(Baothanhhoa.vn) - Mối quan hệ hữu cơ giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu chính là một trong những yếu tố thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở thu mua sản phẩm mà chưa chú trọng đến sự gắn kết với người dân trong việc đầu tư trồng, chăm sóc và thu mua nguyên liệu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu liên kết giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu

Mối quan hệ hữu cơ giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu chính là một trong những yếu tố thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở thu mua sản phẩm mà chưa chú trọng đến sự gắn kết với người dân trong việc đầu tư trồng, chăm sóc và thu mua nguyên liệu.

Khu vực sản xuất của Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, thuộc khu công nghiệp Xuân Hòa (Như Xuân).

Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn thuộc khu công nghiệp Xuân Hòa (Như Xuân) chuyên sản xuất sản phẩm gỗ lạng, ván ép xuất khẩu, có công suất 2.550m3 sản phẩm/tháng. Đây chính là nơi tiêu thụ nguyên liệu gỗ keo cho người dân huyện Như Xuân và một số huyện lân cận. Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng công ty vẫn chưa có bất kỳ “sợi dây” nào gắn kết với người trồng rừng. Việc thu mua gỗ của nhà máy, chủ yếu qua các đầu nậu thu gom và trực tiếp thu mua với người dân. Do đó, nếu có cơ sở khác thu mua gỗ của người dân với giá cao hơn, chắc chắn nguồn nguyên liệu của công ty sẽ bị “đe dọa”. Theo lý giải của ông Bùi Hồng Hải, Giám đốc công ty, việc doanh nghiệp chưa thực hiện liên kết chặt chẽ với người trồng rừng do nhiều nguyên nhân, như: Công ty mới đi vào hoạt động, công suất chưa ổn định. Đồng thời, phần lớn người dân vẫn trồng rừng theo phương thức quảng canh nên năng suất, chất lượng rừng thấp, thu hoạch rừng khi chưa đủ tuổi nên không bảo đảm chất lượng để chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 7.100 ha rừng sản xuất, với hơn 2.000 hộ dân tham gia trồng rừng. Hàng năm, người dân khai thác khoảng từ 1.200 đến 1.400 ha rừng trồng để bán cho các cơ sở băm dăm và một số nhà máy chế biến gỗ, giấy trên địa bàn tỉnh. Nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ cho người dân, tỉnh, huyện đã chấp thuận đầu tư của các nhà máy chế biến như Nhà máy chế biễn gỗ công nghiệp Thành Nam, Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn... Song, các nhà máy này đều chưa hình thành được mối liên hệ sản xuất - tiêu thụ với người dân nên hiện tượng “tranh mua”, “ép giá” vẫn còn tồn tại. Sau khi thu mua sản phẩm, các nhà máy chưa chú trọng đến việc đầu tư tái tạo vùng nguyên liệu nên tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu.

Để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao; gắn sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ, xã Hà Long (Hà Trung) đã có chủ trương chuyển đổi 200 ha đất nông nghiệp sang trồng dứa. Tuy nhiên, những năm gần đây nhận thấy cây dứa cho năng suất 50-70 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 150 đến 180 triệu đồng/ha nên nhiều hộ dân địa phương đã tự ý chuyển đổi đất trồng mía sang trồng dứa. Niên vụ 2017- 2018, trên địa bàn xã Hà Long diện tích dứa được trồng ngoài quy hoạch khoảng 450 ha, nâng tổng diện tích dứa của địa phương lên gần 700 ha. Bà Bùi Thị Hường, thôn Khắc Dũng, cho biết: “Gia đình tôi có 2 sào trồng mía, thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/năm. Nhưng mấy năm gần đây, người dân trong xã trồng dứa thu nhập cao hơn từ 1 đến 1,3 lần so với trồng mía nên gia đình tôi đã chủ động chuyển đổi để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, dứa là sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường hiện nay”. Việc mở rộng diện tích dứa diễn ra ở nhiều xã trên địa bàn các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Như Thanh, Như Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Điều đáng nói, hầu hết các hộ dân trồng dứa tự phát đều chưa tìm được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở thu mua, chế biến và chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái. Ông Lê Minh Công, Giám đốc HTX Dịch vụ nông Nghiệp xã Hà Long, cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nhiều nhà máy không muốn đầu tư trọn gói mà thường ký hợp đồng với các cơ sở thu mua. Mặt khác, việc người dân trồng dứa ồ ạt, vô hình chung tạo điều kiện để các cơ sở thu mua, chế biến nhỏ hình thành, gây thất thoát nguồn nguyên liệu, đồng thời đẩy người dân vào nguy cơ “được mùa mất giá”.

Những năm gần đây, việc liên doanh, liên kết theo hình thức nhà máy hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng không còn xa lạ với người nông dân. Tiêu biểu, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Mía đường Nông Cống, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh... Việc liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu mang lại lợi ích hai chiều. Tuy nhiên, nhiều liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu có sự lỏng lẻo, bị phá vỡ một phần do sự “bội tín” của doanh nghiệp, một phần do sự thiếu chuyên nghiệp của người nông dân khi tự ý phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài.

Ðể khai thác tốt tiềm năng sản xuất, chế biến nông-lâm sản của tỉnh, trước hết các nhà đầu tư phải nắm bắt được thị trường, sau đó là đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, bảo đảm lợi ích kinh tế hài hòa giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân cần tuân thủ nghiêm túc hợp đồng đã ký kết, tránh tình trạng trồng theo phong trào khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]