(Baothanhhoa.vn) - Thọ Thắng là xã có tên muộn nhất trên bản đồ của huyện Thọ Xuân, vì mãi đến năm 1987 xã mới được thành lập với diện tích hơn 500 ha vốn là đất quảng canh của 6 xã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thọ Thắng - từ một xã “10 không” đến cán đích nông thôn mới

Thọ Thắng là xã có tên muộn nhất trên bản đồ của huyện Thọ Xuân, vì mãi đến năm 1987 xã mới được thành lập với diện tích hơn 500 ha vốn là đất quảng canh của 6 xã.

Trường Tiểu học xã Thọ Thắng được đầu tư xây dựng khang trang.

Cùng với một số hộ dân của làng Đại Thắng (xã Xuân Lập), làng Thọ Long (xã Xuân Tín), nhiều hộ dân ở những xã đông dân cư, ít đất canh tác, đời sống gặp nhiều khó khăn đã tình nguyện định cư đến xã Thọ Thắng để xây dựng vùng kinh tế mới và được đánh giá là một đợt chuyển cư trong nội huyện lớn nhất với 185 hộ, 867 khẩu.

Đến vùng đất mới, các hộ đều xác định phải gắng vượt qua vất vả ban đầu. Bởi, tuy là xã đồng bằng, nhưng Thọ Thắng có tới “10 không”. Đó là: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không trụ sở, không bưu điện, không nhà văn hóa, không cửa hàng mua bán, không có hộ khá trở lên và không có học sinh cấp 3, đại học. Được sự quan tâm kịp thời của cấp trên, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ xã xuống thôn, tổ dân cư trong xã Thọ Thắng được hình thành, bắt tay ngay vào lãnh đạo, điều hành, tạo sự đoàn kết, nhất trí, giữa cán bộ và người dân, cuộc sống của các hộ dần ổn định. Nhất là khi thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), mọi người đều tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp công sức xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, đẹp giàu.

Bà Trịnh Thị Lý, bí thư chi bộ thôn Thọ Long, cho biết: “Chi bộ có 20 đảng viên. Thực hiện nghị quyết của ban chấp hành đảng bộ xã về xây dựng NTM, đảng viên gương mẫu thực hiện trước rồi vận động các hộ đóng góp công sức để xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương kiên cố với khả năng của từng gia đình, chứ không “cào bằng”. Chủ trương đúng, trúng của xã đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Xã có 3 thôn thì cả 3 thôn đều có hộ tự nguyện hiến đất (thôn Phú Vinh có 39 hộ, thôn Đại Thắng có 47 hộ, thôn Thọ Long có 53 hộ) với tổng số 5.498m2. Cùng với đó, tất cả các hộ đều góp công sức làm đường, nên đến nay 100% đường thôn được mở rộng; gần 90% đường trục chính nội đồng đã cứng hóa. Người dân càng phấn khởi hơn khi các tuyến đường từ trung tâm xã đi các hướng, nối liền các xã đều đang được các đơn vị thi công mở rộng, phấn đấu hoàn thành trước ngày công bố xã về đích NTM.

Về thủy lợi, trước đây đồng đất nơi này phụ thuộc vào “ông trời” với cảnh chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn; thì nay có 135/166 ha (83% diện tích) đã chủ động được nguồn nước tưới. Từ chỗ các hộ chỉ sản xuất một vụ, năng suất bấp bênh, nay tăng lên 3 vụ với đa dạng các loại rau, màu mang lại giá trị kinh tế. Tiêu biểu như gia đình ông Trịnh Công Thảo, bí thư đảng ủy xã và rất nhiều hộ đã trồng cà chua, dưa chuột, đậu leo, cây này này... mỗi sào thu hơn 10 triệu đồng/vụ, một năm sản xuất 3 vụ, thu hơn 30 triệu đồng; tính ra mỗi ha cho thu hơn 600 triệu đồng/năm. Việc trồng lúa, ngô, rau màu cho thu nhập cao chính là điều kiện để các hộ phát triển chăn nuôi, như gia đình ông Trịnh Xuân Đang ở thôn Phú Vinh nuôi 10 con trâu sinh sản cùng lợn, gà cũng cho thu nhập khá.

Sản xuất tại đồng đất quê nhà ngày một cho thu nhập cao, cùng với tiền con em trong xã đi làm ăn xa gửi về đã giúp các hộ có “bát ăn, bát để”. Có điều kiện, các hộ tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, như hộ ông Đỗ Như Quyết, thôn Thọ Long tự nguyện ủng hộ 10 triệu đồng; 2 người con, mỗi người ủng hộ 2 triệu đồng để làm mái tôn sân nhà văn hóa thôn. Cứ thế, nay cả 3 thôn đều có nhà văn hóa và đều đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện.

Vậy là, từ một xã có tới “10 không”, nay không chỉ điện, đường, 3 trường học, trạm y tế, bưu điện, hệ thống kênh mương... đều đã hiện hữu là điều kiện quan trọng giúp các hộ phấn khởi thi đua sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và đã mang lại kết quả rất trân trọng. Nếu như trước kia xã có tới 70% hộ nghèo, thì nay chỉ còn 4,4%; hộ khá, giàu chiếm 58%; hầu hết các hộ có phương tiện nghe nhìn, hơn 80% số hộ có xe máy, 96% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đang chuẩn bị khởi công xây dựng công sở UBND và nhà văn hóa, sân vận động xã; các hộ vừa tập trung sản xuất, vừa chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, đường giao thông nội thôn, vệ sinh môi trường... Phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018.

Đồng chí Trịnh Công Thảo, bí thư đảng bộ xã, bộc bạch: Thành tích trên là nhờ sự hỗ trợ của các cấp; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân. Tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, thời gian tới về sản xuất, xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các hộ tận dụng diện tích đất màu cùng với kinh nghiệm thâm canh để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; vùng trũng, đất khó canh tác thì thành lập các trang trại, gia trại tổng hợp; hình thành các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh, HTX dịch vụ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân... để kinh tế - xã hội Thọ Thắng phát triển bền vững, góp phần cùng các xã đưa Thọ Xuân đạt huyện NTM trong năm 2019.


Bài và ảnh: Minh Đạo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]