(Baothanhhoa.vn) - Đặt vấn đề được giới thiệu một gương thanh niên điển hình trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, một cán bộ Huyện đoàn Thạch Thành đã đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong mật lớn nhất ở xã Thạch Long. Ông chủ của hơn 100 đàn ong - anh Đoàn Quang Thuận, sinh năm 1985 nhưng đã khá nổi tiếng trong giới nuôi ong ở huyện miền núi này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên Đoàn Quang Thuận và câu chuyện nuôi ong khởi nghiệp

Đặt vấn đề được giới thiệu một gương thanh niên điển hình trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, một cán bộ Huyện đoàn Thạch Thành đã đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong mật lớn nhất ở xã Thạch Long. Ông chủ của hơn 100 đàn ong - anh Đoàn Quang Thuận, sinh năm 1985 nhưng đã khá nổi tiếng trong giới nuôi ong ở huyện miền núi này.

Thanh niên Đoàn Quang Thuận (trái) với các thùng ong trong hành trình khởi nghiệp.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thuận luôn thể hiện sự lạc quan, dễ gần và không ngại chia sẻ những kinh nghiệm có được trong nghề để ngày càng có nhiều người thành công. Thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng từ nghề nuôi ong, nhưng đó chỉ là nghề “tay trái” bởi Thuận chính là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thạch Long. Là cán bộ trẻ, nhưng sau giờ lên công sở, anh trở về nhà ngay để chăm lo cho đàn ong. Tại vườn nhà “ông chủ” trẻ này, hàng chục thùng (bọng) ong xếp theo từng hàng rải khắp vườn. Theo anh, sở dĩ các thùng ong có hướng để giống nhau bởi phải tránh hướng gió lạnh và nắng phía Tây soi thẳng vào cửa bọng. Mở nắp thùng ong, Thuận giới thiệu với chúng tôi từng cầu ong vàng óng, lóng lánh những mật. Thời gian khai thác mật lâu hay chậm phụ thuộc vào thời điểm hoa nhiều hay ít. Do ban ngày phải đến cơ quan nên người cán bộ đoàn này phải thắp đèn chăm sóc ong ban đêm. Với anh, bầy ong đã trở thành “bạn” bởi một vài ngày vì quá bận mà không thăm được chúng là thấy... nhớ.

Nói về cái duyên với nghề này, anh Thuận cho biết, từ xa xưa, nhiều hộ dân trong xã đã nuôi ong, song chỉ một vài hoặc dăm bảy đàn để lấy mật dùng. Tuy nhiên, nuôi quy mô lớn để khai thác mật theo hướng hàng hóa thì gần đây mới có nhiều hộ. Sớm nhận thấy tiềm năng đất đồi và nhiều loài hoa trong khu vực chính là tiềm năng lớn, anh quyết tâm phát triển đàn ong quy mô hàng chục, rồi đến cả trăm, hơn 100 đàn. Qua quá trình nuôi, Thuận tự mày mò rồi rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Anh còn nắm rõ, từng loài hoa nở rộ vào tháng nào để đưa các đàn ong đặt nhờ ở vùng hoa đó. Tháng 2 là thời điểm chính vụ ong làm mật bởi các loài hoa nở nhiều. Tháng 3, tháng 4, nên chuyển các đàn ong đến gửi ở các xã ven rừng để ong lấy đợt hoa rừng. Sang tháng 6, các loài hoa không còn dồi dào nên phải cho ong ăn bổ sung, thậm chí cho ong ăn lẫn thuốc B1, B12 để tăng sinh lực. Vào mùa đông, nếu quân ít, phải rút bớt cầu, ngược lại mùa xuân phải bỏ thêm cầu để ong chúa tích cực sinh sản, nhân đàn. “Kỹ thuật nhân đàn cũng tạo ra nguồn thu lớn, quan trọng là biết tạo nhũ tướng (tạo ổ), bằng cách lấy sáp, sữa chúa bỏ vào để ong chúa đẻ trứng chúa mới. Khi có chúa non, việc tách đàn mới sẽ thực hiện được” - anh Thuận chia sẻ. Hiện một đàn ong mới với 4 cầu được bán giá trung bình 1 triệu đồng, nếu biết chăm sóc tốt, mỗi năm, một đàn có thể tách làm đôi. Cùng với đó, một đàn ong mỗi năm cho thu hoạch trung bình khoảng 1 triệu đồng tiền mật, trong khi chi phí nuôi ong thấp.

Thành công từ nghề nuôi ong không phải là người biết dùng chiêu trò mà là người biết tự rút ra được những kinh nghiệm. Nuôi ong cũng không phải là nghề vất vả, mà chỉ bận rộn với những kỹ thuật tỉ mỉ và yêu cầu sự cần cù, cộng với niềm đam mê. Những yếu tố ấy đều hội tụ ở người thanh niên Đoàn Quang Thuận nên anh đã sớm gặt hái thành công. Với dao động từ 100 đến 150 đàn ong mỗi năm, Thuận có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Sau mỗi ngày lao động vất vả, mỗi khi quay mật, nhìn thấy những cầu ong đầy mật được đưa vào máy quay ly tâm, những dòng mật bắn ra, Thuận lại thấy vui bởi đó là thành quả. Sự cần cù của triệu triệu con ong, những giọt mồ hôi của người thanh niên trẻ đã cho đời hàng trăm lít mật ngọt mỗi năm. Mật ong chính là sản phẩm hàng hóa có thể để lâu nên không bị áp lực tiêu thụ ngay như nhiều sản phẩm chăn nuôi khác. Tiếng lành đồn xa, các thương lái từ thị xã Bỉm Sơn, trong huyện Thạch Thành tìm đến mua để đưa đi TP Thanh Hóa và mọi miền đất nước tiêu thụ. “Năm 2017, tôi không còn mật để bán. Năm 2018 này, hoa vải, hoa nhãn, hoa keo nở nhiều, lượng mật dự kiến sẽ cao hơn, mang theo kỳ vọng về những khoản thu nhập không nhỏ” - anh Thuận tâm sự.

Với vai trò là bí thư đoàn thanh niên xã, anh đã hỗ trợ cho 4 thanh niên trong xã, mỗi người 4 đàn ong để nhân đàn, phát triển kinh tế. Gương làm kinh tế của Đoàn Quang Thuận đã trở thành điển hình, tạo sức lan tỏa lớn trong giới trẻ huyện Thạch Thành, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]