm, phổ biến các quy định nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Công bố rộng rãi, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn để học tập, nhân rộng. Đồng thời, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Các sở, ngành, các địa phương; các tổ chức, cá nhân tập trung thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 7-3-2019 về nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh và các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn được xác nhận cho các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, gồm: Gạo, thịt và trứng gia cầm, thịt lợn, rau, quả, tôm, sắn và các sản phẩm từ sắn, sản phẩm từ hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi, mía đường, thịt bò, bò sữa và các sản phẩm từ sữa. Đồng thời, ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại. Áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ trong canh tác, thực hành nông nghiệp; thực hiện các biện pháp về giống, kỹ thuật nuôi, canh tác đầu tư thâm canh để bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm OCOP cấp huyện; tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương. Đi đôi với đó, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới, tiên tiến để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ đóng bao sang đóng gói, gắn với định hướng thay đổi phương thức, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang phương thức sản xuất hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vận hành có hiệu quả phần mềm hệ thống thông tin quản lý, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; phần mềm kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn thông qua website, mạng xã hội để kết nối cơ sở sản xuất; kết nối người sản xuất với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm dễ dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin, tạo thương hiệu cho nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế của tỉnh; đồng thời, hỗ trợ quảng bá sâu rộng tới người tiêu dùng trong nước và ngoài nước về các sản phẩm được chứng nhận.

Bài và ảnh: Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]