(Baothanhhoa.vn) - Xác định vụ đông 2018-2019 là vụ sản xuất chính trong năm và đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp, tỉnh ta đã tập trung công tác chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho sản xuất vụ đông, với chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập trung nguồn lực cho sản xuất vụ đông

Xác định vụ đông 2018-2019 là vụ sản xuất chính trong năm và đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp, tỉnh ta đã tập trung công tác chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho sản xuất vụ đông, với chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tập trung nguồn lực cho sản xuất vụ đông

Nông dân xã Định Tường (Yên Định) thu hoạch ớt vụ đông.

Theo kế hoạch vụ đông 2018-2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 50.000 ha, tổng giá trị sản xuất đạt 2.800 tỷ đồng trở lên. Trong đó: Cây ngô 18.060 ha, năng suất 47 tạ/ha, sản lượng 84.882 tấn; rau đậu các loại và khoai tây 20.935 ha trở lên, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 272.115 tấn; còn lại là các cây trồng khác. Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông gồm có ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô và cây rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông (cây ngô phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất sinh khối cho đại gia súc; cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống).

Theo báo cáo tiến độ sản xuất của ngành nông nghiệp, tính đến đầu tháng 12-2018, diện tích gieo trồng vụ đông của toàn tỉnh đã cơ bản đạt kế hoạch. Một số huyện làm vụ đông đạt tỷ lệ cao hoặc vượt kế hoạch, như: Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy... Trong vụ đông đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại giá trị cao như: Ớt xuất khẩu, ngô (Yên Định); rau an toàn (Hậu Lộc); dưa chuột, ngô (Thọ Xuân); dưa lưới (Vĩnh Lộc)...

Về huyện Yên Định những ngày cuối năm, trên khắp các cánh đồng đang trải dài một màu xanh bất tận của các loại cây rau màu vụ đông. Là huyện có truyền thống làm vụ đông của tỉnh, đến nay Yên Định đã đạt và vượt kế hoạch đề ra với 5.504/5.500 ha kế hoạch giao, tập trung vào cây ngô 1.600 ha, cây đậu tương 400 ha, rau đậu các loại 1.500 ha, cây ớt 1.000 ha..., trong đó có khoảng 1.800 ha cây trồng được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Định Tường là một trong các xã của huyện Yên Định đã sớm triển khai sản xuất vụ đông có hiệu quả. Ông Lê Văn Chức, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Định Tường đưa chúng tôi đi thăm đồng, phấn khởi cho biết: Vụ đông 2018-2019, xã bố trí một số cây trồng chủ lực như: Ngô, ớt, cà chua, đậu leo, bí đỏ, hành... với tổng diện tích 120 ha. Sau khi triển khai, đã có 4 vùng trồng rau an toàn tại 3 thôn với tổng diện tích 13 ha, được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và cơ chế hỗ trợ các mô hình mới của huyện Yên Định là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy vụ đông theo hướng phát triển bền vững.

