(Baothanhhoa.vn) - Cầu phao Vồm nối liền xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) vào một buổi sáng cuối năm vẫn... nhộn nhịp. Gần chục phương tiện tàu thuyền chuyên đi hút và vận chuyển cát trên sông Chu neo đậu chờ mở đoạn cầu phao để qua lại như thường ngày. Tất cả các tàu thuyền lớn nhỏ trong số đó đều không số hiệu, đồng nghĩa với không có hoặc chưa đầy đủ đăng ký, đăng kiểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tàu cát không số vẫn nhộn nhịp trên sông

Cầu phao Vồm nối liền xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) vào một buổi sáng cuối năm vẫn... nhộn nhịp. Gần chục phương tiện tàu thuyền chuyên đi hút và vận chuyển cát trên sông Chu neo đậu chờ mở đoạn cầu phao để qua lại như thường ngày. Tất cả các tàu thuyền lớn nhỏ trong số đó đều không số hiệu, đồng nghĩa với không có hoặc chưa đầy đủ đăng ký, đăng kiểm.

Tàu cát không số vẫn nhộn nhịp trên sông

Một tàu cát không số hiệu hoạt động gần chân cầu Vạn Hà (Thiệu Hóa).

Tiếp tục đi dọc bờ tả sông Chu về phía thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), chúng tôi ghi nhận gần chục phương tiện tàu thuyền khác cũng không hề có số hiệu. Nhiều tàu túm tụm hút cát dưới lòng sông với tiếng máy nổ đồng vọng inh tai,nhức óc. Số tàu khác với đầy ăm ắp cát đi lại trên sông khiến mực nước sông mấp mé tận mạn tàu. Nhiều năm qua, trên sông Chu qua các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân chính là tuyến đường thủy phức tạp, có nhiều tàu thuyền không số hiệu hoạt động nhộn nhịp nhất. Theo khảo sát mới nhất vào cuối năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Thiệu Hóa có 37 phương tiện tàu thuyền chuyên tham gia khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, tuy nhiên chỉ có 15 phương tiện trong số đó có đăng ký hoạt động với các ngành liên quan cũng như các địa phương. Số lượng phương tiện được đăng kiểm trong tổng số phương tiện của huyện từ trước đến nay cũng mới chỉ dừng ở con số 19 tàu, có nghĩa chất lượng của những tàu còn lại vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy nội địa bất kỳ lúc nào.

Còn tại huyện Thọ Xuân, có 48 phương tiện vẫn thường xuyên tham gia khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát trên các tuyến sông, song đến cuối năm 2018, vẫn chưa có phương tiện nào tham gia đăng ký hoạt động. Điều này đồng nghĩa, 100% phương tiện đường thủy nội địa liên quan đến khai thác và vận chuyển cát ở huyện đang vi phạm các quy định. Nhiều nhất tỉnh hiện nay là TP Thanh Hóa với 59 phương tiện đang tham gia hoạt động liên quan đến cát, nhưng mới có 7 phương tiện có đăng ký và 39 phương tiện được đăng kiểm theo quy định. Cũng tính đến cuối năm 2018, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa hề có phương tiện nào được đăng ký, đơn cử như huyện Thường Xuân cả 9/9 phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát không có đăng ký; huyện Yên Định có 16/16 phương tiện chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký; huyện Bá Thước cả 3/3 phương tiện cũng chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký...

Hoạt động của những “tàu không số” này là trái phép, song nó vẫn cứ tồn tại, hoạt động bình thường như không hề vi phạm pháp luật. Từ sự hoạt động của đa phần những phương tiện đường thủy nội địa này, mà những bãi ngô, ruộng dâu rồi đất canh tác ở nhiều vùng ven sông đã không còn. Từ chỗ không số hiệu, phương tiện tha hồ tung hoành ngang dọc khắp các triền sông, ven bãi bồi để cắm “vòi bạch tuộc”, rút ruột các dòng sông. Tàu thuyền khai thác cát trái phép, khi bị phát hiện là nổ máy tháo chạy nên các địa phương, thậm chí các lực lượng chức năng liên quan không thể xác định được chủ phương tiện cũng như phương tiện đó đến từ đâu để xử lý, phạt nguội. Ngoài lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, cán bộ ngành tài nguyên và môi trường cũng như chính quyền và nhân dân các địa phương ven sông dường như chưa có phương tiện để truy đuổi, trấn áp các tàu thuyền không số hiệu khai thác cát trái phép. Điều đó dẫn đến các hoạt động khai thác cát trái phép tràn lan trong suốt thời gian dài, nhưng sự “bó tay” của lực lượng chuyên môn lẫn các địa phương khiến các chủ phương tiện này vẫn “nhơn nhơn” tiếp tục vi phạm.

Theo Văn bản số 7133 của Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành cuối tháng 11 – 2018 về việc “tổng hợp kết quả kiểm tra việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển cát”, thì toàn tỉnh có 190 tàu thuyền chuyên tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên các dòng sông. Tuy nhiên, mới có 39 phương tiện được đăng ký, đăng kiểm đúng các quy định. Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có 20,5% phương tiện tàu thuyền đủ điều kiện cũng như các quy định để lưu thông. Gần đây, một số địa phương mới bắt đầu đẩy mạnh chỉ đạo để yêu cầu các chủ phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, như: Thiệu Hóa, Thạch Thành, TP Thanh Hóa...

Khi các ngành liên quan cùng một số địa phương đã chủ động vào cuộc, thì nhiều khó khăn từ cơ chế lại trở thành bước cản. Việc đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện ở nhiều nơi tạm thời chưa thực hiện được bởi các chủ phương tiện chưa nộp được thuế để làm thủ tục đăng ký. Như vậy, thời điểm mà các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát được đăng ký, đánh số để quản lý và đưa vào hoạt động theo quy củ... vẫn còn bỏ ngỏ.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]