(Baothanhhoa.vn) - Công nghiệp hỗ trợ được xem là “chìa khóa” phát triển của các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành, lĩnh vực công nghiệp này trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự tự chủ trong sản xuất của khối các doanh nghiệp sản xuất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ được xem là “chìa khóa” phát triển của các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành, lĩnh vực công nghiệp này trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự tự chủ trong sản xuất của khối các doanh nghiệp sản xuất.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực may mặc, da giày đang rất bức thiết. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sakurai đóng tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất.

Nhiều “đất” để phát triển

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51 doanh nghiệp may công nghiệp và hơn 3.000 cơ sở may thuộc các tổ hợp tác và hộ gia đình, 7 doanh nghiệp da giày. Công nghiệp may mặc, da giày phát triển đã đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Theo quy hoạch phát triển dệt may, da giày tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt, đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may khoảng 866 triệu USD. Giá trị sản xuất ngành dệt may đạt 18.000 tỷ đồng trở lên. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt 1.152 triệu USD và giá trị sản xuất ngành dệt may đạt 26.000 tỷ đồng trở lên. Với ngành da giày, mục tiêu đến năm 2020, giá trị xuất khẩu đạt 810 triệu USD trở lên, thu hút 93.500 lao động.

Ngày 8-3 vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và sẽ có hiệu lực sau 60 ngày. Sắp tới, các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, da giày sẽ có cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu theo lộ trình giảm mức thuế quan đối với 12 nước nội khối CPTPP. Trong khi đó, hiện nay ngành may mặc, da giày trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc đến 90% vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Để đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ nội khối của nguyên liệu, các doanh nghiệp may mặc, da giày trong tỉnh đang rất khẩn thiết mong muốn sớm có các doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu để cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Đây là một cơ hội lớn về thị trường đầu ra của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực dệt, nhuộm.

Ngoài công nghiệp may mặc, da giày; các ngành cơ khí, chế tạo máy, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển. Tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Nhà máy Ô tô Veam không ngừng tăng trưởng về sản lượng sản xuất. Với sự bấp bênh về giá cả, thị trường động cơ, chi tiết máy nhập khẩu, đơn vị cũng đang xây dựng kế hoạch nội địa hóa các linh kiện. Khu A - Khu Công nghiệp Bỉm Sơn cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với các chức năng xây dựng nhà máy lắp ráp xe ô tô và chế tạo máy, cơ khí, định hướng rõ mục tiêu để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tìm hiểu đầu tư dự án và thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Cần cụ thể hóa và sớm thực thi các chính sách hỗ trợ

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2025, tỉnh ta định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng nhanh, bền vững, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh cũng định hướng 3 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên, tập trung phát triển là công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và chế tạo cơ khí; công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực điện tử.

Theo đó, với ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày sẽ phát triển theo hướng chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và hình thành phát triển các cụm ngành. Với công nghiệp hỗ trợ ô tô và chế tạo cơ khí, sẽ rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành lắp ráp ô tô và chế tạo cơ khí theo hướng hỗ trợ sản xuất ra các sản phẩm hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh; đồng thời, thí điểm lựa chọn phát triển 1 cụm ngành có tiềm năng sản xuất máy và thiết bị ô tô tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn. Với công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực điện tử, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng phương án chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Thực tế, trước sự phát triển mạnh của lĩnh vực công nghiệp may mặc, da giày trong những năm qua, tỉnh ta đã xác định việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm để xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí để bố trí các dự án này cần phải nghiên cứu kỹ do liên quan đến môi trường, xử lý nước thải, cấp điện, cấp nước, nguồn lực lao động. Đồng thời, diện tích đất để bố trí các nhà máy dệt nhuộm phải đủ lớn để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xử lý môi trường hiệu quả nên mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu, lựa chọn.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn Cụm công nghiệp (CCN) Bắc Hoằng Hóa để xây dựng CCN hỗ trợ ngành dệt may với diện tích 50 ha. Công ty CP Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Hóa cũng đã được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư hạ tầng cho CCN hỗ trợ này. Tại cuộc họp nghe báo cáo chủ trương xây dựng CCN Bắc Hoằng Hóa thành CCN hỗ trợ ngành dệt may, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định chủ trương xây dựng CCN Bắc Hoằng Hóa trở thành CCN mẫu mực về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Hiện nay, Công ty CP Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Hóa cũng đang khẩn trương thuê đơn vị tư vấn, tập trung nguồn lực tài chính để triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án trước nhu cầu bức thiết hiện nay, các sở, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhất là ưu tiên hỗ trợ chủ đầu tư trong việc giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án. Bên cạnh đó, ngành công thương cần tích cực phối hợp với các ngành và chủ đầu tư đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt nhuộm đến đầu tư nhà máy tại CCN; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đầu tư dự án tại CCN này.

Ngoài CCN Bắc Hoằng Hóa với hy vọng ra đời các nhà máy hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp dệt nhuộm, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện tử dường như đang còn khá “mơ hồ” trên chặng đường phát triển. Đại diện nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cho biết, mặc dù Kế hoạch 206/KH-UBND đã cụ thể các lĩnh vực và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ chưa được cụ thể, khiến “lực hút” trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành các danh mục dự án công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng cần được xây dựng cụ thể và thực thi một cách nhanh chóng, tạo niềm tin để nhà đầu tư tìm đến ngành công nghiệp quan trọng này.


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]