(Baothanhhoa.vn) - Trong phát triển công nghiệp, mỗi tỉnh, thành phố đều có những sản phẩm chủ yếu dựa trên những lợi thế và thế mạnh riêng. Tại Thanh Hóa, nhiều năm qua, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu được xác định gồm 32 sản phẩm, như: Đường kết tinh, bia các loại, thủy sản đông lạnh, gạch lát nền, thuốc lá, xi măng, các sản phầm lọc hóa dầu, ô tô tải, giầy da, sản phẩm may mặc, dầu ăn, phân bón các loại, sản phẩm cói, điện thương phẩm...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn, vực dậy sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Trong phát triển công nghiệp, mỗi tỉnh, thành phố đều có những sản phẩm chủ yếu dựa trên những lợi thế và thế mạnh riêng. Tại Thanh Hóa, nhiều năm qua, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu được xác định gồm 32 sản phẩm, như: Đường kết tinh, bia các loại, thủy sản đông lạnh, gạch lát nền, thuốc lá, xi măng, các sản phầm lọc hóa dầu, ô tô tải, giầy da, sản phẩm may mặc, dầu ăn, phân bón các loại, sản phẩm cói, điện thương phẩm...

Tháo gỡ khó khăn, vực dậy sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Sản phẩm may mặc xuất khẩu của Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta chủ yếu được xuất khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, trùng với thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nên đa phần các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh bị ảnh hưởng. Các cấp chính quyền, các ngành liên quan và chính các doanh nghiệp đã nhanh chóng có các giải pháp ứng phó để duy trì và vực dậy hoạt động sản xuất các sản phẩm được coi là thế mạnh này của tỉnh.

Thống kê từ Sở Công Thương, trong tháng 4-2020, do tình hình dịch bệnh dẫn đến một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục giảm so với tháng trước, như: Thuốc lá bao giảm 20,8%, phân bón các loại giảm 6,8%, quần áo may sẵn giảm 8,7%, clinker tiêu thụ giảm 12,6%, giầy thể thao giảm 3,8%... Nhiều sản phẩm còn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, đơn cử như bia các loại giảm 57%, thuốc lá bao giảm 49,6%, quần áo may sẵn giảm 26,5%... Tuy nhiên, đã có một số sản phẩm tăng nhẹ trong tháng 4 so với tháng 3 vừa qua như: Thủy sản đông lạnh tăng 4,9%; bao bì các loại tăng 5,9%; nước máy sản xuất, đá khai thác tăng 0,7%; bia các loại tăng 19,5%; các sản phẩm hóa lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu tăng nhưng không cao (do thị trường tiêu thụ và xuất khẩu không ổn định)...

Nếu tính từ đầu thời điểm dịch bệnh trên thế giới đến giai đoạn phức tạp nhất - trùng với 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh cũng có nhiều biến động. So với cùng kỳ 4 tháng của năm trước, trong số 32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 19 sản phẩm tăng và 13 sản phẩm giảm. 13 mặt hàng giảm do thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế gặp khó khăn, như: Đường kết tinh giảm 47,2%, tinh bột sắn giảm 11,8% (do hết thời vụ sản xuất), bia các loại giảm 40,1%, giầy thể thao xuất khẩu giảm 2,3%. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm đã bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại, như: Thủy sản đông lạnh tăng 11,8%, clinker tiêu thụ tăng 12,9%, bao bì các loại tăng 14,5%, cát xây dựng tăng 12,2%, sữa tươi các loại tăng 28,8%, nước máy sản xuất tăng 18,6%, xăng các loại tăng 14,5%...

Tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn những ngày trung tuần tháng 5 này, 100% các nhà máy, xí nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Nhà máy Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông Bỉm Sơn của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã vận hành tất cả 4 dây chuyền với gần 100% công suất. Theo kế hoạch ban đầu, trong năm 2020, nhà máy sẽ sản xuất hơn 80.000 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của nhà máy bởi các nguyên liệu nhập về từ Trung Quốc và Lào bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi nhập khẩu nguyên liệu bị hạn chế tại các cửa khẩu đất liền, doanh nghiệp đã xúc tiến mạnh hơn kênh vận tải bằng đường biển.

Ông Vũ Văn Thưởng, Giám đốc sản xuất của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, chia sẻ: Giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội, nhà máy chúng tôi thực hiện rất nghiêm. Có 2 tuần công ty đóng cửa tạm dừng sản xuất nhằm bảo đảm phòng chống dịch, vừa tìm giải pháp khắc phục khó khăn cho sản xuất. Trong nửa tháng này, công ty tranh thủ bảo dưỡng máy móc, nâng cấp 2 dây chuyền sản xuất chính để tăng hiệu quả trong sản xuất. Đến nay, năng lực sản xuất của nhà máy được tăng thêm hơn 100.000 tấn/năm, đưa tổng công suất nhà máy lên 480.000 tấn mỗi năm. Được đầu tư hiện đại hơn theo hướng tăng cường tự động hóa nên số công nhân trong các dây chuyền sản xuất giảm 40%. Theo đó, công ty vừa tăng được năng lực sản xuất, vừa giảm được chi phí nhân công. Điều này được coi là thành công nhằm khắc phục khó khăn trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh.

Do sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước nên phía Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đang tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tìm các giải pháp mở rộng thị trường các tỉnh xa. Tuy chưa hết ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là phải nhập khẩu nguyên liệu, nhưng đến giữa tháng 5 - 2020, mọi hoạt động sản xuất của nhà máy đã trở lại bình thường.

Trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn với hơn 100 dự án đã đi vào sản xuất, hiện tất cả đều đã duy trì sản xuất ổn định, không có hiện tượng tạm dừng sản xuất. Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 này, nhiều sản phẩm bắt đầu tăng trưởng, đơn cử như sản phẩm dầu ăn thực vật tăng tới 69% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bứt phá trong những tháng còn lại của năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngày 12–3–2020, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 2949/UBND-THKH về việc rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập mới cũng như các doanh nghiệp cũ phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã và đang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công thương trên địa bàn, chủ động nắm chắc diễn biến hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu; nắm bắt diễn biến thị trường, diễn biến dịch bệnh, sẵn sàng phát hiện các tình huống đột xuất, có dấu hiệu bất thường để tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]