Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng với các nhà đầu tư khi chi tiêu mỗi năm của người dân lên tới hàng tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nhỏ không nên sợ hãi, né tránh

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng với các nhà đầu tư khi chi tiêu mỗi năm của người dân lên tới hàng tỷ USD.

Nhiều tập đoàn nước ngoài đã đầu tư mạng lưới bán lẻ tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy vậy, làm thế nào để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh là nội dung chính được đặt ra tại Hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18/5, tại Hà Nội.

Thiếu những giải pháp trọn gói

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhiều năm nay thương mại nội địa phát triển rất sôi động đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Tuy vậy, bà Lan cũng tỏ ra băn khoăn về sự mất cân đối của mạng lưới bán lẻ. Đơn cử mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối còn ít, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi vẫn còn địa phương đến thời điểm này chưa có sự hiện diện của hệ thống bán lẻ hiện đại.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang cạnh tranh hết sức mạnh mẽ trên thị trường nội địa.

Dẫn ví dụ về việc một tuần các đơn vị chuyên môn của Sở Công Thương trình toàn văn bản cấp phép cho doanh nghiệp FDI trong khi cả tháng chưa có một đơn vị bán lẻ trong nước nào, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề đáng lo ngại.

"Việc sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, công tác quản lý chất lượng sản phẩm ở nhiều khâu còn hạn chế. Thậm chí còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân," bà Lan nói thêm.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh lại chỉ ra những bất cập ở khâu logistics, theo đó, dù quy mô nhỏ nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ cũng như hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.

Theo bà Hiền, có doanh nghiệp còn chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài, do vậy vẫn chưa có những giải pháp trọn gói và thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng.

Nhỏ nhưng năng động

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều có qui mô vừa và nhỏ, trong khi xu hướng tới đây của các tập đoàn bán lẻ lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ hiện thực hóa ý đồ tập trung đầu tư chủ yếu vào phương thức cung cấp dịch vụ phân phối, một khâu trọng yếu để làm chủ thị trường.

Nhưng dù vậy, theo Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, với các doanh nghiệp nhỏ không có gì phải sợ hãi và né tránh sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp lớn.

Lập luận ý này, ông nói "nhiều khi qui mô không bằng tốc độ. Phàm là nhỏ thì năng động, linh hoạt và sáng tạo hơn. Lớn mà tập trung cao độ theo chiều sâu chưa chắc đã bằng nhỏ mà bao phủ rộng khắp. Không có gì phải tự nguyện chấp nhận nhường lại và thu hẹp địa bàn làm ăn."

Ông Xuân cũng lưu ý các doanh nghiệp nên tập trung khai thác thị trường nông thôn, bởi đây là thị trường rất nhiều lợi thế tiềm năng và là địa bàn giàu “dinh dưỡng” cho phát triển thị trường Việt và hàng Việt.

"Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền mơ về một thị trường với một trật tự mới, cấu trúc mới. Khi ấy, quản trị chuỗi sẽ trợ giúp đắc lực cho chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý chất lượng hành hóa, đặc biệt là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm… Phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại," chuyên gia này nói thêm.

Tiềm năng cho thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ là rất lớn và với nhiều chính sách từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại.

Trong đó khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.

Còn theo ông Lương Thành Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” phối hợp với các đối tác Hàn Quốc, các hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thiêt kế và thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm... tiếp tục được chú trọng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ cho các sản phẩm Việt Nam./.

Thống kê của Vụ thị trường trong nước cho thấy, giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Riêng 4 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017.

Từ năm 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ năm 2006 đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn và 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!