(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, giá đường trên thế giới liên tục giảm sâu. Trong khi đó, sản xuất cây mía trên địa bàn tỉnh vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất mía đường

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất mía đường

Thu mua mía nguyên liệu tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy).

Những năm gần đây, giá đường trên thế giới liên tục giảm sâu. Trong khi đó, sản xuất cây mía trên địa bàn tỉnh vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ.

Việc áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất vẫn cầm chừng do địa hình đồi dốc và diện tích manh mún. Chi phí tăng, giá thu mua nguyên liệu giảm khiến thu nhập của người trồng mía không bảo đảm, thậm chí thua lỗ nên ngày càng không mặn mà với cây mía.

Theo thống kê, đánh giá của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, diện tích vùng nguyên liệu cho 2 nhà máy của công ty chỉ còn 5.700 ha, bằng 50% so với cách đây 5 năm. Năng suất, chất lượng mía cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Nhiều vùng, nông dân đã và đang tiếp tục chặt bỏ cây mía để chuyển sang trồng các loại cây khác. Niên vụ 2019-2020, sản lượng mía chưa đáp ứng đủ 50% nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, nguy cơ vùng nguyên liệu bị phá vỡ, nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất. Cũng theo đánh giá của công ty, nguyên nhân khiến vùng nguyên liệu Lam Sơn sụt giảm còn do xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn đến các nhà máy, khu công nghiệp khiến lao động trong vùng bị thiếu hụt. Trong khi đó, các mô hình thâm canh chưa đạt yêu cầu cả số lượng và chất lượng. Các dịch vụ như làm đất, phân bón, giống mía chưa đạt yêu cầu để bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía...

Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn, chia sẻ: Để ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy, đơn vị cần ổn định tối thiểu 10.000 mía đứng, với sản lượng đạt từ 800.000 - 1.000.000 tấn mía nguyên liệu. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía, tăng giá thu mua, nâng cao thu nhập cho người dân, công ty cũng đã đầu tư lắp đặt dây chuyền nước mía dinh dưỡng tế bào với công suất 5.500 tấn/ngày, dự kiến đi vào sản xuất ổn định từ niên vụ tới. Đơn vị cũng đã thông báo giá mía thu mua nguyên liệu trong 3 năm tiếp theo. Trong đó, giá thu mua từ niên vụ 2021-2022 trở đi sẽ được nâng lên 1.000.000 đồng/tấn mía 10 CCS, làm cơ sở để người dân yên tâm sản xuất. Cùng với những giải pháp trên, công ty đang tập trung cao cho công tác thâm canh cây mía. Trong đó, tập trung cho trồng mới, chăm sóc mía lưu gốc, cân đối đủ nguồn giống mới, chất lượng cao cho các vùng sản xuất. Tạo điều kiện tốt nhất về đầu tư máy cơ giới thu hoạch, thâm canh, vay vốn cho các hộ có điều kiện tích tụ đất đai trồng mía có diện tích từ 3-5 ha trở lên để yên tâm gắn bó lâu dài với công ty. Khuyến khích và giao cán bộ nguyên liệu của công ty hợp tác với nông dân xây dựng các mô hình thâm canh diện tích mía năng suất, hiệu quả cao.

Là 1 trong những HTX xây dựng, phát triển được vùng nguyên liệu ổn định cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), cho biết: Với tình hình khó khăn chung của ngành mía đường, việc công ty đã chủ động đầu tư các dây chuyền sản xuất mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía là những tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất. Bên cạnh đó, giá thu mua đã được ban hành ổn định trong 3 năm tới cũng là những tiền đề cho người dân yên tâm gắn bó với đơn vị, phát triển và giữ vững vùng nguyên liệu mía. Tuy nhiên, đơn vị cần dành nguồn tài chính ưu tiên và nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để thanh toán tiền mía, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân triển khai vụ chăm sóc và trồng mới. Đồng thời, đầu tư vốn cho các HTX, các hộ sản xuất lớn mua máy móc, ứng dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây mía.

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành mía đường, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động nuôi cấy mô, chọn tạo các giống mía mới cho năng suất, chất lượng cao, chịu sâu bệnh tốt. Tập trung xây dựng thí điểm các mô hình từ 3-5 ha trở lên áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, ổn định thu nhập cho người dân. Tổ chức, củng cố, đầu tư thêm máy móc, thiết bị; đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân để bảo đảm năng lực áp dụng cơ giới hóa trong thời gian tới. Tiếp tục đầu tư công nghệ ép, nâng cao năng lực thu hồi, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía. Tiến tới liên kết chặt chẽ với các HTX để bảo đảm mối liên kết với nhà máy và thuận lợi trong chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất mía quy mô lớn.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]