(Baothanhhoa.vn) - Với tư duy đổi mới, cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất mà tỉnh và các địa phương thực hiện, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao đang dần lan tỏa, đánh dấu bước khởi sắc của nền nông nghiệp tỉnh nhà trong xu thế mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao: Bài cuối: Nhân lên những mô hình hiệu quả

Với tư duy đổi mới, cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất mà tỉnh và các địa phương thực hiện, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao đang dần lan tỏa, đánh dấu bước khởi sắc của nền nông nghiệp tỉnh nhà trong xu thế mới.

Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao: Bài cuối: Nhân lên những mô hình hiệu quả

Mô hình trồng cam công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Năm 2019, tỉnh ta dự kiến tổ chức lễ hội “dưa Thanh Hóa”. Hội tụ những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng với việc đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật đúng hướng, các sản phẩm dưa trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, từ dưa vàng Kim hoàng hậu, dưa vàng Kim cô nương, dưa lưới Taki đến dưa hấu, dưa lê, dưa chuột... Nhiều sản phẩm dưa được canh tác trong nhà lưới, nhà kính áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU. Đây cũng là mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhiều địa phương triển khai nhân rộng do đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tại Trung tâm Ứng dụng phát triển công nghệ cao Lam Sơn của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, theo tính toán, với 3 vụ canh tác, 1 ha dưa vàng Kim hoàng hậu mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Từ hạt nhân này, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã liên kết nhân rộng, chuyển giao mô hình cho hàng chục hộ gia đình trên địa bàn huyện Thọ Xuân và các địa phương lân cận, giúp nông dân có thu nhập cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa.

Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 độ C đến 25 độ C, lượng mưa từ 1.500mm đến 2.500mm, độ cao khoảng 1.200 m so với mặt nước biển cùng thổ nhưỡng đất tơi xốp, Vũng Cộp thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) được ví như “Sapa trong lòng tỉnh Thanh”, rất thích hợp để phát triển nhiều loại dược liệu quý. Vậy nhưng trước kia, do diện tích đất manh mún, đường lâm nghiệp lại chưa có nên Vũng Cộp chỉ là một cánh rừng nghèo lau lách. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học thực địa, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung có chất lượng cao tại Vũng Cộp với quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất. Sự hiện diện của doanh nghiệp đã khiến con đường lên núi được mở. Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018, từng khoảnh đồi, rừng nghèo kiệt đã dần được khai hoang, phủ xanh bởi những vườn dược liệu quý như: Mã tiền, hà thủ ô, thổ phục linh... Đến nay, diện tích cây dược liệu ở Vũng Cộp đã được nhân rộng lên hơn 203 ha. Bà con nông dân được công ty cung cấp giống, tư vấn hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đồng chí Hà Văn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quan Sơn phấn khởi, chia sẻ: Thực tế, do được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiều vùng núi cao của huyện Quan Sơn vốn là vùng đất “vàng” của các loại cây dược liệu. Đồng bào dân tộc nơi đây đã khai thác, bào chế, lưu truyền được nhiều vị thuốc dân gian quý. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức nên dẫn đến việc khai thác bừa bãi, chưa chú ý đến việc lưu giữ, bảo tồn, tái sinh các loại dược liệu này. Sau quá trình thử nghiệm thực địa, doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa đã quyết định đầu tư phát triển vùng dược liệu này, với hy vọng nơi đây sẽ trở thành vùng dược liệu quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến trong tương lai, đồng thời giúp bà con nông dân có thu nhập khá từ mô hình nhiều triển vọng này. Theo tính toán, với 1 ha mã tiền, hà thủ ô có thể mang lại cho người dân thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Còn với 1 ha thổ phục linh có thể cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với tích tụ ruộng đất, từ năm 2015 đến nay, hàng năm huyện Đông Sơn đều thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao. Với mô hình 1.000 m2 nhà lưới trở lên trong giai đoạn năm 2015-2017, các hộ dân sẽ được hỗ trợ từ 100 - 300 triệu đồng. Riêng năm 2018 huyện có chính sách hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho mô hình quy mô 1 ha trở lên. Sự quan tâm cùng những chính sách thực tế đã khuyến khích nhiều mô hình sản xuất phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Sơn đã có 8 ha mô hình trồng trọt trong nhà màng, nhà lưới trồng các loại hoa, rau quả cao cấp. Các mô hình này đã góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm cho lao động và nâng cao giá trị thu nhập gấp 5-10 lần so với sản xuất thông thường. Là một trong 5 HTX sáng lập của Liên hiệp HTX Thanh Hóa với hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định, HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn) không ngừng giới thiệu, chuyển giao những mô hình canh tác hiệu quả cho các HTX và thanh niên khởi nghiệp khu vực lân cận. “Bén duyên” với sản xuất nông nghiệp từ năm 2016, cùng với những cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương và cam kết hợp tác bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn Anh đã quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2017, Nguyễn Tuấn Anh đã quyết định thuê thêm đất, mở rộng diện tích nhà kính lên 3.500m2 với tổng số vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Từ dưa vàng Kim hoàng hậu, Tuấn Anh đa dạng cây trồng trong nhà kính thêm cà chua, khoai tây và các loại hoa. Hiện nay, Tuấn Anh đã trở thành một “ông chủ” khá trẻ với doanh thu hàng tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm.

Tại huyện Yên Định, diện tích trồng lúa lai F1 đã được nhân rộng lên hàng trăm ha. Ngoài diện tích nhà lưới, nhà kính tại các xã Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường, Định Hòa, Định Tường..., địa phương cũng nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cho những diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài trời, như: Lắp đặt hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cũng đang được triển khai, phát triển tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương... Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hiện đã được phát triển và nhân rộng đa dạng ở nhiều lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Từ hiệu quả kinh tế thực tiễn so sánh với sản xuất truyền thống, nhiều doanh nghiệp, “ông chủ” nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, thuê đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do áp dụng trình độ kỹ thuật tiên tiến, lại chú trọng khâu hợp tác liên kết nên 80% sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được bao tiêu và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Tại Nghị quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là một trong 4 khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TU về tích tụ ruộng đất, các địa phương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cùng những giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Nhà nước cần điều chỉnh pháp luật về đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, nhất là vấn đề thời gian, thủ tục thuê đất nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thông thoáng, đơn giản hơn trong thủ tục chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả lâu năm, cây dược liệu để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với cơ chế, chính sách về đất đai, việc khắc phục khó khăn về nguồn vốn tín dụng cần được khơi thông nhằm tạo lực cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phát triển sản xuất. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, chia sẻ: Khi triển khai các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Theo tính toán, để có một ha nhà kính với các thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nếu thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn châu Âu thì cần tới 10 đến 20 tỷ đồng. Do đó, nhu cầu về vốn để đáp ứng, nhân rộng các mô hình rất cần phải có sự hỗ trợ, chung tay của các ngân hàng thương mại, với các chính sách ưu tiên cụ thể của Nhà nước. Cùng với đó, các địa phương cần tích cực nỗ lực thực hiện việc “dọn đường”, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề về tiếp cận thông tin khoa học công nghệ, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]