Từ huyện Yên Định nhìn ra toàn tỉnh cho thấy các địa phương đều có những lợi thế sản xuất vụ đông hiệu quả. Đó là một vụ sản xuất đặc thù với 3 tháng mùa đông lạnh, sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng, nhất là nhóm rau màu ôn đới. Với nền nhiệt thấp, dịch hại trên cây trồng vụ đông có thể được xem là ít có nguy cơ nhất so với các vụ trong năm, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, tích lũy sinh khối thuận lợi tạo nên năng suất, chất lượng, hương vị cho nhiều loại cây trồng. Hơn thế nữa, người nông dân trong tỉnh lại có truyền thống và trình độ thâm canh vụ đông, một vụ đông chỉ chiếm đất khoảng 3 tháng nhưng cho giá trị thu hoạch bằng 2-3 lần cả năm làm lúa. Giá trị sản xuất vụ đông toàn tỉnh mang lại hằng năm khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện thời). Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và các cấp, các ngành, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được ban hành kịp thời đã khuyến khích, động viên nhân dân mở rộng sản xuất. Kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất vụ đông, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng chống thiên tai, sâu bệnh được tích lũy. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện, dịch vụ hỗ trợ sản xuất tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cũng như bảo quản, chế biến và bao tiêu nông sản. Dự báo các sản phẩm cây trồng vụ đông năm nay tiếp tục ổn định thị trường xuất khẩu; nhu cầu tiêu thụ nội địa có xu hướng tăng (các sản phẩm phục vụ các khu công nghiệp trong tỉnh), nhất là các cây có lợi thế cao như: Ớt, dưa bao tử, khoai tây, ngô ngọt, ngô làm thức ăn gia súc, rau ưa lạnh... Bên cạnh đó, thời vụ sản xuất năm nay không quá căng thẳng do cây trồng vụ thu, mùa thu hoạch đúng dự kiến; giá vật tư đầu vào cơ bản không tăng; các công trình thủy lợi trên địa bàn đang được hoàn thiện sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu cho sản xuất.

Tuy vậy, quy mô sản xuất vụ đông năm nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung và theo “cánh đồng mẫu lớn” chưa thật sự chuyển biến mạnh. Các doanh nghiệp tham gia liên kết hoặc đầu tư sản xuất vụ đông còn thiếu và yếu; các doanh nghiệp lớn ít quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp do hiệu quả còn thấp, tính rủi ro cao. Lao động nông thôn ngày càng thiếu, do đi làm ăn xa hoặc lao động tại các khu công nghiệp, trong khi thời vụ triển khai vụ đông yêu cầu rất khẩn trương, vừa thu hoạch cây trồng vụ thu, mùa vừa gieo trồng cây vụ đông cùng một thời điểm. Trong khi nông dân vẫn thiếu kinh phí đầu tư mua giống, phân bón, chi phí thuê máy móc, nhân công. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thất thiệt sản xuất có thể xảy ra bất kỳ như: Hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại... ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân. Mặt khác, do ảnh hưởng của bão số 3, bão số 4 và đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, nhiều diện tích cây trồng bị ngập, thiệt hại, nông dân gặp nhiều khó khăn về vốn để mua giống. Tại các huyện có diện tích đất bãi, lượng phù sa bồi lấp lớn, ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng...

Trao đổi về vấn đề khắc phục khó khăn, phát huy các yếu tố thuận lợi để tập trung nguồn lực cho sản xuất vụ đông năm 2018-2019, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Một số giải pháp mà ngành nông nghiệp đang quyết liệt chỉ đạo, đó là xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và triển khai đến tận thôn, xã. Quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, ý nghĩa và hiệu quả trong sản xuất vụ đông; huy động các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp tham gia sản xuất vụ đông bằng nhiều hình thức nhằm hỗ trợ nhân dân và tạo thành phong trào rộng khắp. Trên những diện tích có kế hoạch sản xuất vụ đông, cần tạo điều kiện giải phóng đất và áp dụng nhiều hình thức làm đất khác nhau đối với mỗi loại cây trồng; có giải pháp cụ thể về lịch thời vụ và bộ giống đối với một số cây trồng chủ lực. Đẩy mạnh sản xuất ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Cung ứng vật tư và dịch vụ cho sản xuất kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo số lượng; động viên các đơn vị dịch vụ đầu tư ứng trước vật tư, công, kinh phí làm đất cho nhân dân ngay từ đầu vụ. Nâng cao vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm vụ đông ổn định. Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh và địa phương để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, nhất là khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để phát triển các đối tượng cây trồng có lợi thế trên địa bàn.

Bên cạnh các giải pháp, ông Kỳ cho biết thêm, ngành cũng đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh lấy kết quả sản xuất vụ đông là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cần có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất vụ đông, ứng trước vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Các ngành liên quan và các tổ chức xã hội phối hợp với ngành nông nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất vụ đông 2018-2019 đạt kết quả cao nhất.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]